Cộng đồng thợ làm móng người Việt ở tiểu bang California, Mỹ, cảm thấy ‘bất mãn’ vì vẫn chưa được phép vào trong nhà làm việc trong khi các tiệm hớt tóc và làm tóc lại được. Sự khác biệt này khiến họ cân nhắc sẽ có hành động phản đối chính quyền bang.
Hôm 28/8, Thống đốc California, ông Gavin Newsom, đã cho phép từ ngày 31/8 toàn bộ 58 quận hạt trong tiểu bang được mở cửa các tiệm làm tóc và hớt tóc trong nhà sau một thời gian phải hoạt động ngoài không gian mở để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Ngoài ra, chính quyền tiểu bang cũng ra hướng dẫn đánh giá các quận hạt theo bốn thang bậc về mức độ lây nhiễm Covid-19 là ‘lây lan rộng’, ‘lây đáng kể’, ‘lây vừa phải’ và ‘lây tối thiểu’.
Theo đó, đại đa số các quận hạt đều đang chứng kiến mức lây lan cao nhất là ‘lây lan rộng’. Chỉ có ba quận hạt thưa thớt dân có mức lây lan tối thiểu. Trong các quận hạt đông dân, chỉ có hạt San Diego ở cực nam không bị lây lan rộng mà chỉ ‘lây đáng kể’.
‘Đối xử không công bằng’
Từ quận Cam, ông Tâm Nguyễn, chủ tịch ‘Nailing it for America’, hiệp hội đại diện cho 11.000 chủ tiệm làm móng gốc Việt ở California, bày tỏ sự tiếc nuối khi ngành nail vẫn phải hoạt động ngoài trời.
Ông Tâm cho biết hiện giờ ở California có 87% tiệm móng vẫn phải mở ngoài trời và chỉ có 13% được cho hoạt động trong không gian khép kín ở các quận hạt ít lây nhiễm.
Điều khiến ông bất bình không phải là việc tiệm nail chưa được cho vào trong nhà mà là có sự phân biệt đối xử, ông nói với VOA.
“Tôi không hài lòng vì có sự phân biệt giữa tiệm nail với tiệm tóc cũng như với các chợ. Những nơi đó và các chợ còn không an toàn và được bảo vệ kỹ như tiệm nail,” ông nói.
“Tôi đã gửi câu hỏi cho ông Thống đốc là tại sao ngành nào cũng có một nhân viên phục vụ một khách mà tiệm tóc được mở trong nhà còn tiệm nail thì không,” ông Tâm bức xúc và cho biết ông đang chờ đợi câu trả lời từ văn phòng Thống đốc Gavin Newsom.
“Tất cả tiệm nail của người Việt ở California trong thời gian chống dịch đã đóng cửa, đã tuân theo đúng hướng dẫn của Thống đốc đưa ra trong 6 tháng vừa qua,” ông nói thêm. “Đến giờ chúng tôi chưa rõ có số liệu hay căn cứ khoa học gì cho việc này hay không.”
Trước tình hình đó, hiệp hội nail của ông cùng ba hiệp hội ngành làm móng khác là Pro Nail Association, Sacramento Nail Association và Viet Nail, dự kiến sẽ có cuộc họp trong tuần này để bàn bạc cách ứng phó.
“Nhìn chung cộng đồng nail rất bực. Họ kêu gọi tập trung để phản đối. Đã có một vài cuộc biểu tình rồi,” vị lãnh đạo cộng đồng làm móng của người Việt cho biết.
‘Chi phí tăng, thu nhập giảm’
Ông Tâm cho biết việc hoạt động ngoài trời khiến cho các chủ tiệm nail gặp rất nhiều khó khăn.
“Thời tiết vừa rồi ở California rất là nóng, nên rất khó làm việc bên ngoài cho cả thợ và khách hàng. Ngoài thời tiết ra mình còn bị khói cháy rừng,” ông phân trần.
Ngoài ra, có những chỗ chủ phố, nơi đặt tiệm nail, không cho lấn chiếm không gian bên ngoài để hoạt động, hoặc chỉ cho làm trên vỉa hè, hoặc chỉ cho làm 1-2 chỗ ở bãi đậu xe.
“Bảo hiểm nói họ không chấp nhận chi trả bảo hiểm cho bên ngoài nên các tiệm nail hoạt động ngoài trời phải tự chịu rủi ro,” ông nói thêm.
Một vấn đề nữa là ‘không tiện chạy đường điện nước từ bên trong ra ngoài’. “Mình còn phải đầu tư thêm lều bạt, máy lạnh, quạt để làm việc bên ngoài được an toàn và lịch sự,” ông Tâm cho biết.
“Làm bên ngoài thu nhập bị giảm rất nhiều, đến 75%, trong khi đó tiền nhà, tiền nhân viên, tiền điện nước tất cả các chi phí đều phải trả đầy đủ.”
Chủ tịch hiệp hội ‘Nailing it for America’ cam kết nếu được mở cửa trong nhà trở lại, các tiệm làm móng ‘sẽ làm tất cả những gì trong khả năng để bảo vệ khách hàng và thợ’, chẳng hạn như đo thân nhiệt, theo dõi triệu chứng, đảm bảo giãn cách, xài dụng cụ dùng một lần, không cho khách đợi ở phòng chờ mà chừng nào thợ trống sẽ gọi khách có hẹn trước vào, không nhận tiền mặt nữa mà chỉ cho thanh toán qua thẻ để giảm tiếp xúc…
Theo hướng dẫn của Thống đốc Newsom, mức ‘lây lan nhanh’ được xác định là có 7 ca nhiễm mới mỗi ngày và tỷ lệ xét nghiệm dương tính là trên 8%. Trong khi đó, con số này cho mức ‘lây đáng kể’ tương ứng là 4-7 ca mỗi ngày và 5-8%; mức ‘lây vừa phải’ là từ 1 đến 3,9 ca và 2-4,9%. Còn những quận hạt nào có số ca nhiễm mỗi ngày dưới 1 và tỷ lệ dương tính dưới 2% được xem là ‘lây tối thiểu’.
Người Việt hiện chiếm hơn 80% ngành công nghiệp làm móng của tiểu bang California.