Lệnh cấm hát thánh ca tập thể trong các buổi lễ bên trong nhà thờ ở tiểu bang California nhằm tránh lây lan virus corona đã gặp sự phản đối của nhiều người thuộc cộng đồng Thiên Chúa giáo ở đây, trong đó có chức sắc và tín đồ gốc Việt, theo tìm hiểu của VOA.
Lệnh cấm này hiện cũng đang bị thách thức ở tòa án liên bang. Ba nhà thờ ở miền Bắc California hôm 15/7 đã đệ đơn kiện Thống đốc Gavin Newsom lên tòa án liên bang ở Redding viện dẫn lý do lệnh cấm hát ca đoàn trong nhà thờ vi phạm Tu chính án số 1 vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho người dân Mỹ.
Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 ở California hồi tháng Ba, nơi thờ phượng của các tôn giáo cùng với các cơ sở được xem là ‘không thiết yếu’ khác được lệnh phải đóng cửa để tránh tụ tập làm lây lan dịch bệnh. Sau khi dịch đã có dấu hiệu bình ổn thì các nhà thờ đã được phép mở cửa đón tín đồ trở lại từ đầu tháng 6 nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp an toàn và giãn cách.
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 6 đầu tháng 7, dịch bệnh lại bùng phát mạnh mẽ trở lại ở tiểu bang khiến Thống đốc Newsom một lần nữa phải ra lệnh đóng cửa phần lớn tiểu bang. Lần này, sắc lệnh đóng cửa ngày 6/7 của ông Newsom nói rõ rằng ‘những nơi thờ phượng phải ngừng hoạt động ca hát trong không gian kín’.
‘Mất đi ý nghĩa’
Từ San Diego, mục sư Lê Công Toàn, phó quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Giám lý Wesley, nói với VOA rằng ông ‘rất buồn’ trước lệnh cấm này.
“Chúng tôi là con cái Chúa. Chúng tôi thờ phượng Chúa là phải tôn vinh, ca ngợi Chúa. Hát thánh ca trong thánh đường là một điểm quan trọng của việc thờ phượng Chúa. Nếu chúng tôi không được tôn vinh, ca ngợi Chúa thì buổi thờ phượng sẽ rất thiếu sót,” ông giải thích.
Ông cho rằng việc cấm hát thánh ca ‘cũng giống như cấm chúng tôi không được thờ phượng’.
Vị mục sư này cho biết sau khi được mở cửa trở lại thì nhà thờ của ông ‘đã giữ khoảng cách xã hội’, trong đó có hoạt động hát thánh ca. Theo lời giải thích của ông thì từ khoảng cách từ ca đoàn đến hàng ghế các tín đồ phía dưới là ‘10-12 feet’ và các tín đồ ‘đều mang khẩu trang’.
“Ca đoàn chúng tôi chỉ gồm 5, 6 người hát trên thánh đường mà thôi,” ông nói. “Ban nhạc cách xa, người đánh trống, người đánh đàn, người hướng dẫn cũng cách xa nhau 6 feet.”
Ông nói rằng hiện tại nhà thờ ông vẫn duy trì việc hát thánh ca như thế này ‘vì đã tuân thủ quy định về giãn cách xã hội’.
“Chúng tôi tôn vinh ca ngợi Chúa với khoảng cách cho phép, đã tuân theo quy định của chính quyền mà vẫn không được tôn vinh Chúa thì đó là điều rất buồn,” ông bày tỏ và khẳng định rằng từ lúc mở lại nhà thờ chỗ ông cho đến nay, ‘chưa có người nào bị nhiễm Covid-19 do hát thánh ca trong thánh đường’.
Mục sư Lê Công Toàn cũng nói rằng ‘nhiều tín đồ người Việt đến phàn nàn với ông về quy định này mà họ cho là ‘ép tôn giáo’.
“Lời thánh ca có tác dụng an ủi, nâng đỡ, khích lệ tinh thần con cái Chúa rất nhiều, giúp an ủi tinh thần họ trong lúc khó khăn, dịch bệnh, hoạn nạn,” mục sư Toàn giãi bày.
Do đó, ông cho rằng nếu không được hát thánh ca thì buổi thánh lễ ‘sẽ trở nên nhạt nhẽo, không còn ý nghĩa’.
Về việc thay thế hình thức hát trực tiếp bằng cách phát băng thâu sẵn, ông nói ‘chưa nghĩ đến’ nhưng cho rằng việc phát băng ‘không biểu lộ được tấm lòng yêu kính Chúa’.
“Cái gì nói trực tiếp thì uy nghiêm hơn. Phải nói nên lời thì trong lòng mình mới vui vẻ được,” ông giải thích.
Tuy nhiên, nếu chính quyền bắt buộc thì ông ‘vẫn làm theo lệnh’ nhưng ‘vẫn thấy đó là thiếu sót’.
Về tình hình mở cửa lại nhà thờ, vị mục sư này cho biết chỗ ông ‘đã mở cửa được 2 tuần nhưng số người tham dự chưa đông’.
“Mới đông được tuần thứ 2 thì gặp phải lệnh cấm,” ông cho biết. “Những con cái Chúa lên gặp online rất mong muốn được khôi phục lại hoạt động của nhà thờ để họ đến thờ phượng Chúa.”
‘Sứ mạng ghi trong Kinh Thánh’
Mục sư Kevin Green thuộc nhà thờ Calvary Chapel ở Fort Bragg, một trong ba nhà thờ khởi kiện thống đốc Gavin Newsom, được tờ Los Angeles Times dẫn lời nói rằng: “Hát thánh ca trong nhà thờ là sứ mạng ghi trong Kinh Thánh.”
Theo lập luận của vụ kiện này, trong khi ông Newsom ủng hộ quyền tự do ngôn luận của những người biểu tình ‘Mạng sống của người da đen là quan trọng’ (Black Lives Matter) – nhiều người trong số họ ca hát và hô vang khẩu hiệu khi đi tuần hành – thì ông lại không ủng hộ quyền tự do biểu đạt của các tín đồ đi lễ nhà thờ.
“Ông ấy không hề chỉ đích danh nhà thờ cho đến khi ông ấy nhắc đến hoạt động hát thánh ca,” mục sư Green được dẫn lời nói. “Khi một người không nhất quán như vậy thì chúng ta không thể nào tin tưởng được. Đó là lý do chúng tôi đệ đơn kiện.”
Vụ kiện lập luận rằng trong khi ông Newsom nhắm vào việc hát thánh ca trong nhà thờ, ông lại không đưa ra các hạn chế tương tự đối với những nơi vẫn còn đang mở cửa chẳng hạn như các khu mua sắm, các điểm giữ trẻ và các cơ sở sản xuất phim ảnh và chương trình truyền hình.
“Cấm hát thánh ca trong các nhà thờ ở California là việc lộng quyền một cách vi hiến, và làm điều này nhân danh chống dịch là một hành động đáng khinh,” ông Jordan Sekulow, một trong những bên đứng nguyên đơn trong vụ kiện, nói với Los Angeles Times. Cha ông Jordan Sekulow, Jay Sekulow, thuộc nhóm tư vấn pháp lý của Tổng thống Donald Trump.
“Lệnh cấm này rõ ràng là nhằm vào tôn giáo,” ông nói thêm.
Lệnh cấm mới này lưu ý rằng việc ca hát trong không gian kín có thể làm gia tăng số ca lây nhiễm virus corona ngay cả khi việc giữ khoảng cách xã hội được thực hiện đúng cách.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phát hiện ra rằng virus corona có thể lan truyền qua khí dung hô hấp vốn có thể bay trong không khí xa hơn khoảng cách 6 feet. Khi ca hát, người trình diễn thường hít vào sâu hơn bình thường khiến cho họ gặp nguy bị lây nhiễm nhiều hơn.
CDC nói các hoạt động ca hát tập thể chứng tỏ là một cách lan truyền virus corona. Nghiên cứu cách Covid-19 lây lan từ một thành viên sang 87% thành viên khác trong một buổi hát tập thể ở Washington, CDC báo cáo rằng “Bản thân việc ca hát có thể góp phần lan truyền virus thông qua việc phát ra khí dung vốn ảnh hưởng khi phát ra âm thanh lớn,” theo CNN.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà thờ khởi kiện ông Newsom. Hồi tháng Tư, vị thống đốc này đã bị ba nhà thờ ở miền Nam California kiện vì cho rằng lệnh ở nhà để chống dịch vi phạm quyền của họ về tự do tôn giáo và tự do hội họp được quy định trong Tu chính án thứ nhất.
Tuy nhiên, sau đó, tòa án liên bang đã ra phán quyết ủng hộ quyết định của ông Newsom vì xét ‘tình hình dịch bệnh có mức độ lây nhiễm cao, thường gây chết người mà vẫn chưa có cách chữa trị’.