Đường dẫn truy cập

Phụ huynh Việt Nam ‘ai cũng mong con được chích ngừa COVID’


Chích ngừa cho trẻ là cần phải làm vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các bậc cha mẹ ở Việt Nam ai cũng mong mỏi cho con mình được chích, một vị bác sỹ nhi từ trong nước nói với VOA và khuyến cáo trẻ em cần được theo dõi sát sao sau khi chích ngừa.

Việt Nam sẽ triển khai chích ngừa Covid-19 cho trẻ em trên toàn quốc kể từ tháng sau với vaccine Pfizer, bắt đầu với trẻ 16-17 tuổi sau đó mở rộng xuống độ tuổi 12. Việc chích ngừa này cần được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của các em.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ chích ngừa Covid-19 cho toàn bộ trẻ em đến độ tuổi thấp nhất là 5 tuổi, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Trong lúc này, thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước, đã chích ngừa được cho cho gần 40.000 em trong độ tuổi 16-17 trong hai ngày 26 và 27/10, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết.

Vị quan chức này nói thêm rằng chỉ có 1 em chống chỉ định tiêm, 44 em được chuyển lên bệnh viện để chích thay vì được chích ở trường học và 167 em bị hoãn tiêm. Cho đến giờ, thành phố ‘chưa ghi nhận biến chứng nặng sau khi chích’, cũng theo lời bà Mai.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chích xong cho độ tuổi 12-17 trong vòng từ 5 đến 7 ngày với tổng số được tiêm là 780.000 em.

‘Có thể là đối tượng rủi ro’

Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên vì không có thẩm quyền phát ngôn, bác sỹ T. thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện chuyên khoa Nhi lớn nhất thành phố, nói khác với nhiều nước, phụ huynh ở Việt Nam ‘ai cũng muốn chích ngừa cho con em họ vì Covid đã ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của nhiều gia đình’.

“Câu hỏi lớn nhất người ta thắc mắc là vaccine có an toàn cho con của người ta không, vaccine này chích vào có tác dụng phụ hay không?” bác sỹ T. nói.

Vị bác sỹ này nói thêm rằng vaccine ‘hiện giờ là phương thuốc tốt nhất đối với nhiều gia đình’ ở Việt Nam vì rõ ràng ‘chỉ áp 5K thì dịch bệnh vẫn cứ diễn tiến không ngừng’. 5K là phương châm chống dịch ở Việt Nam, bao gồm Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng vaccine ngừa Covid của Pfizer ‘không an toàn tuyệt đối’ vì ‘nó vẫn đang thử nghiệm và đã có những báo cáo về tác dụng phụ, trong đó có viêm cơ tiêm’.

“Nhưng nguy cơ và lợi ích của vaccine phải được đặt lên bàn cân để xem cái nào lợi hơn,” ông giải thích. “Không vì tỷ lệ rất nhỏ tác dụng phụ mà đạp đổ hoàn toàn công dụng của vaccine,” ông nói và chỉ ra ngay cả các vaccine hiện dùng cho trẻ ở Việt Nam hiện nay như ‘vaccine ‘6 trong 1’ cũng có tai biến’.

Trước ý kiến cho rằng trẻ em không là đối tượng rủi ro cao trước virus corona nên không cần chích, bác sỹ T. phản bác: “Nên nhớ là con virus corona thay đổi cấu trúc liên tục, liên tục có biến chủng.”

“Liệu những biến thể mới nữa có tấn công vào nhóm trẻ em không, có làm cho nhóm trẻ em bị nặng hay không?” ông nói.

Ngoài ra, nếu chỉ người lớn được chích ngừa thì có nguy cơ họ nhiễm bệnh không triệu chứng và lây cho trẻ em, cũng theo phân tích của vị bác sỹ này. “Cho nên chỉ có chích ngừa thì trẻ em mới có thể đi học và tiếp xúc cộng đồng được,” ông nói và chỉ ra trường hợp ở Mỹ sau khi chích cho người lớn thì tỷ lệ trẻ em nhiễm và mắc bệnh nặng tăng cao.

‘Trẻ con không nói’

Bác sỹ T. cũng lưu ý là trẻ em được chích ngừa cần được theo dõi kỹ lưỡng hơn người lớn.

“Trẻ em không biết nói [về phản ứng phụ] đâu nên nếu không để ý để phát hiện sớm thì sẽ dẫn đến những triệu chứng nguy hiểm sau đó,” ông giải thích. “Ví dụ có trẻ bị sốc phản vệ sẽ khóc dữ dội nhưng người lớn có thể nghĩ là do chích ngừa đau quá nên khóc.”

“Hoặc có những rối loạn như nhịp tim nhanh lên, da bắt đầu bong tái nhưng nếu phụ huynh không biết, không được hướng dẫn thì sẽ bỏ sót,” ông nói thêm.

Do đó, ông cho rằng khác với người lớn có thể được chích ở cộng đồng, trẻ em phải được chích ở các cơ sở y tế và các trường học có đầy đủ nhân viên y tế và đội ngũ này ‘cần phải được huấn luyện kỹ càng’.

Theo lời ông thì ‘chích xong vẫn hoàn toàn có thể nhiễm bệnh, hơn nữa miễn dịch từ chủng ngừa suy giảm theo thời gian’ nên vẫn phải tuân thủ 5K.

“Mình biết rằng Covid lây qua giọt bắn và tốc độ lây lan rất nhanh nên quan trọng là phải kết hợp 5K đi cùng nữa,” ông nói.

“Mặc khác, virus thay đổi liên tục, các em chích theo chủng cũ thì nếu chủng mới xuất hiện thì liệu các em có được bảo vệ hiệu quả hay không,” ông lập luận.

Khi trường học mở cửa trở lại cần phải ‘có sự thay đổi về tổ chức, phòng học phải thông thoáng khí, phải đảm bảo mật độ vừa phải chứ không được ngồi quá sát’, ông khuyến cáo và đề nghị trẻ em khi đi học dù đã được chích vẫn phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa virus lây lan qua giọt bắn.

Ngoài ra, việc vệ sinh trường học ‘phải được đảm bảo tối đa trong mùa dịch’ vì virus tồn tại trong không khí và trên các bề mặt.

‘Chuẩn bị tốt’

Ông nói với VOA rằng giới chức y tế thành phố lớn nhất nước ‘đã có sự chuẩn bị tốt khi triển khai chích ngừa cho trẻ em’.

Ông cho biết tất cả các nhân viên y tế đều ‘đã được đào tạo rất kỹ về chủng ngừa Covid-19 từ 6 tháng trước’. Riêng ở các bệnh viện nhi đồng, các bác sỹ đều có chuyên môn về chích ngừa cho trẻ em, chỉ cần được tập huấn thêm về liều lượng, cách bảo quản vaccine.

Ngoài ra, Sở Y tế thành phố, theo lời ông, ‘đã làm rất tốt trong việc sàng lọc các nhóm trẻ để quyết định hình thức chích ngừa phù hợp nhất’.

“Đây là vaccine mới trẻ em chưa từng được chích, cho nên đối với những em nào có tiền sử phản ứng với bất kỳ vaccine nào trước đây thì cần phải cẩn thận,” ông lưu ý. “Thứ hai là nhóm trẻ có những bệnh nền như bệnh tim bẩm sinh, thận mãn tính, phổi mãn tính, đái tháo đường… thì đặc biệt cần theo dõi sát.”

Ông cho rằng với việc sàng lọc và chiến lược chích ngừa theo từng giai đoạn, từng độ tuổi thì giới chức y tế ‘có thể theo dõi tốt hơn’.

‘Sẵn sàng cho con chích’

Bà Hà Trúc Huyền, một phụ huynh có con nhỏ 8 tuổi ở quận Phú Nhuận, nói với VOA rằng một khi Nhà nước mở rộng độ tuổi chích đến 8 tuổi thì bà ‘sẵn sàng đưa con đi chích’.

“Vaccine nào cũng có xác suất có biến chứng, nhưng xác suất đó là rất nhỏ,” bà giải thích về lý do bà không e dè về chích ngừa cho con nhỏ. “Các bác sỹ đã nghiên cứu về vaccine để đưa ra cho toàn thế giới, cũng đã thử nghiệm rồi thì mình nên tin.”

Bà cho biết là anh trai bà có người con đến tuổi được chích ‘đã đi đăng ký chích sớm lắm’.

Với việc con bà sắp sửa trở lại trường vào tuần sau mà vẫn chưa được chích, bà Huyền nói bà ‘cũng thấy lo’.

“Hòa nhập xã hội thì không may bị mắc Covid là điều không thể tránh khỏi nhưng tôi tin con nít sẽ mau khỏi bệnh,” bà nói. “Mình phải chấp nhận nó như một bệnh thông thường thì mới hòa nhập xã hội được chứ cứ núp trong nhà hoài cũng không phải là cách hay.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG