Trong lúc chiến dịch phế truất Thống đốc California, Gavin Newsom, đang ngày càng lan tỏa, cử tri Cộng hòa cho rằng ông ‘đáng bị phế truất’ còn cử tri Dân chủ gọi nỗ lực lật đổ ông Newsom là ‘mưu đồ của phe Cộng hòa’ làm ‘tốn tiền thuế dân vô ích’.
Đến thời điểm này, trang chủ của phong trào phế truất ‘recallnewsom2020’ đã thu thập được trên 1,8 triệu chữ ký, vượt xa mức cần thiết là 1,5 triệu trong khi vẫn còn thời gian cho đến thời hạn chót để đệ trình là ngày 17/3.
Khó phế truất
Những người tổ chức đặt mục tiêu trên 2 triệu chữ ký để trừ ra số chữ ký không hợp lệ sau khi xác thực. Với con số này thì nhiều khả năng ông Newsom phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu phế truất trong vòng từ 60 đến 80 ngày sau khi số chữ ký được đệ trình.
Nếu khả năng này xảy ra, thì đó sẽ lần thứ hai trong lịch sử bang một thống đốc đối mặt với cuộc bỏ phiếu phế truất. Mặc dù hầu hết mọi thống đốc California kể từ năm 1960 đều phải đối mặt với nỗ lực phế truất nhưng chỉ có một lần là hồi năm 2003, Thống đốc Gray Davis của Đảng Dân chủ đã bị phế truất thành công và thua trước ứng viên Cộng hòa Arnold Schwarzenegger.
Tuy nhiên, khả năng đa số người dân California sẽ bỏ phiếu để cách chức ông Newsom là vô cùng ít. Ông Newsom, người đã đánh bại đối thủ Đảng Cộng hòa với khoảng cách tới 24% vào năm 2018, vẫn còn giữ được sự ủng hộ từ thành phần cử tri Dân chủ đủ để giữ cho ông tiếp tục nắm quyền, bất chấp những thách thức của năm vừa qua.
Học viện Chính sách Công California (PPIC) đã thăm dò ý kiến cử tri 12 lần về kết quả làm việc của ông Newsom kể từ khi ông được bầu và các con số vẫn khá ổn định. Các cuộc thăm dò gần đây của PPIC cho thấy chỉ có 43% cử tri California không tán thành cách làm việc của ông, theo tờ Guardian. Để so sánh, cựu Thống đốc Gray Davis có tỷ lệkhông tán thành ở mức 70% khi ông bị phế truất.
Nỗ lực truất phế ông Gavin Newsom đã có thêm thời cơ trong những tuần gần đây, khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm trong bối cảnh người dân ngày càng thất vọng về cách xử lý đại dịch Covid và kinh tế sa sút do phong tỏa.
Trên khắp bang California, hàng trăm nghìn người được trang bị biểu ngữ tụ tập bên ngoài các siêu thị Walmart, trong các bãi đậu xe ở các khu mua sắm và trên các lối đi lót ván cạnh bãi biển để cố gắng thuyết phục mọi người rằng Thống đốc Gavin Newsom cần phải ra đi.
Bản thân ông Newsom đã cố gắng không tỏ ra lo lắng, từ chối nói về chuyện này. Trong một tuyên bố chính thức, ông Newsom gọi nỗ lực này là lãng phí và cho đó chỉ là ‘một số ít những người có động cơ đảng phái ủng hộ Tổng thống Trump và chương trình nghị sự nguy hiểm của ông ta và đang muốn đảo ngược ý chí của cử tri California’.
Nỗ lực của phe Cộng hòa?
Mặc dù tỷ lệ được lòng dân của ông Newsom đã suy giảm trong những tháng gần đây, các phân tích gia cho rằng phong trào phế truất mang ý nghĩa là sự phản ánh phân cực chính trị nhiều hơn, vốn đã trở nên sâu sắc hơn trong đại dịch và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, theo Guardian.
Theo các nhà phân tích, chiến dịch phế truất chủ yếu đáp ứng những người California bảo thủ, vốn cảm thấy họ không được đa số theo Đảng Dân chủ trong bang lắng nghe, và nó đã được tiếp thêm sức và nguồn lực từ một bộ phận cử tri nhỏ nhưng rất lớn tiếng của Đảng Cộng hòa.
“Ông ấy là một nhân vật rất gây chia rẽ,” ông Mark Baldassare, chủ tịch và giám đốc điều hành của PPIC được Guardian dẫn lời nói. “Phe Dân chủ hậu thuẫn ông ấy một cách áp đảo trong khi cử tri Cộng hòa đại đa số không ủng hộ ông ấy.”
Biểu trưng của phong trào là một con Gấu California đang nhe răng với một chân giơ lên thách thức và chân còn lại đang ôm hình tiểu bang được ghi một danh sách dài những bất bình, trong đó có kiểm soát súng, ‘y tế miễn phí cho di dân bất hợp pháp’ và ‘giảm sự hỗ trợ cho cảnh sát’….
Trong khi lúc đầu những người vận động gắn phong trào với những lời than phiền về thuế cao, cuộc khủng hoảng nhà ở và vô gia cư thì nay trọng tâm đã quay qua chính sách kiểm soát dịch Covid – nhất là việc ông Newsom sử dụng các sắc lệnh hành pháp, sự thất bại của cơ quan phụ trách thất nghiệp của bang, vốn vẫn đang vật lộn với các vụ việc tồn đọng và gian lận, và lệnh phong tỏa bắt buộc khiến nhiều cơ sở kinh phải đóng cửa.
Phong trào phế truất càng tăng sức hút sau khi ông Newsom bị bắt gặp không đeo khẩu trang và ăn uống trong nhà hàng sang trọng French Laundry sau khi yêu cầu người dân California ở nhà và đeo khẩu trang nơi công cộng.
Những người phát động tuyên bố phong trào này bao gồm người dân California thuộc tất cả các xu hướng chính trị. Nhưng cho đến nay, phong trào vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với cánh hữu, với cả Đảng Cộng hòa chính thống và các nhóm bảo thủ ngoài rìa là động lực thúc đẩy chiến dịch.
Theo phân tích gần đây của ABC News, phần lớn chữ ký được thu thập cho đến nay là ở vùng Thung lũng Trung tâm vốn sống bằng nông nghiệp, Quận Cam vốn là trung tâm bảo thủ, và các vùng cực bắc của bang nơi phong trào ly khai đã âm ỉ trong nhiều năm. Trong khi đó, ở Vùng Vịnh nơi tập trung các hãng công nghệ cao vốn có tư tưởng cấp tiến, chưa đến 1% số cử tri đã ký tên.
‘Chỉ tốn tiền thuế dân’
Trao đổi với VOA, ông Alan Võ, một giám đốc điều hành và là nhà làm phim từng sản xuất phim ‘Vượt sóng’, chỉ trích phong trào truất phế ‘là nỗ lực của phe Cộng hòa muốn dẹp một thống đốc Dân chủ và thay bằng người của họ’.
Theo ông thì việc phe đòi phế truất lên án ông Newsom đóng cửa California để chống dịch ‘là không đúng’ vì ‘cả thế giới đều phong tỏa chứ riêng gì bang California đâu’.
“Ông Newsom chỉ làm theo những gì các nhà khoa học khuyên thôi còn chống dịch không hiệu quả là bởi người Mỹ quá tự do không thể kiềm kẹp được,” ông lập luận.
“Nếu không phong tỏa thì lây nhiễm sẽ nhiều hơn. Nếu người chủ doanh nghiệp mà bị nhiễm rồi chết thì nhân viên mất việc hết. Còn nếu nhân viên mà nhiễm thì chủ cũng khổ,” ông Võ nói thêm để phản bác lập luận rằng việc đóng cửa ‘giết chết nền kinh tế’.
Ông thừa nhận việc ông Newsom đi ăn nhà hàng không đeo khẩu trang giữa lúc thực thi lệnh ở nhà ‘là điều sai’ nhưng việc này ‘không đủ để phế truất’.
Theo ông thì các vấn đề mà phe Cộng hòa đưa ra để đòi truất phế ông Newsom ‘đúng hay sai còn tùy thuộc vào cách nhìn đảng phái’.
Ông đơn cử như vấn đề giúp đỡ di dân bất hợp pháp, nếu như phe Cộng hòa chỉ trích kịch liệt thì những người Dân chủ ‘xem họ là những con người cần được giúp đỡ, họ cần có công ăn việc làm, tạo dựng đời sống mới và đóng thuế cho nhà nước’.
Ông Võ dự đoán việc phế truất này ‘sẽ không đi đến đâu’ và ‘tiêu tốn hàng triệu đô la mà đáng lẽ ra nên dùng để hỗ trợ cho người già hay những cơ sở kinh doanh bị thiệt hại vì Covid’.
‘Đảng phái không quan trọng’
Cô Kim Trương, chủ tiệm tóc Bolsa Salon trên đường Bolsa ở Little Saigon và là một người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump nhiệt thành, chỉ trích Thống đốc Newsom ‘giết hết các tiểu thương trong bang’.
“Người ta làm ăn mà ông cứ nói Covid rồi bắt người ta đóng cửa hoài,” cô Kim than phiền với VOA. “Ở nhà cũng bị lây bệnh vậy?”
Ngoài ra, cô tức giận với việc ông Newsom ‘nói mà không làm’: “Ổng kêu người ta ở nhà mà ổng đi tiệc tùng. Vậy thì ai còn nghe ổng nữa?”
Bản thân cô Kim không những tham gia ký tên đòi phế truất ông Newsom ngay từ đầu mà còn vận động được ‘rất đông bạn bè và khách hàng tham gia ký cùng với cô’, cô cho biết.
Theo ghi nhận của cô thì ‘hình như đa số đòi truất phế Newsom là những người ủng hộ ông Trump’ nhưng ‘cũng có một số ít không đồng tình với ông Newsom’.
Tuy nhiên, người chủ tiệm tóc này khẳng định ‘không có sự liên quan gì giữa việc thích ông Donald Trump và ghét ông Gavin Newsom’.
“Phong trào đòi truất phế ông Newsom đã có từ lâu trước khi ông Trump thua trong cuộc bầu cử mà,” cô lý giải.
Cô Kim phủ nhận phế truất ông Newsom mang động cơ đảng phái và cho biết ‘lúc đầu cô cũng thích ông Newsom nhưng từ khi có dịch thì không ủng hộ nữa’.
“Nếu người lên thống đốc là người tốt, lo cho dân thì mình vẫn ủng hộ họ chứ mình đâu có theo đảng được,” cô giãi bày.
Khác với ông Alan Võ, trên vấn đề giúp đỡ di dân bất hợp pháp, cô Kim chỉ trích việc ‘lấy tiền thuế của dân để lo y tế, chỗ ở cho di dân bất hợp pháp’.