Dù kinh hoàng và phẫn nộ trước vụ xả súng tối 16/3 ở bang Georgia khiến tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, thiệt mạng, nhưng một số người Mỹ gốc Á, bao gồm gốc Việt, ở đây cho hay họ ‘không ngạc nhiên’ do tình trạng kỳ thị người gốc Á leo thang trong thời gian qua.
Trong vụ nổ súng đầu tiên ở hạt Cherokee, hai phụ nữ châu Á, một phụ nữ da trắng và một đàn ông da trắng đã thiệt mạng trong khi một người đàn ông gốc Mỹ Latin bị thương, cảnh sát cho biết. Chưa đầy một giờ sau, bốn phụ nữ gốc Hàn bị giết tại hai tiệm spa đối diện nhau ở đông bắc thành phố Atlanta.
Cảnh sát đã bắt giữ Robert Aaron Long, 21 tuổi, nghi phạm duy nhất trong vụ việc, nhưng nói họ vẫn chưa biết động cơ vụ xả súng. Giới chức địa phương với sự hỗ trợ của FBI cho hay sẽ xem xét xem có dính dáng tới vấn đề sắc tộc hay không.
Trong lời khai ban đầu, nghi phạm khai bị ‘nghiện tình dục’ và các tiệm spa này là ‘nỗi cám dỗ’ cần phải loại bỏ, theo Washington Post. Tuy nhiên, cảnh sát nói rằng còn quá sớm để chắc chắn rằng vụ tấn công không có động cơ hằn thù sắc tộc.
Kỳ thị gia tăng
Vụ nổ súng xảy ra trong bối cảnh có sự gia tăng các cuộc tấn công và đe dọa mang tính phân biệt chủng tộc trên toàn quốc nhắm vào người gốc Á. Lực lượng cảnh sát từ Seattle đến New York đã tăng cường an ninh ở các khu dân cư Mỹ gốc Á.
Trong nhiều tháng, người Mỹ gốc Á ở Georgia, cũng giống như nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ, đã phải đối mặt sự nhục mạ và quấy rối ngày càng gia tăng, những nhà hoạt động tại chỗ nói với Washington Post.
Tình trạng bạo lực là ‘thật đáng sợ và đáng báo động’, ông Chris Chan, chủ tịch cố vấn Quỹ Hành động Người Mỹ gốc Á Georgia, nói với Washington Post.
Ông Chan cho biết người Mỹ gốc Á ở Georgia gần đây bị ‘những lời quát mắng hay cử chỉ và hành động đe dọa’nhưng ‘không đến mức như những gì chúng ta đang thấy tối nay’.
Ở Atlanta, người gốc Á chiếm khoảng 4% dân số, nhưng cộng đồng gốc Á và gốc đảo quốc Thái Bình Dương đang là cộng đồng phát triển nhanh nhất ở Georgia và đóng một vai trò quan trọng trong việc xoay bang này sang Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vừa qua. Hạt Gwinnett, ngay bên ngoài Atlanta, là nơi sinh sống của cộng đồng người châu Á lớn nhất bang.
Năm ngoái, các nhà hoạt động địa phương đã bắt đầu báo động về một chuỗi các cuộc tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á. Vào tháng 5, có người báo cáo họ nhìn thấy những tấm biển nhỏ màu đồng có ghi dòng chữ ‘Dịch Vũ Hán’ và hình ảnh gấu ‘Winnie the Pooh’ đang cầm đũa ăn thịt dơi.
Cách gọi này lặp lại những nhạo báng của Tổng thống Donald Trump. Lập luận của ông Trump quy trách nhiệm cho Trung Quốc về đại dịch Covid bị cho là ‘làm gia tăng các tội ác về thù hận sắc tộc’.
“Những tấm biển đó không làm gì khác hơn ngoài củng cố những định kiến ghê tởm,” ông Krystle Rodriguez, chủ một nhà hàng ở Atlanta nơi bị dán một tấm biển như vậy, từng nói với tờ Atlanta Journal Constitution. “Tôi có những người bạn gốc Á nói rằng đang là mùa dị ứng mà họ sợ phải hắt hơi nơi công cộng chỉ vì những lời lẽ hận thù như thế.”
Thượng nghị sĩ tiểu bang Michelle Au thuộc Đảng Dân chủ đại diện cho các hạt North Fulton và Gwinnett, nói bà ‘sốc và đau buồn’ khi nghe tin về vụ xả súng đêm 16/3, nhưng bà ‘không ngạc nhiên’.
Bà nói với Washington Post rằng bất kể nhà chức trách xác định động cơ của vụ xả súng là gì, ‘nó diễn ra trong bối cảnh người Mỹ gốc Á đang ngày càng khiếp sợ và lo ngại cho tính mạng và sự an nguy của họ’.
Vào tháng 12, một nhóm sinh viên người Mỹ gốc Á và sinh viên quốc tế tại Đại học Emory nói với đài Georgia Public Broadcasting rằng họ đã bị quấy rối và đe dọa liên tục trong đại dịch.
Cô Molina Zhang, du học sinh 20 tuổi đến từ Trung Quốc, cho biết có lần cô đang đợi lấy đồ ăn mang về tại một nhà hàng, một người đàn ông hỏi cô học ngành gì. Khi cô trả lời ‘Sinh học’ thì người đó nói, “Ồ, tôi mong cô không chế ra bất kỳ con virus nào trong tương lai.”
Tâm lý bài châu Á cũng đã lan đến các vùng ngoại ô Atlanta. Vào tháng 2, một cặp vợ chồng gốc Á đã phát hiện ai đó xịt sơn lên xe của họ bên ngoài một rạp chiếu phim với lời lẽ phân biệt chủng tộc.
‘Không thể sợ hãi’
Từ Atlanta, Long Trần, chủ quán Peach Corner Café, nói với VOA rằng khi nghe tin tức về vụ xả súng, anh ‘đau buồn, tức giận nhưng không ngạc nhiên’.
Anh nhắc lại những vụ việc như thế đã từng xảy ra ở Atlanta, chẳng hạn như hồi mùa hè năm 2020, ‘có một nhóm người mang súng vào khu Phố Tàu ở Atlanta đe dọa các chủ tiệm và khách hàng’.
Sau vụ xả súng, anh Long cho biết anh đã cho phép nhân viên nghỉ làm một ngày nhưng bản thân anh vẫn ‘mở tiệm hoạt động như bình thường’ và ‘không hề đem theo súng đến tiệm để đề phòng’.
“Tôi thật sự tin là mình không nên thể hiện ra nỗi sợ, nhưng tôi chắc chắn sẽ chú ý hơn đến những người bước vào cửa tiệm của tôi,” anh Long nói với VOA bằng tiếng Anh vì anh không nói được nhiều Tiếng Việt.
Theo lời anh giải thích, nếu anh đem theo súng thì vô tình anh ‘đang tỏ ra sợ hãi theo đúng ý mà thủ phạm muốn gây ra cho người khác’. “Đối với tôi, lùi bước trước nỗi sợ là dấu hiệu của sự yếu đuối,” anh nói.
Trong bối cảnh tâm lý bài châu Á gia tăng trong lòng nước Mỹ, anh Long nói ‘nhìn chung ở Atlanta tôi cảm thấy vẫn an toàn, dĩ nhiên, có nguy hiểm hơn một chút, và tôi phải cảnh giác hơn’.
“Những kẻ ra tay đó, những kẻ hèn nhát đó chúng nhắm vào những người mà chúng cho là yếu đuối như phụ nữ và người già,” anh nhận định. “Phụ nữ không nên đi ra ngoài một mình nếu như họ có thể nhờ chồng, bạn trai hay bạn bè đi cùng.”
‘Tâm lý đổ lỗi’
Anh cho biết tại cơ sở làm ăn của anh, anh cảm thấy ‘được sự hỗ trợ của chính quyền, của cảnh sát địa phương và của cộng đồng’.
Tiểu thương này lên án tâm lý ‘tìm người khác đổ lỗi cho thất bại của mình’ của những người kích động bạo lực sắc tộc trong đại dịch Covid-19.
“Họ không muốn lãnh trách nhiệm, họ muốn tìm ai đó để đổ lỗi. Đối với họ sẽ dễ dàng hơn khi nhắm vào một cộng đồng sắc tộc để đổ lên đầu họ những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống,” anh giải thích.
Theo lời anh thì anh từng thấy nhiều nơi ở Atlanta trưng những khẩu hiệu như ‘Covid-19 là của Trung Quốc’, ‘Tẩy chay Trung Quốc’. “Nhưng họ không đặt những khẩu hiệu đó ở những nơi như lãnh sự quán Trung Quốc hay các doanh nghiệp có làm ăn với Trung Quốc mà đặt ở những khu dân cư có đông người sinh sống. Rõ ràng họ muốn làm cho những người gốc Hoa và gốc Á sống ở đó phải khiếp sợ,” anh cho biết.
Anh kêu gọi nhà chức trách đừng xem thường các vụ tấn công vặt vãnh nhắm vào người gốc Á và cơ sở làm ăn của người gốc Á, chẳng hạn như ném đá vào cửa kính hay gọi điện chơi khăm. “Cảnh sát nên được huấn luyện để xem xét nghiêm túc các vụ việc như thế này,” anh Long nói.
Ngoài ra, anh đề xuất chính quyền nên bỏ ngân sách để giải quyết các vấn đề tâm thần và tâm lý cho người dân, cũng như nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng và những đóng góp trên nhiều phương diện của dân nhập cư, trong đó có người gốc Á, đối với nước Mỹ.
“Chúng ta cần phải cảnh giác trước việc bị đối xử như người nước ngoài hay như người Mỹ một cách có điều kiện,” anh kêu gọi cộng đồng gốc Việt ở Mỹ.