Một bạn trẻ Việt đứng ra tổ chức cuộc biểu tình chống lại sự thù hận và bạo lực nhắm vào người châu Á ở Mỹ nói với VOA rằng anh ‘có trách nhiệm để đấu tranh cho những gì tốt đẹp cho nước Mỹ’ và kêu gọi người Việt đừng nên im lặng hay cổ vũ cho hành động kỳ thị.
Hôm Chủ nhật ngày 21/3, một cuộc tập hợp và tuần hành có tên là ‘Tập hợp vì sự An toàn Chung – Hãy bảo vệ cộng đồng châu Á/Người Mỹ gốc Á và các đảo trong Thái Bình Dương’ diễn ra ở Quảng trường McPherson, trung tâm thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ.
Ban tổ chức là những bạn trẻ người Việt đang học tập và làm việc ở Mỹ, trong đó người đầu tàu là anh Leo Nguyễn, 25 tuổi, vốn có bằng Khoa học Chính trị và hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho những người có thu nhập thấp.
Cuộc tập hợp diễn ra trong bối cảnh làn sóng thù hận nhắm vào người gốc Á ở Mỹ dâng cao với các cuộc tấn công vô cớ liên tiếp xảy ra và một loạt vụ xả súng ở Atlanta khiến 8 người, trong đó có 6 người gốc Á, thiệt mạng.
‘Quyết tâm làm’
Trao đổi với VOA, anh Leo cho biết vụ bạo lực ở Atlanta hôm 16/3 là ‘giọt nước làm tràn ly’ thôi thúc khiến anh phải hành động. Anh mô tả cảm giác của anh lúc nghe tin các tiệm spa bị tấn công là ‘rất giận dữ, rất sợ, rất khó ngủ nên muốn làm một cái gì đó’.
Mặc dù nhà chức trách vẫn chưa khẳng định động cơ hành động của hung thủ có phải là thù ghét người gốc Á hay không, nhưng anh Leo lập luận rằng ‘nếu muốn tấn công người châu Á thì có mục tiêu nào rõ ràng hơn là các tiệm thẩm mỹ, tiệm spa hay tiệm làm móng vì đa phần các tiệm này thuộc sở hữu người châu Á’.
“Tôi có rất nhiều bạn bè anh chị, nói chung những người trong gia đình làm trong ngành nail (làm móng) nên khi đọc tin này rất là sợ,” anh nói.
Ngay sau đó anh đã rủ bạn bè cùng bắt tay vào việc lên kế hoạch và triển khai tất cả các công việc chỉ trong vòng ba ngày. Nhóm của anh gồm bốn bạn trẻ người Việt phải lên chương trình, mời diễn giả, làm khẩu hiệu, làm các sản phẩm nghệ thuật, liên lạc với các đầu mối để loan báo, đăng ký với nhà chức trách, chuẩn bị xe cứu thương, mời luật sư đến để làm nhà quan sát, mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…, anh cho biết.
“Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ là chắc không có nhiều người tham gia nên chỉ đăng ký số lượng với nhà chức trách là 250 người,” anh nói và cho biết con số tham dự ngày hôm đó lên đến 500 người.
Giải thích về quyết tâm tổ chức cuộc biểu tình này, anh Leo nói: “Người gốc Á vốn lâu nay im lặng, làm việc lo cho gia đình, con cái chứ không có văn hóa đấu tranh cho bản thân, không có truyền thống xuống đường biểu tình.”
“Do đó tôi nghĩ nếu mình không làm thì khó có ai làm, nên cho dù chỉ có ba ngày nhưng chúng tôi cũng quyết định làm luôn,” anh nói thêm.
‘Tình đoàn kết sắc tộc’
Anh Leo kể rằng cuộc tập hợp ngày hôm đó đã thu hút được nhiều người ‘từ nhiều màu da, độ tuổi khác nhau’, trong đó có người gốc Việt.
“Người trẻ thì vốn thường lên tiếng mạnh mẽ đấu tranh cho quyền lợi của họ, nhưng nhiều người lớn tuổi cũng đến tham gia,” anh nói. “Có bác nói với tôi rằng họ sống ở Mỹ đã mấy chục năm và đã chịu đựng sự thù ghét, sự phân biệt đối xử mà chỉ biết cắm mặt làm việc. Nhưng giờ đây họ không thể ngồi yên được nữa.”
Theo lời anh thì cuộc tập hợp cũng có sự tham gia của người da đen, da trắng, người gốc thổ dân để ‘thể hiện sự đoàn kết của các màu da’. “Có như vậy mới chống được kẻ thù chung là nạn phân biệt chủng tộc,” anh nói.
Cuộc tập hợp đã hô những khẩu hiệu kêu gọi ‘không thù hận, không sợ hãi’, ‘hãy bảo vệ cộng đồng gốc Á’, ‘chấm dứt bạo lực súng đạn’ và ‘người gốc Á không phải là virus’. Sau cuộc tập hợp, dòng người đã tuần hành đến cổng khu Phố Tàu ở Washington D.C., anh Leo cho biết.
Anh Leo cho biết anh từng tham gia vào phong trào Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người da đen hồi năm ngoái nên trong hành động vì người da vàng lần này, nhiều bạn bè da đen đã đến ủng hộ anh.
Anh kêu gọi người gốc Việt có sự ủng hộ và thông cảm cho phong trào đòi bình đẳng của người da đen để có thêm sự đoàn kết, chia sẻ giữa các sắc dân thiểu số ở Mỹ.
“Tôi có thể ở nhà chơi game, nhưng nước Mỹ cho tôi nền giáo dục, cho tôi nhiều bạn bè thân thiết, nhiều bài học,” anh nói về động lực xuống đường. “Tôi rất yêu nước Mỹ. Tôi muốn trả ơn. Tôi thấy mình có trách nhiệm để đấu tranh cho những gì mà tôi tin là tốt cho nước Mỹ.”
‘Nghịch lý của người Việt’
Người thanh niên này, vốn đến Mỹ 8 năm trước để học trung học, sau đó học đại học và giờ làm việc ở Mỹ, cho biết ở trung học anh đã trải qua những hành vi ‘bắt nạt vặt’ (micro-aggression). Theo lời anh kể thì một trong những câu đầu tiên bạn bè anh hỏi là ‘mày có ăn thịt chó không?’ và ‘ở nước mày có điện không’. “Tôi trả lời tụi nó là ‘nhà tao có điện còn nhiều hơn nhà của mày’,” anh nói.
Anh Leo cho rằng tình trạng kỳ thị người gốc Á ở Mỹ ‘chỉ là trang mới trong một quyển sách cũ’. “Nó bắt đầu từ rất lâu nhưng gần đây do có virus corona nên có những người bên cánh hữu có sự giải thích lười biếng là ‘China virus’ nên thổi bùng tâm lý bài châu Á,” anh nhận định.
“Tại sao họ không nghĩ rằng con virus này qua tới nước Mỹ mà chính phủ Mỹ đã không làm việc tốt để ngăn chặn mà lại đi đổ lỗi cho người châu Á,” anh lập luận. “Những người không hiểu biết đã dựa vào đó để đi hà hiếp người gốc Á.”
Về tâm lý bài Trung Quốc của người Việt nên tiếp tay cho cách gọi ‘virus Vũ Hán’ này, anh Leo lên án: “Mọi người nên biết rằng khi mọi người ủng hộ cách gọi ‘China virus’ thì không khác nào cầm súng bắn vào chân mình.”
“Người ta tấn công mình vì ‘China virus’ mà mình lại ủng hộ ‘China virus’, đó là sự nghịch lý đến buồn cười,” anh nói.
Mặc dù anh nói anh không phải là người ủng hộ Tổng thống Joe Biden, nhưng ít nhất ông ‘Biden đã lên án cách gọi ‘China virus’.
Hiện giờ Quốc hội Mỹ đang soạn thảo những dự luật chống thù ghét người châu Á và chống thù ghét liên quan đến Covid. Anh Leo kêu gọi các cử tri gốc Việt hãy gọi đến vị dân biểu đại diện cho mình hỏi họ sẽ bỏ phiếu như thế nào cho các dự luật này.
“Nếu họ không ủng hộ, thì trong kỳ bầu cử tới quý vị hãy bầu cho người khác,” anh kêu gọi.