Ngũ giác đài vừa trình phác thảo kế hoạch đập tan Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria cho Tòa Bạch Ốc, khoảng 30 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu Bộ Quốc Phòng đề ra chiến lược mới. Chi tiết của phúc trình được bảo mật, nhưng một số giới chức Ngũ giác đài cho biết kế hoạch mới có nhiều khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nhiều hơn ở Syria và tiếp tục chiến lược đang tiến hành ở Iraq. Chiến dịch không kích theo trông đợi vẫn giữ vai trò then chốt trong chiến lược mới chống Nhà nước Hồi giáo. Thông tín viên Ngũ giác đài Carla Babb của đài VOA trong phóng sự thực hiện trên một hàng không mẫu hạm của Mỹ vừa quay trở lại Ðịa trung hải tường trình:
Chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay USS George H. W. Bush thực hiện các cuộc không kích đầu tiên trong chiến dịch của Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo năm 2014. Chiến dịch đã kéo dài hai năm qua với hàng ngàn phi vụ oanh kích đã được thực hiện kể từ đó, và hàng không mẫu hạm này lại tiếp tục làm điểm tập kết của chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo của Mỹ.
Các sĩ quan Hải quân trên tàu cho biết họ thực hiện khoảng 16 phi vụ oanh kích mỗi ngày kể từ khi hàng không mẫu hạm của họ đến đây tham gia chiến dịch. Chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay này là loại F-18.
Với các phi công trên tàu, thời gian không bay chiến đấu cơ đối với họ dường như trôi qua quá chậm.
Phi công Hải quân Scott Welles cho biết:
"Tôi nhớ đã 12 ngày trôi qua, đó dường như là thời gian dài nhất chúng tôi trải qua mà không bay chiến đấu cơ."
Nhưng nhiệm vụ tác chiến vẫn đang chờ phía trước.
Phi công Hải quân Zach Huff nói:
"Chúng tôi rất tự hào và vinh dự được phái đến đây để chiến đấu chống các phần tử cực đoan đó."
Các thủy thủ làm việc ngày đêm trong chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Hạm trưởng của USS George H.W. Bush nói với đài VOA rằng hàng không mẫu hạm của ông đang vận hành hoàn hảo, và có thể đảm nhận thêm nhiệm vụ nữa, nếu cần.
Hạm trưởng Will Pennington:
"Nói về số lần chiến đấu cơ xuất kích mà chúng tôi có thể thực hiện được mỗi ngày và số bom đạn mà mỗi máy bay mang theo, thì hoạt động hiện nay chưa lên đến công suất cao nhất của hàng không mẫu hạm này."
Một trong những ưu điểm của hàng không mẫu hạm có mặt tại Ðịa trung hải là khoảng cách các chiến đấu cơ bay từ đó đến các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ngắn hơn khoảng cách chiến đấu cơ xuất phát từ các căn cứ quân sự trên đất liền có máy bay quân sự của Mỹ. Hàng không mẫu hạm cũng giúp tải bớt khối lượng công việc của các đơn vị quân đội khác.
Nhưng cho dù các cuộc không kích có thể xuất phát từ hàng không mẫu hạm, các đồng minh trong cuộc chiến vẫn giữ một vai trò trọng yếu.
Đề đốc Kenneth Whitesell, tư lệnh tác chiến của hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush, cho biết:
"Chúng tôi bay theo những tuyến băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến oanh kích ở miền bắc Syria và miền bắc Iraq rồi quay lại qua Thổ Nhĩ Kỳ, do đó chúng tôi cần có không phận được bảo đảm để thực hiện các phi vụ đó."
Các thủy thủ có một thời gian giải lao ngắn khi hàng không mẫu hạm của họ ghé vào cảng ở Hy Lạp, rồi sau đó họ quay trở lại sẵn sàng với các cuộc không kích mới xuất phát từ Ðịa trung hải.