Số lượng 200.000 liều vaccine Sinopharm ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất được Campuchia trao tặng đã về đến Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài hôm 29/10, Fresh News, trang tin thân Chính phủ Campuchia loan tin.
Trước đó, hôm 26/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen loan báo nước ông sẽ tài trợ Việt Nam 200.000 liều vaccine để giúp nước láng giềng chống dịch, theo tờ Phnom Penh Post.
‘Dư thừa vaccine’
Bà Or Vandine, phát ngôn nhân Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Tiêm ngừa Covid-19 của Campuchia, đã thay mặt ông Hun Sen trao số vaccine này tại lễ bàn giao tại cửa khẩu Mộc Bài-Bavet.
Đây không phải là lần đầu tiên Campuchia tặng vaccine cho nước khác. Hồi tháng 9, nước này cũng đã tặng 200.000 liều vaccine cho Lào.
“Đất nước chúng tôi có khả năng mua vaccine cũng như đã được viện trợ một lượng đáng kể vaccine – vốn cho phép chúng tôi chia sẻ với các nước khác đang gặp nạn. Nó cho thấy tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn,” ông Kin Phea, giám đốc Học viện Hoàng gia về Quan hệ Quốc tế Campuchia được tờ Phnom Penh Post dẫn lời nói.
Bên cạnh vaccine, Chính phủ Campuchia cũng đã hỗ trợ tiền bạc và thiết bị y tế cho các nước láng giềng chống dịch như Myanmar, Lào, Đông Timor và Nepal.
“Mặt khác, chúng ta có thể nói rằng đây là nỗ lực của Chính phủ để quảng bá uy tín của Campuchia thông qua các hoạt động nhân đạo,” ông Kin Phea được dẫn lời nói thêm.
Campuchia đã từng hỗ trợ Việt Nam trong lúc Việt Nam đang trong đỉnh điểm của làn sóng dịch thứ 4, như hôm 19/7, đại diện Chính phủ Campuchia đã đến Việt Nam trao tặng 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 200.000 đô la Mỹ, theo thông tin ghi nhận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phần mình, Việt Nam cũng đã viện trợ cho Campuchia chống dịch khi nước bạn bị dịch hoành hành, chẳng hạn như hồi tháng 5 Việt Nam đã tặng cho Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế và 300.000 khẩu trang N95, theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, trong hai lần vào tháng 4/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam viện trợ Campuchia số hàng trang thiết bị y tế và tiền bạc tổng cộng là 500.000 đô la, cũng theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam tụt sau Campuchia
Việt Nam đang thua xa Campuchia trong tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Trang theo dõi về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước đông nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, tính đến ngày 29/10, Campuchia đã chích ngừa đầy đủ được cho 81,3% dân số, so với 23,3% của Việt Nam.
Tính trên bình diện đông nam Á thì Cambodia thuộc nhóm có tỷ lệ chích ngừa Covid cao nhất, chỉ đứng sau nhưng đứng rất sát Singapore (83,8%), trong khi Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực. Với tỷ lệ 25%, Đông Timor đứng ngay trên Việt Nam.
Với lợi thế là có nguồn viện trợ vaccine dồi dào từ Trung Quốc, Campuchia được cho là đã đạt được miễn dịch cộng đồng trong khi Việt Nam đang phải vật lộn với ‘ngoại giao vaccine’ để tranh thủ nguồn hiến tặng, tài trợ hay nhượng lại vaccine từ các nước. Mặc dù Việt Nam cũng được Trung Quốc viện trợ hàng triệu liều vaccine, nhưng người dân trong nước có thái độ không mặn mà với vaccine Sinopharm hay Sinovac.
Campuchia cũng đã có bước đi thần tốc trong việc tiêm chủng cho trẻ em. Hiện họ đã tiêm mũi 1 cho 1,78 triệu và mũi 2 cho 1,7 triệu trong tổng số gần 2 triệu trẻ em từ 18 xuống đến 12 tuổi, theo Khmer Times. Trong khi đó, Việt Nam phải đến tháng sau mới triển khai tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc.
Hiện giờ số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày ở Campuchia dao động quanh mức 100, trong khi trong ngày 29/10, Việt Nam báo cáo gần 5.000 ca mắc mới. Con số mắc thấp này cho phép Campuchia mở cửa lại kinh tế và du lịch sau nhiều tháng phong tỏa. Nước này đã cho phép mở lại rạp chiếu phim, bảo tàng, sân khấu, trường học, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh.