Lập luận của các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam khi cho rằng lạm phát là kết quả của chính sách tài khóa có lẽ là một hybrid của cả hai trường phái trên. Có vẻ như cách họ lập luận là như thế này:
(1) Nền kinh tế Việt Nam trong một giai đoạn dài luôn ở mức tới hạn khả năng sản xuất;
(2) Trong điều kiện tới hạn khả năng sản xuất, để tăng GDP thì cần tập trung vào các yếu tố nền tảng để tăng năng suất lao động;
(3) Tuy nhiên chính phủ lại tập trung nhiều vào tăng chi tiêu và đầu tư công (bao gồm cả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước để đẩy GDP;
(4) Tăng đầu tư công trong điều kiện tới hạn khả năng sản xuất dẫn tới lạm phát (Keynesian); và
(5) Tăng đầu tư công cũng gây hiệu ứng chèn lấn (crowd out) dẫn tới chỗ đầu tư tư nhân bị ép phải thu hẹp vì thế cũng không tăng GDP được bao nhiêu (cả Keynesian và Monetarism);
(6) Chính phủ tài trợ đầu tư và chi tiêu công bằng cách tăng cung tiền liên tục, tất yếu dẫn tới chỗ lạm phát (Monetarism).
Từ lập luận này, họ tất yếu dẫn tới kết luận:
(1) Phải cắt giảm đầu tư và/hoặc chi tiêu công như là một mũi tên bắn trúng 3 đích:
- Giảm đầu tư công và chi tiêu công để chấm dứt hiệu ứng chèn lấn (crowd out), tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển;
- Giảm đầu tư công bằng cách tăng các tiêu chí về hiệu quả đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư công;
- Giảm đầu tư công cũng dẫn tới việc thu hẹp tài trợ ngân sách bằng cách tăng cung tiền;
(2) Phải tập trung cải cách thể chế kinh tế để tăng năng suất lao động, coi đây là động lực của phát triển lâu dài.
Điểm khác biệt quan trọng, và vì thế có thể dẫn tới đúng hoặc sai về logic, giữa Keynesian và Monetarism là giả định về trạng thái hiện tại của nền kinh tế. Hiện nay kinh tế Việt Nam có nằm ở trạng thái tới hạn khả năng sản xuất hay không? Các tín đồ Keynesian sẽ không thể bảo vệ được lập luận của mình nếu nền kinh tế Việt Nam đang dư thừa khả năng sản xuất, bởi vì trong trường hợp đó thì lý thuyết của họ cho rằng tăng chi tiêu và đầu tư của chính phủ là có ích, dù hiệu ứng crowd-out ít nhiều vẫn xảy ra. May mắn cho họ là thất nghiệp ở Việt Nam (một chỉ số quan trọng bậc nhất để xem nền kinh tế có tới hạn khả năng sản xuất hay không) luôn ở mức rất thấp, chứng tỏ nền kinh tế đang chạy hết (hoặc gần hết) công suất.
Hình 2: Đầu tư theo thành phần kinh tế (tỷ đồng)
Điểm số (6) trong chuỗi lập luận trên (chính phủ tài trợ đầu tư và chi tiêu công bằng cách tăng cung tiền liên tục) còn có một ẩn ý hết sức quan trọng. Đó là sự phụ thuộc của chính sách tiền tệ vào chính sách tài khóa. Một phần rất lớn của tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền trong giai đoạn qua là để tài trợ chi tiêu và đầu tư của chính phủ cùng với đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Vì thế nếu không xử lý được vấn đề tài khóa thì cũng không xử lý được vấn đề tiền tệ. Tiến sĩ Trần Đình Cung của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương hôm 29 tháng 4 vừa qua cũng đã nói về vấn đề này trên Vneconomy.
Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thắt chặt cả tín dụng và tài khóa trong năm nay. Các động thái thắt chặt tiền tệ của Chính phủ rất rõ ràng, tuy tác dụng tới nay lên lạm phát vẫn chưa có (trên thực tế có độ trễ nhất định giữa thắt chặt tiền tệ và tăng trưởng CPI). Tuy nhiên việc vẫn chưa giải quyết được bài toán thắt chặt tài khóa khiến phần lớn các chuyên gia lo ngại rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay có nguy cơ vỡ trận.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.