Đường dẫn truy cập

Philippines, TQ tìm cách hợp tác khai thác dầu khí Biển Đông


Các cấu trúc do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 21 tháng 4, 2017.
Các cấu trúc do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 21 tháng 4, 2017.

Philippines và Trung Quốc nhất trí thành lập một ban đặc biệt để thu xếp xem làm thế nào họ có thể cùng nhau thăm dò dầu khí ở phần Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền mà không phải giải quyết vấn đề chủ quyền.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi mà khối lượng hàng hóa 3 tỉ đôla vận chuyển qua lại hàng năm, và có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh ở nhiều khu vực khác với Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.

"Đó chỉ là khởi đầu của một quá trình," đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Chito Sta. Romana, phát biểu cuối ngày 13/2 sau khi các nhà ngoại giao của cả hai bên gặp nhau lần thứ hai theo một cơ chế song phương nhằm giải tỏa những căng thẳng hàng hải lâu nay.

Ông nói quyết định thành lập một nhóm công tác về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là một "bước đột phá."

Lập ra một thỏa thuận cho một dự án chung sẽ cực kỳ phức tạp và nhạy cảm vì cả hai nước tuyên bố thẩm quyền tài phán đối với địa điểm có trữ lượng dầu khí, vì thế chia sẻ địa điểm này có thể coi là hợp thức hóa yêu sách của bên kia, hoặc thậm chí nhượng lãnh thổ có chủ quyền.

Ý tưởng phát triển chung lần đầu tiên manh nha vào năm 1986, nhưng tranh chấp và vấn đề chủ quyền đã khiến nó không thể trở thành hiện thực.

Nhưng thời gian đang cấp bách đối với Philippines, nước lệ thuộc nặng vào năng lượng nhập khẩu để cung cứng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình. Điều này trở nên phức tạp với ước tính nguồn khí đốt thiên nhiên nội địa, mỏ Malampaya ngoài khơi, đến năm 2024 sẽ cạn kiệt.

Ông Sta. Romana nói nhóm điều phối thứ hai được thành lập để giải quyết các vấn đề chủ quyền và "ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào leo thang."

Philippines vào năm 2011 cáo buộc tàu Trung Quốc quấy rối một chiếc tàu khảo sát được thuê bởi Diễn đàn Năng lượng, đơn vị giành được hợp đồng thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ rong, gần quần đảo Trường Sa.

Philippines đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague vào năm 2013 để kiện về vụ việc này, trong số những vụ tranh chấp khác.

Phán quyết của tòa án năm 2016, mà Trung Quốc từ chối công nhận, làm rõ Bãi Cỏ rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và do đó nước này có quyền chủ quyền khai thác tài nguyên ở đó.

Một quan chức cao cấp Philippines cho biết các nước Đông Nam Á và Trung Quốc tháng sau sẽ bắt đầu đàm phán về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG