Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký NATO quy trách nhiệm sụp đổ đất nước cho các lãnh đạo Afghanistan


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 17/8 đổ lỗi cho sự thất bại của lãnh đạo Afghanistan là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng vũ trang mà phương Tây hậu thuẫn ở nước này, nhưng ông thừa nhận rằng liên minh cũng phải giải quyết những sai sót trong chương trình huấn luyện quân sự của mình, theo AP.

NATO dẫn đầu các nỗ lực an ninh quốc tế ở Afghanistan từ năm 2003 nhưng đã chấm dứt tác chiến vào năm 2014 để tập trung vào việc huấn luyện các lực lượng an ninh quốc gia của Afghanistan.

NATO đã giúp xây dựng một quân đội khoảng 300.000 quân, nhưng lực lượng này nhanh chóng tan vỡ khi đối mặt với cuộc tấn công của Taliban chỉ trong vài ngày.

“Những gì chúng ta thấy trong vài tuần qua là một sự sụp đổ quân sự và chính trị với tốc độ không thể lường trước được”, AP dẫn lời ông Stoltenberg nói với các phóng viên sau khi chủ trì một cuộc họp của các đại sứ NATO.

Ông nói rằng các đơn vị quân đội Afghanistan “đã chiến đấu dũng cảm”, nhưng “cuối cùng, giới lãnh đạo chính trị Afghanistan đã thất bại trong việc chống lại Taliban để đạt được giải pháp hòa bình mà người dân Afghanistan vô cùng mong muốn”.

“Sự thất bại này của giới lãnh đạo Afghanistan đã dẫn đến thảm kịch mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay”, ông Stoltenberg, người luôn khẳng định trong nhiều năm rằng Taliban sẽ chỉ thành công trên bàn đàm phán và không bao giờ giành được chiến thắng trên chiến trường, nói.

Một năm trước, NATO đưa ra “Sứ mệnh hỗ trợ kiên quyết” nhằm huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan, với sự tham gia của khoảng 10.000 chuyên viên quân sự từ 36 quốc gia thành viên và đối tác. Hôm Chủ nhật, một quan chức NATO cho biết “hiện tại không có quân binh nào dưới quyền chỉ huy của NATO ở Afghanistan”.

Bất chấp những lỗ hổng do tham nhũng và thiếu khả năng lãnh đạo ở Afghanistan, liên minh quân sự của 30 quốc gia tin rằng việc đào tạo lực lượng an ninh địa phương là cách tốt nhất để chống lại những kẻ cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo và tránh đặt quân đội của phương Tây vào thế bị tổn hại.

NATO hiện đang huấn luyện quân đội và giúp xây dựng các thể chế an ninh quốc gia ở Iraq, Jordan và Tunisia, đồng thời có những thỏa thuận tương tự với Gruzia và Moldova, và đồng ý tư vấn an ninh cho Libya, nước đang bị xung đột, “khi có điều kiện”.

“Chúng ta cần tiếp tục chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, ông Stoltenberg nói, đồng thời khẳng định rằng những nỗ lực của NATO đã giúp làm suy yếu mạng lưới Al Qaeda.

Ông cho rằng NATO có thể tránh sa lầy trong các hoạt động chiến đấu nếu tổ chức này huấn luyện thành công các lực lượng địa phương.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, “câu hỏi lớn mà chúng ta phải đặt ra một cách trung thực và rõ ràng là: Tại sao các lực lượng mà chúng ta đã đào tạo, trang bị và hỗ trợ trong nhiều năm qua lại không thể đứng lên chống lại Taliban một cách mạnh mẽ và tốt hơn những gì họ đã làm?”

Stoltenberg cho biết mục tiêu ngắn hạn của NATO trong tình huống “cực kỳ nghiêm trọng và không thể lường trước” hiện nay là đảm bảo cho nhân viên từ các nước thành viên và đối tác có thể thoát ra ngoài an toàn, và cả với những người Afghanistan đã giúp đỡ họ.

Ông cho biết có khoảng 800 nhân viên dân sự từ các nước NATO đã ở lại Afghanistan để giúp đỡ, đặc biệt là trong việc duy trì hoạt động của sân bay Kabul, bao gồm nhân viên điều hành kiểm soát không lưu, hoạt động tiếp nhiên liệu máy bay và thông tin liên lạc.

Ông Stoltenberg kêu gọi Taliban tôn trọng nguyện vọng của những người muốn rời đi và không đóng cửa các chốt biên giới hoặc sân bay. Ông cũng kêu gọi các chiến binh tránh “trả thù hay báo thù” và đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách ôn hoà.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG