Đường dẫn truy cập

Cảnh sát biển Việt Nam, Philippines sẵn sàng diễn tập chung lần đầu tiên vào đầu tháng 8


Cảnh sát Biển Việt Nam và tàu Ấn Độ Samudra Paheredar tổ chức huấn luyện chung ở Tp.HCM, 3/4/2024.
Cảnh sát Biển Việt Nam và tàu Ấn Độ Samudra Paheredar tổ chức huấn luyện chung ở Tp.HCM, 3/4/2024.

Hai lực lượng tuần duyên Philippines và cảnh sát biển Việt Nam đàm phán với nhau về việc tổ chức cuộc diễn tập chung đầu tiên vào tháng 8, cùng lúc hai nước tìm cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn và cũng phải đối phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Inquirer và The Star.

Hai trang tin Inquirer và The Star ở Philippines đưa tin hôm 22/7 rằng một tàu 2.400 tấn của Cảnh sát biển Việt Nam sẽ thăm thiện chí Manila từ ngày 5-9/8 cùng lúc có một loạt những sự tương tác giữa hai nước đối tác, một nguồn tin ngoại giao nói với Inquirer, người này đề nghị không nêu tên vì không có thẩm quyền phát biểu với báo chí.

Nguồn tin cho biết thêm rằng trong khuôn khổ chuyến thăm của cảnh sát biển Việt Nam, có một kế hoạch được đề xuất, theo đó một cuộc diễn tập chung về tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ sẽ được tiến hành, Inquirer và The Star tường thuật.

Cuộc diễn tập được lên kế hoạch là bước đi tiếp nối vào hai bản ghi nhớ về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác hàng hải giữa hai lực lượng cảnh sát biển” được ký trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Việt Nam hồi tháng 1.

Inquirer và The Star đưa tin rằng các quan chức quốc phòng của Philippines và Việt Nam có lịch tổ chức cuộc gặp thường kỳ tại Manila trong tuần từ 22-26/7 để thảo luận về “hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn”.

Cả Philippines lẫn Việt Nam đều nằm trong số các bên tranh chấp ở Biển Đông, cùng với Brunei, Malaysia và Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược. Cả Manila và Hà Nội đều từng phải đương đầu với Bắc Kinh về những sự cố ở Biển Đông.

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết năm 2016 bác bỏ các yêu sách trên diện rộng của Trung Quốc đối với Biển Đông, nhưng Bắc Kinh không chịu công nhận phán quyết đó.

Trong nhiều năm qua, Philippines và Việt Nam đã và đang hợp tác trên biển, các bản tin của Inquirer và The Star viết.

Hôm 10/7, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đón tiếp Hải quân Philippines tại Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, hay còn được phía Philippines gọi là Pugad) và có một loạt hoạt động giao lưu trong khuôn khổ chương trình trao đổi hữu nghị thường xuyên.

Hải quân Philippines nói trong bản tin của Inquirer: “Việc hai bên thường xuyên thực hiện các hoạt động tương tác giữa các quân nhân tạo cơ hội tăng cường và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hải quân hai nước, xây dựng tình hữu nghị lâu dài và nỗ lực hợp tác trong việc giải quyết các mối quan ngại chung về hàng hải”.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay hôm 18/7 rằng họ cũng sẵn sàng đàm phán với Việt Nam để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn sau khi Hà Nội đệ trình hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 17/7.

“Chúng tôi công nhận quyền của Việt Nam - với tư cách là một nước ven biển giống như Philippines - được nộp thông tin để xác lập giới hạn ngoài cùng của thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở hợp pháp và phù hợp dùng để tính lãnh hải của mình, theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)”, Bộ Ngoại giao Philippines nói, theo trích dẫn trên Inquirer và The Star.

Vẫn bộ này nói rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam theo những cách khả thi giúp đạt được giải pháp cùng có lợi cho các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”.

Manila đã có động thái tương tự một tháng trước đó, khi họ nộp hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ở khu vực Tây Palawan trên Biển Đông, có thể chồng lấn lên các tuyên bố về thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.

Vào ngày 18/6, một ngày sau khi Philippines nộp hồ sơ, Bắc Kinh đã đệ trình bản phản đối hồ sơ của Philippines trước Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG