Đường dẫn truy cập

Quan chức Việt Nam thừa nhận nhân quyền bị ảnh hưởng vì đại dịch


Một nhân viên công an chỉ dẫn người dân trong khu vực bị ngăn cách ly do bùng phát dịch COVID-19 tại Hà Nội. Các quan chức Bộ Ngoại giao ở Hà Nội thừa nhận đại dịch ảnh hưởng đến quyền con người ở Việt Nam.
Một nhân viên công an chỉ dẫn người dân trong khu vực bị ngăn cách ly do bùng phát dịch COVID-19 tại Hà Nội. Các quan chức Bộ Ngoại giao ở Hà Nội thừa nhận đại dịch ảnh hưởng đến quyền con người ở Việt Nam.

Các quan chức của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 15/12 thừa nhận rằng việc phong toả và giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19 đã khiến việc “thụ hưởng quyền con người” ở Việt Nam bị hạn chế.

Nói tại Hội thảo thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Nhân quyền 10/12, ông Trần Chí Thành, phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao, nhận định rằng bên cạnh tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sống và chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh kịp thời của người dân cũng như quyền tự do cá nhân bao gồm quyền tự do di chuyển và tự do hội họp.”

Việt Nam đã tiến hành giãn cách xã hội trong 3 tuần vào tháng 4 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh và với lệnh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành, người dân trên toàn đất nước bị hạn chế đi lại và yêu cầu không ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Kể từ khi dịch có dấu hiệu bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay đi và tới Việt Nam cũng như thực hiện cách ly tập trung, chủ yếu tại các doanh trại quân đội trong nhiều tháng trong năm nay. Ngoài ra, chính phủ và ngành y tế Việt Nam cũng thực hiện việc truy dấu người lây nhiễm một cách quyết liệt.

Tuy nhiên, việc cách ly, theo ông Thành, là “nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính người nhiễm, gia đình và cộng đồng là phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.”

Với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách quyết liệt, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ca ngợi là một điển hình thành công, trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang vật lộn trong đại dịch, khi có mức tăng trưởng kinh tế dương.

Tại hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hôm 15/12, đại diện thường trú UNDP Caitlin Wiesen, được Tuổi Trẻ trích lời nhận định rằng “Việt Nam đứng trước thực trạng một số quyền con người, gồm các quyền xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị, bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổ thương có nguy cơ bị bỏ lại xa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai.”

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ giữa COVID-19 và Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà Wiesen khuyến nghị Chính phủ Hà Nội “cần tiếp tục coi quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động” và tiếp tục thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và công ước quốc tế về nhân quyền (như UPR…).

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu được báo Đảng Cộng sản trích lời cũng thừa nhận tại hội thảo rằng trong vòng một năm qua, việc “thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền được sống được đảm bảo sức khoẻ” do “nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm, thương mại bị đình trệ, hệ thống y tế phải gồng mình chống dịch, số người lao động bị mất hoặc giảm việc làm tăng cao.”

Tuy nhiên, theo ông Hiệu cho biết Chính phủ Việt Nam, với “quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người” – trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận, đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương.

Việt Nam về cơ bản kiểm soát không để dịch COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn quốc, tiến tới trạng thái “bình thường mới”, theo tờ báo của Ðảng Cộng sản. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quốc hội Việt Nam cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% trong năm 2021.

VOA Express

XS
SM
MD
LG