Trên một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía bắc của Brunei ở Biển Đông, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan.
Theo tường thuật của Reuters, khi hoàn thành, giai đoạn đầu tiên của khu phức hợp trị giá 3,4 tỷ USD trên đảo Muara Besar, do Tập đoàn Hengyi của Trung Quốc điều hành, sẽ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei, xuất hiện vào thời điểm mà quốc gia phụ thuộc vào dầu khí cần đến nó nhất.
Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Brunei dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng hai thập niên. Các nhà phân tích nói khi công việc sản xuất sụt giảm, các công ty dầu mỏ sẽ không đầu tư nhiều vào các cơ sở hiện có, gây thêm trở ngại về sản lượng. Kết quả là thu nhập từ dầu mỏ của Brunei, vốn là hầu bao của gần như tất cả các chi tiêu của chính phủ Brunei, đang sụt giảm đều đặn.
Với tình trạng thất nghiệp đang tăng trong giới thanh niên hiện nay, nhà lãnh đạo Brunei, Sultan Hassanal Bolkiah, đang cố gắng cải cách nhanh nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn thu nhập, trong lúc tiếp tục cuốc chiến chống lại tham nhũng và trấn áp giới bất đồng chính kiến.
Sự xuống dốc của Brunei được phản ánh trong lĩnh vực tài chính. HSBC đã rút khỏi Brunei năm ngoái, trong khi Citibank ra đi vào năm 2014 sau 41 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại mở chi nhánh đầu tiên tại quốc gia Hồi giáo này vào tháng 12 năm 2016.
Dự án Muara Besar hứa hẹn sẽ mang lại hơn 10.000 việc làm, ít nhất một nửa trong số đó sẽ dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp, Reuters dẫn nguồn truyền thông Brunei cho biết. Tuy nhiên, thông báo cho biết hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được chuyển đến để xây dựng khu phức hợp đã làm một số cư dân địa phương tức giận.
Con đường tơ lụa trên biển
Hengyi Industries, công ty địa phương xây dựng nhà máy lọc dầu, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Thông tin từ trang web cho biết công ty được thành lập vào năm 2011 và có trụ sở tại Bandar Seri Begawan dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn đầu của khu phức hợp nhà máy lọc dầu và hóa dầu tại Muara Besar vào cuối năm nay.
Giai đoạn 2 trị giá 12 tỷ USD sẽ dành cho việc mở rộng công suất nhà máy lên tới 281.150 thùng/ ngày và xây dựng các đơn vị sản xuất 1,5 triệu tấn ethylene/năm và 2 triệu tấn paraxylene/năm.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ về đầu tư toàn cầu của Trung Quốc, tổng đầu tư của Bắc Kinh tại Brunei ước đạt 4,1 tỷ USD.
Con số này có phần chắc sẽ tăng lên khi Trung Quốc đẩy mạnh dự án “Vành đai và Con đường”, còn gọi là “Con đường tơ lụa của thế kỷ 21”, dự kiến liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á, châu Phi và Á-Âu qua mạng lưới các cảng, đường, đường sắt và các khu công nghiệp.
“Brunei là một quốc gia quan trọng trên Con đường Tơ lụa thế kỷ 21”, Đại sứ Trung Quốc tại Brunei Yang Jian nói trong lễ khai trương một liên doanh điều hành cảng container lớn nhất ở Brunei vào tháng 2 năm 2017.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tổng đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Brunei trong năm 2012 chỉ có 116 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư khoảng 205 tỷ USD vào Đông Á trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2017, theo báo cáo về Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang gia tăng những khoản đầu tư này trong lúc đấu với bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Brunei, trong tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đá ở Biển Đông
Jatswan Singh, giáo sư Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, tác giả của 4 cuốn sách về Brunei, nhận định: “Việc xây dựng quan hệ tốt đẹp và đưa ra các khoản đầu tư lớn là một phần trong chiến lược của Trung Quốc để chia cắt các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo không có sự đồng thuận về các vấn đề Biển Đông”.
Brunei không bình luận công khai về tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.