Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Ông Thân văn Lĩnh ở Đồng Nai có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Bịnh dây thần kinh hông (sciatica)
Ông đau lưng 5-6 năm nay, lan toả ra đến gót chân, uống thuốc chừng mười ngày thì khỏi, nhưng cứ hay tái lại. Bác sĩ không cho ông biết là bịnh gì, thuốc tên gì; có lúc ông được chích trực tiếp vào đầu gối.
Một trong những nguyên nhân thường gặp có thể giải thích triệu chứng của ông là bịnh đau dây thần kinh hông lớn (sciatica). Để cho dễ hiểu và dễ nhớ, cái tên la tinh sciatica này chỉ có nghĩa là đau do dây thần kinh hông [sciatic nerve] bị chèn ép, tổn thương làm cho ta có cảm giác đau trên lộ trình của nó, dọc theo phía sau đùi và cẳng chân.
Bây giờ chúng ta vào chi tiết hơn:
Sở dĩ chúng ta điều khiển được một số cơ, chúng ta có được những cảm giác ở đùi, cẳng, chân là do có những sợi dây thần kinh
1) Đi từ ngoài (ví dụ xa nhất là đầu ngón chân, rồi đến cẳng, đùi) đem những tín hiệu vào tuỷ xương sống (spinal chord) rồi đi ngược lên bộ óc chúng ta , báo chúng ta biết: ví dụ chân đạp gai (đau), chân chạm ống khói xe Honda (nóng, phỏng), hay cho ta biết có gì đè lên bàn chân.
2) Đồng thời óc gởi ra những tín hiệu đến các bắp cơ để thi hành những mệnh lệnh như nhón gót (dorsiflexion, L4), nhất bờ ngoài bàn chân (foot eversion, L5), duỗi ngón cái (S1). Những sợi thần kinh này được tập hợp thành một dây thần kinh lớn tên là thần kinh hông lớn (sciatic nerve). Dây thần kinh này đi từ xương sống lưng đoạn ngang thắt lưng (lumbar, L4,5, S1), qua những lỗ nằm giữa các đốt xương sống thắt lưng. Nếu bây giờ, những đốt xương sống đó bị bịnh, như bị trẹo xương sống, hoặc đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, lồi ra (herniation of an inter-vertebral disc, slipped disc), và như vậy dây thần kinh sciatica bị đè lên trên lộ trình (đường đi) của nó, thì dây thần kinh này sẽ
1) phát ra những tín hiệu báo cáo sai cho não bộ là có cái gì làm cho vùng phụ trách của nó (đùi, cẳng hoặc bàn chân) bị đau, bị tê, hoặc bị nóng buốt. Cho nên người bịnh sẽ "thấy"/có cảm giác mình đau ở chân, cẳng hay đùi trong lúc mà, trên thực tế nguyên nhân nằm tận vùng xương sống lưng hoặc trong vùng xương chậu (ví dụ đau xương sống lưng, bướu trong vùng xương chậu)
2) các bắp cơ liên hệ tới dây thần kinh này sẽ ít nhiều bị yếu đi.
Người bịnh có thể đau nhiều hơn:
- lúc ban đêm
- lúc đi nhiều, ngồi nhiều
- cúi xuống quá nhiều,bật người ra phía sau (bending backward)
- ho, nhảy mũi mạnh, rặn nhiều lúc đi cầu
Định bịnh:
Bác sĩ sẽ tìm những triệu chứng cho biết dây thần kinh sciatic bị chèn ép.
Chẩn đoán hình ảnh.
Trong số ít trường hợp, bs có thể cần chụp quang tuyến, CT scan, hoặc MRI (cọng hưởng từ trường). Nói chung trừ những trường hợp phức tạp, bs không cần đến chẩn đoán hình ảnh đắt tiền. Nếu bs của bạn thấy không cần CT, MRI, không nên "ép" bs các thử nghiệm này.
Chụp X quang lưng làm người bịnh bị phóng xạ nhiều 20 lần chụp hình phổi thường.
Những trường hợp sau có thể cần chụp hình lưng nếu đau lưng:
Khả năng gảy xương:
● Chấn thương nặng
● Chấn thương nhẹ, bn trên 50 tuổi
● Bn dùng corticoid dài hạn
● Bịnh xốp xương (osteoporosis)
● Bn trên 70 tuổi
Khả năng nhiễm trùng:
● trên 50t
● dưới 20t
● trước đây bị ung thư
● có triệu chứng toàn thân (constitutional symptoms)
● mới bị bịnh hiễm trùng
● dùng thuốc chích (xì ke matúy)
● hệ miễn nhiễm bị ức chế (immunosuppression)
● đau lúc nằm ngữa
● ban đêm đau (nocturnal pain)
(Theo agency for Health Care Research and Quality/AHRQ)
Chữa trị:
Biện pháp bảo thủ cho các trường hợp đơn giản:
1. đắp nước đá 2-3 ngày lên những vùng đau (lạnh làm giảm sưng/viêm)
2. nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"), giảm viêm nhóm NSAID như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve); coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn, những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử nên tránh loại ANSAID này.
3. không nên nằm một chỗ (bedrest is not recommended)
4. thể dục để làm bắp cơ lưng và bụng mạnh thêm trước đây dùng nhiều, nay được kết luận là không có lợi
5. Để tránh tái phát, rất quan trọng:
● Tránh khiêng, nâng, vật nặng, xoay qua lại (twisting) cột xương sống, ít lắm là trong 6 tuần đầu.
● Không bao giờ khom lưng xuống mà nâng một vật nặng lên, nghĩa là không dùng lưng để nâng đồ vật lên. Nếu thật cần, chỉ nên ngồi chồm hổm, và đưa tay ra, đứng lên, nghĩa là dùng hai chân để nâng đồ vật lên.
● Sáng sớm thức dậy, đừng nhảy ra khỏi giường, từ từ đưa chân xuống, chống hai tay và đứng dậy.
Nếu càng ngày càng đau thêm, hoặc nếu trường hợp phức tạp như chấn thương mạnh, đau kéo dài vài tuần, triệu chứng đường tiểu (tiểu ra máu, són tiểu), đau lúc nằm xuống... cần liên lạc với bs để chữa trị.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.