Lạm phát đang và sẽ tiếp tục là chủ đề nóng nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Theo công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 đã tăng 3,32% so với tháng 3 – tức là vào khoảng 17,56% so với CPI của tháng 4, 2010. Theo bà Trần Thanh Hằng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thống Kê trong cuộc trao đổi với đọc giả của VnEconomy ngày 6 tháng 5 vừa rồi, CPI của Việt Nam trong tháng 5 sẽ tăng khoảng 2% - 2,5% so với CPI của tháng 5.
Nếu dự đoán của bà Hằng là đúng (trên thực tế là có nhiều khả năng đúng vì GSO là đơn vị tính CPI và Bà Hà là lãnh đạo của GSO), thì CPI trong 5 tháng đầu năm nay sẽ tăng từ 11,88% đến 12,43% so với CPI cuối năm 2010 và tăng tới 19,59% đến 20,17% so với cùng kỳ năm 2010. Mức tăng này sẽ vượt quá chỉ tiêu mới về tăng CPI của năm 2010 mà Chính phủ mới đề ra là 11,75%. (Có một mâu thuẫn nhỏ trong phần trả lời của bà Hằng khi bà khẳng định nếu không có gì thay đổi theo kế hoạch thì chỉ tiêu 11,75% sẽ đạt được trong khi chính con số 2%-2,5% mà bà nêu ra lại nói ngược lại với khẳng định này.)
Phần lớn các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam khi nói về lạm phát của năm nay đều lập luận rằng nguyên nhân căn bản của lạm phát là chính sách tài khóa. Dường như có một sự đồng thuận ngầm về cách tiếp cận vấn đề, và tín hiệu chung của giới chuyên gia này tới chính phủ là không có cách nào khác để giải quyết căn bản bài toán lạm phát là xử lý vấn đề tài khóa, trong đó mấu chốt là cắt giảm và nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
Keynesian và Monetarism
Vậy bản chất của lập luận trên là gì? Lạm phát là một chủ đề rất lớn trong kinh tế học và vì thế tự nhiên là có rất nhiều cách giải thích rất khác nhau. Để hiểu được họ nói gì thì phải hiểu lạm phát là gì, và kinh tế học giải thích lạm phát thế nào?
Khác với cách hiểu của công chúng rằng lạm phát là tăng giá, kinh tế học cho rằng lạm phát là sự tăng giá trong một giai đoạn tương đối dài chứ không phải tăng giá một lần.
Như thế có nghĩa là nếu giá cả của tất cả các loại hàng hóa đồng loạt tăng lên trong một lần (kể cả giá lao động, tức là tiền lương), thí dụ trong tháng 1 của năm, rồi sau đó ổn định thì đó không phải là lạm phát mà kinh tế học quan tâm. Đơn giản là vì như thế nó không ảnh hưởng đến ai: thu nhập danh nghĩa tăng lên 10% chẳng hạn, và giá cả của tất cả các loại hàng hóa khác cũng tăng 10%, do đó về bản chất là không thay đổi gì trừ con số danh nghĩa.
Đo lạm phát như thế nào thì có nhiều cách khác nhau, trong đó phổ biến nhất là con số CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Con số này phổ biến vì lẽ nó đo giá cả của các hàng hóa tiêu dùng chính mà tất cả mọi người quan tâm. Ngoài CPI còn có các chỉ số khác như PPI (chỉ số giá sản xuất) mà các nhà sản xuất quan tâm.
Nghiên cứu về lạm phát có lẽ là chủ đề lớn nhất trong kinh tế vĩ mô. Có nhiều trường phái lập luận khác nhau và họ đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau. Riêng ở Việt Nam thì phổ biến nhất chỉ có hai trường phái tư duy của Keynes (trường phái Keynesian) và của Friedman (trường phái tiền tệ). Điểm khác biệt lớn giữa cách các chuyên gia của Việt Nam và của nước ngoài là chuyên gia Việt Nam không mấy khi, thậm chí không bao giờ, thể hiện công khai mình thuộc trường phái nào. Lập luận của họ đôi khi cũng lẫn lộn giữa hai môn phái này và nói chung chỉ tập trung vào phân tích định tính (điều này cũng có cơ sở của nó khi số liệu ở Việt Nam khá nghèo nàn và không tin cậy được).
Khác biệt cơ bản giữa Keynesian và Monetarism liên quan đến chính sách tài khóa là ở chỗ các monetarists dựa trên giả định rằng thị trường có thể điều chỉnh giá rất nhanh, gần như ngay lập tức. Trong khi đó, ngược với cách lập luận của các monetarists, những tông đồ của trường phái Keynesian lập luận trên cơ sở giả định rằng thị trường điều chỉnh giá không nhanh. Điều này dẫn tới hai kết luận gần như trái ngược nhau về tác động của chính sách tài khóa.
Trước khi nói về sự khác biệt này, cần chỉ rõ một khái niệm mà cả Monetarism và Keynesian đều dùng, đó là “sản lượng ở mức tới hạn khả năng sản xuất”. Đây được hiểu là mức tối đa mà nền kinh tế có thể sản xuất trong điều kiện bình thường dựa trên trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, và các yếu tố “nền” khác như tài nguyên thiên nhiên. Sản lượng này không thay đổi nhiều theo thời gian, trừ khi có những đột phá (các cú shocks bên ngoài) như cách mạng công nghệ. (Còn tiếp)
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.