Tháng trước, Thống đốc Mitch Daniels của tiểu bang Indiana đã đi thăm Trung Quốc để kêu gọi các công ty Trung Quốc đầu tư vào tiểu bang ông và tăng cường những hoạt động xuất khẩu của tiểu bang ông sang Trung Quốc.
Thu nhập của Indiana phụ thuộc nhiều vào ngành chế tạo nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở đây hiện nay đã lên tới mức gần 10%.
Trong lúc chuyến đi của thống đốc Daniels sắp kết thúc, một số công ty Trung Quốc đã cam kết sẽ lập công ty mới hoặc khuyếch trương công ty có sẵn ở Indiana. Ông Mitch Roob, Giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế Indiana, cho biết như sau về việc này.
Ông Roob nói: "Chúng tôi rời Trung Quốc với hơn 20 đầu mối cho những thương vụ ở Indiana. Chúng tôi rất phấn khởi. Những thương vụ này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, từ y tế cho tới bảo hiểm, từ xe hơi, bình điện cho tới đồ gỗ và nông sản. Những cơ hội ở Trung Quốc thật là to lớn đối với một tiểu bang có nền kinh tế năng động như tiểu bang Indiana chúng tôi."
Năm 2005, một công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc, có tên là Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), đã gặp thất bại khi định mua công ty dầu lửa Unocal của Mỹ vì vấn đề an ninh quốc gia. Việc này khiến cho nhiều người phải thắc mắc là Trung Quốc có thể hoàn tất những thương vụ lớn ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, các nhà phân tích thương mại cho biết các công ty Trung Quốc đã trở nên khôn khéo hơn và họ đang lợi dụng những cơ hội phát xuất từ vụ suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ.
Tháng 10 vừa qua, CNOOC đã đầu tư vào một khu vực khai thác dầu lửa và khí đốt từ đá phiến sét ở tiểu bang Texas. Ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, là Ngân hàng ICBC, cũng đã mua một công ty môi giới chứng khoán cỡ nhỏ ở New York.
Trước đó vào tháng 7, một công ty Trung Quốc đã mua công ty ô tô Nexteer, một công ty con của General Motors, với giá 450 triệu đô la. Nexteer là chủ tuyển dụng lớn hàng thứ nhì ở Saginaw – một thành phố trong tiểu bang Michigan có tỉ lệ thất nghiệp hơn 11%.
Một số nhân viên của Nexteer lo ngại là họ sẽ bị mất việc nếu người chủ mới dời các hoạt động của công ty sang Trung Quốc. Những người khác thì cảm thấy bực bội đối với việc một công ty từng là một phần của công ty xe hơi khổng lồ của Mỹ giờ đây phải nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Tuy nhiên công ty này đã thu dụng thêm hơn 100 kỹ sư kể từ khi vụ mua bán công ty được loan báo.
Cũng trong năm nay, Công ty Thép An Sơn, nhà sản xuất thép lớn hàng thứ tư ở Trung Quốc, muốn thành lập một công ty liên doanh có vốn đầu tư 168 triệu đô la với Công ty Phát triển Thép ở tiểu bang Mississippi. Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Trung Quốc vào ngành thép ở Mỹ. Tuy nhiên một số nhà lập pháp và các công ty thép khác ở Mỹ phản đối thương vụ này vì họ cho rằng các công ty thép của Trung Quốc được nhà nước trợ cấp. Quốc hội Mỹ phải xét duyệt những thương vụ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Ông Derek Scissors, một nhà nghiên cứu cao cấp của Quĩ Heritage ở Washington, nói rằng một số những lập luận chống lại những thương vụ của Trung Quốc trong ngành chế tạo và khai thác tài nguyên thiên nhiên là “những lập luận rất đỗi phi lý.”
Ông Scissors nói: "Khi tôi nói chuyện với các vị đại biểu ở quốc hội về việc này và hỏi họ là sự phản đối phát xuất từ đâu, họ nói với tôi rằng điều này có thể xảy ra, điều nọ có thể xảy ra và như vậy là một vấn đề rất lớn. Tôi cứ thắc mắc là tại sao họ không đợi cho tới khi những điều đó xảy ra rồi có hành động để ngăn chận những vấn đề mà họ cứ tưởng tượng là sẽ xảy ra vào một lúc nào đó trong tương lai."
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới mức gần 10%, hai năm sau khi bắt đầu xảy ra vụ suy thoái tệ hại nhất kể từ vụ Đại khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930.
Ông Scissors của Quĩ Heritage cho rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc có lợi cho cả hai nước.
Ông Scissors cho biết: "Nó giúp cho công ăn việc làm của người Mỹ ở lại trong nước. Nó có ích cho Trung Quốc khi họ được phép mua tài nguyên thiên nhiên của Mỹ. Nước Mỹ có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên hầu như thuộc đủ loại, ngoại trừ dầu lửa. Trung Quốc rất cần những tài nguyên này. Nước Mỹ có môi trường đầu tư rất tốt cho các công ty Trung Quốc và việc Trung Quốc muốn đầu tư vào nước Mỹ là một điều dễ hiểu. Và thật tình mà nói thì các công ty Trung Quốc cũng trả giá cao cho các loại tài nguyên thiên nhiên. Vậy thì tại sao chúng ta lại không để cho Trung Quốc trả giá cao để mua tài nguyên thiên nhiên của Mỹ."
Mặc dù vậy, một số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chính khách Mỹ than phiền rằng chính phủ ở Bắc Kinh hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Mỹ muốn khuyếch trương công cuộc kinh doanh ở Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Gary Locke, nói rằng vấn đề này sẽ được mang ra thảo luận tại cuộc hộïi nghị giữa các giới chức thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Washington vào ngày 13 tháng 12.
Ông Locke nói: "Chúng tôi muốn thấy có thêm tính chất nhân nhượng lẫn nhau từ những nhân vật tương nhiệm phía Trung Quốc và một sự cam kết mạnh mẽ hơn để theo đuổi các chính sách mở cửa thị trường mà Trung Quốc đã tán đồng khi họ xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới."
Trong lúc nhiều tiểu bang ở Mỹ có tỉ lệ thất nghiệp cao và có nhiều nợ nần, những vị thống đốc của các tiểu bang khác như California và Minnesota cũng đã thực hiện những chuyến công du xúc tiến thương mại ở Trung Quốc. Các giới chức của Indiana dự định sẽ thực hiện một chuyến công du nữa tới Trung Quốc vào đầu năm tới.
Theo tường thuật của thông tín viên Heda Bayron của đài chúng tôi tại trung tâm tin tức Á châu ở Hồng Kông, các công ty Trung Quốc đang tăng cường hoạt động đầu tư ở Hoa Kỳ và điều này đang làm cho một số chính khách và công nhân ở Mỹ cảm thấy bực bội nhưng những người khác, trong đó có thống đốc tiểu bang Indiana, lại muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1