Đường dẫn truy cập

Mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn dân của nhà nước Cộng sản được học giả đại học Mỹ ca ngợi


Một gia đình tham gia giao thông bằng xe máy trên đường phố Hà Nội giữa đại dịch COVID. Mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn dân của Việt Nam và quốc gia Cộng sản láng giềng được coi là một mô hình cho các quốc gia đang phát triển khác học tập.
Một gia đình tham gia giao thông bằng xe máy trên đường phố Hà Nội giữa đại dịch COVID. Mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn dân của Việt Nam và quốc gia Cộng sản láng giềng được coi là một mô hình cho các quốc gia đang phát triển khác học tập.

Các học giả của đại học Mỹ ca ngợi mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn dân của Việt Nam và Trung Quốc, và cho rằng các nước khác có thể học hỏi từ những gì mà hai quốc gia Cộng sản này đã làm, từ những cam kết chính trị cho tới các nguồn lực tài chính, để có được thành công

Một nghiên cứu gần đây của Viện Brookings ở Washington DC cho rằng cả hai quốc gia theo chế độ Cộng sản, Việt Nam và Trung Quốc, đều đã đạt được những tiến bộ ấn tượng hướng tới chăm sóc sức khoẻ toàn dân trong thập niên qua.

Trong khi Việt Nam cung cấp một một gói bảo hiểm y tế hào phóng và công bằng hơn cho tất cả mọi người dân thì Trung Quốc có được mức độ bao phủ dân số lớn nhất về chăm sóc sức khoẻ trong lịch sử trong một khoảng thời gian tương tối ngắn, các học giả của viện nghiên cứu Mỹ nhận định.

Sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền Cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc đối với chăm sóc y tế được coi là một yếu tố quan trọng trong những tiến bộ “ấn tượng” mà nghiên cứu, do Viện Brookings kết hợp với Đại học Duke tiến hành, chỉ ra.

Những cam kết này có thể được nhận thấy qua những khoản trợ cấp của chính phủ cho bảo hiểm y tế, đặc biệt là cho những nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương, cũng như kích hoạt các điều luật, chính sách, và các nghị định để thiết lập và phát triển các cơ chế bảo hiểm sức khoẻ cho dân chúng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam “đã đạt được một số tiến bộ quan trọng nhằm tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân” và “tỷ lệ tham gia bảo hiểm cùng các nguồn ngân sách hỗ trợ đã và đang gia tăng nhanh chóng” tại quốc gia Đông Nam Á.

WB nhận định rằng Việt Nam dự kiến đạt mức độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân đến 80 triệu người vào năm 2020 nhưng chính phủ đã nỗ lực rút ngắn lộ trình này để có được gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2019, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng giao.

Bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước và nhân viên được bảo hiểm y tế miễn phí do cơ quan mua, theo chị Nguyễn Hà Linh, một công chức viên làm việc trong một cơ quan chính phủ tại Hà Nội cho biết. Bảo hiểm này chi trả cho những chi phí khám chữa bệnh cơ bản trong khi các xét nghiệm làm thêm thì người đóng bảo hiểm phải trả thêm.

“Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm thúc đẩy việc mua bảo hiểm y tế trong cộng đồng ở nhiều tỉnh thành,” chị Hà Linh cho biết. “Đó là lý do vì sao mức bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm qua.”

Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là “đích” đến thể hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở Việt Nam, theo báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng, và để đạt mục tiêu này “không có cách nào khác là phải phát triển bảo hiểm y tế bền vững, tiến tới BHYT toàn dân.” Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế trong 6 năm qua đã “triển khai, thực hiện quyết liệt” các quy định mới của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân trong đó có quy định bắt buộc tham gia BHYT.

Nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy Việt Nam thiết lập bảo hiểm y tế cho công chức từ những năm của thập kỷ 1990 nhưng chính phủ mới chỉ bắt đầu có trách nhiệm về mặt tài chính đối với người nghèo từ năm 2003. Đó là lúc Việt Nam gia tăng độ bao phủ bảo hiểm. Trong khi đó Trung Quốc thiết lập 3 cơ chế bảo hiểm cho các nhóm dân số khác nhau vào các năm 1998, 2003 và 2007.

Dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng theo đánh giá của nghiên cứu, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đạt được sự gia tăng ấn tượng về độ bao phủ dân số trong bảo hiểm y tế trong thời gian 13 năm thông qua các chính sách, điều luật và các nghị định được kích hoạt.

Bảo hiểm y tế đã trở thành một vấn đề được nhắc tới nhiều trong năm qua giữa bối cảnh toàn thế giới trải qua đại dịch COVID-19 khi nhiều người dân ở các quốc gia phương Tây, nơi không có hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, phải thanh toán các khoản chi phí lớn cho việc điều trị nhiễm bệnh virus corona nếu không có bảo hiểm. Trong khi đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều được cộng đồng quốc tế ca ngợi là những câu chuyện thành công trong việc khống chế sự bùng phát của đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán với hệ thống chăm sóc y tế đại chúng theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Cùng dưới sự lãnh đạo độc đảng, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có cách tiếp cận khá giống nhau trong việc bảo hiểm sức khoẻ toàn. Tuy nhiên, theo các học giả tham gia nghiên cứu, trong đó có Tra Tran – giám đốc chương trình của học viện nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Duke, sự khác nhau giữa hai quốc gia Cộng sản là ở những ưu tiên mà hai chính phủ đặt ra: trong khi Việt Nam ưu tiên bao phủ dịch vụ thông qua mục đích vì người nghèo thì Trung Quốc ưu tiên bao phủ dân số thông qua các cải cách.

Nghiên cứu này chỉ ra các bài học từ Việt Nam và Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển khác muốn đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân thông qua bảo hiểm y tế, trong đó cam kết chính trị với các nguồn tài chính và sự tiếp cận gia tăng phù hợp với dân số của họ.

Mặc dù vậy, bất chấp những tiến bộ của Việt Nam và Trung Quốc hướng đến bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, hai quốc gia này đều đối mặt với những thách thức lớn. Theo các nhà nghiên cứu, một dân số già và những gánh nặng bệnh tật đang dịch chuyển gây ra nhiều áp lực lên tính bền vững tài chính của hệ thống bảo hiểm y tế ở Việt Nam và Trung Quốc. Dù tương lai còn bất định nhưng các học giả của Viện Brookings cho rằng mô hình chăm sóc sức khoẻ dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc đều có vẻ hứa hẹn khi họ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG