Đường dẫn truy cập

Về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam


Về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam
Về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam

Báo cáo của Advancia – Negocia xuất bản cuối năm 2010 nhan đề “Vietnam Country Risk Analysis” đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức “high” (cao). Advancia – Negocia cho rằng việc cho vay ồ ạt sẽ đẩy tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam lên rất cao. Báo cáo này cũng nhận định hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang gánh chịu tình trạng lòng tin của công chúng thấp, sự yếu kém về quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, không đáp ứng được các tiêu chuẩn Base Capital, và không có kiểm toán quốc tế. Riêng về tình trạng nợ xấu, Advancia – Negocia trích dẫn nguồn của Fitch Ratings cho rằng tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2008 của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới 13%.

Cũng cần nói thêm là theo các báo cáo chính thức từ phía các ngân hàng thương mại Việt Nam thì các khoản nợ xấu này rất thấp. Theo thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết hồi cuối năm 2010 thì tỷ lệ nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng VN chỉ khoảng 2.5% (tính cả nợ Vinashin).

Tại sao lại có sự khác biệt ghê gớm này? Lý do là nợ xấu (non-performing loans, hay NPL) theo cách tính của quốc tế là các khoản nợ không có khả năng trả hoặc gần như không có khả năng trả. Trong khi đó, cách của Việt Nam chỉ tính khoản nợ đến hạn. Lấy một thí dụ đơn giản: khách hàng A vay ngân hàng B một khoản vay là $100 trong thời hạn 1 năm, lãi suất 25%, thời hạn vay là 1 năm, trả làm 4 lần, mỗi lần $20 gốc và $5 lãi. Vào cuối quý đầu tiên, khách hàng A bắt đầu phải trả một phần của khoản nợ này, cả gốc và lãi là $25. Trong trường hợp khách hàng này không trả được khoản nợ đến hạn $25 thì theo tiêu chuẩn tính NPL của nhiều nước, toàn bộ số nợ cộng lãi vay là $125 là nợ xấu. Tuy nhiên theo chuẩn Việt Nam thì chỉ có $25 đến hạn được coi là nợ xấu.

Chính vì lý do đó mà có sự khác biệt rất lớn giữa con số của Việt Nam đưa ra và con số của Fitch Ratings ước tính.

Báo cáo Tháng Ba, 2011 của Country Risk Service của Economic Intelligence Unit (EIU) về Việt Nam xếp rủi ro của hệ thống ngân hàng VN hạng CCC và đánh giá hệ thống này là “ổn định”. Mặc dù vậy, điểm số rủi ro đang có khuynh hướng tăng dần, từ 66 điểm hồi tháng 9 (2010) lên 67 vào tháng 10 và 11 (2010), 68 vào tháng 12 (2010) và tháng 1 (2011), và 69 vào tháng 2 và tháng 3 (2011), tức là ngang bằng mức hồi đầu năm 2009.

Với việc các khoản vay thương mại ở Việt Nam chủ yếu được thế chấp bằng bất động sản (BĐS) và thị trường BĐS hiện đang có nhiều dấu hiệu đi xuống, kèm theo đó là tình trạng khó khăn trong kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp tư nhân làm cho nguy cơ về nợ khó đòi có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới. Tình trạng thiếu minh bạch trong báo cáo về NPL, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh khiến cho vấn đề này càng trở nên khó lường.
(Nguồn:
Advancia – Negocia)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG