Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Cô Trần thị Dung ở Daklak có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Trả lời cô Trần thị Dung ở Đắc lắc: Chứng viêm xoang sàng (ethmoid sinusitis)
Xương sàng (ethmoid bone, theo nghĩa “sàng lọc”, nhìn dưới lên trên, xương ethmoid hình giống cái sàng (sieve) có nhiều lổ để lọc cặn bả trong nước) nằm ngay giữa mặt, giữa hai mắt, dưới phần trán của não bộ, trên hốc mũi. Trong xương sàng có 4 hang rỗng thông với nhau là các xoang sàng. Nếu các xoang này bị nhiễm trùng chúng ta có chứng viêm xoang sàng (ethmoid sinusitis). Do vị trí của xoang, viêm xoang sàng có thể gây ra các triệu chứng sau:
• đau đầu hai bên thái dương
• đau hai bên khóe mắt (phía mũi)
• nhức đầu, phía dưới trán
• đàm chảy trong họng, phía sau, làm ho
• nóng sốt
Nguyên do: nhiễm trùng, dị ứng, u bướu, polyp làm sưng niêm mạc, nghẽn cửa sổ thông hơi của các xoang, đàm nhớt ứ đọng lại, làm vi trùng sinh sản thêm, gây viêm sàng (ethmoiditis).
Nếu chữa thuốc không khỏi, có thể nghĩ đến những khả năng sau:
• định bịnh không đúng. Lắm khi bịnh nhân đau đầu do nguyên nhân khác, ví dụ đau đầu migraine, do u bướu trong đầu, do bịnh mắt (vd glaucoma, cườm nước).
• thuốc giả, uống không đúng liều, không đủ lâu, vi trùng đề kháng thuốc.
Phẫu thuật:
1. Nếu đúng bịnh và chữa đúng cách bằng thuốc không khỏi;
2. Nếu bịnh càng ngày càng nặng,
3. Nếu có biến chứng lan qua mắt, óc
4. Nếu đe dọa đến tính mạng bịnh nhân,
thì có thể cần đến phẩu thuật để cắt bỏ xương này đi (ethmoidectomy).
Trước khi mổ bs thường làm CT scan để xem xét bịnh tình. Phẩu thuật có thể có biến chứng trên mắt và não bộ vì 2 bộ phận này nằm kế cận. Cho nên cần đến trung tâm y khoa lớn và bác sĩ có đầy đủ kinh nghiệm trong lãnh vực phẫu thuật này của ngành tai mũi họng.
Tóm lại, đề nghị thính giả đến bác sĩ gia đình đem theo các chẩn đoán hình ảnh đã có, các toa thuốc đã dùng, nhờ xem xét lại toàn bộ tình hình bịnh của mình. Nếu nghi là bịnh migraine, nên đi tư vấn bs thần kinh (neurologist). Nếu xác nhận đúng là viêm xoang sàng, nên tìm đến bs tai mũi họng có đủ khả năng định bịnh và chọn kháng sinh thích hợp, và nếu cần có thể giải quyết bằng phẫu thuật cho mình.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Chúng tôi cũng nhận được email của một thính giả ký tên là Yến Anh, nội dung đại khái như sau:
Tôi bị mờ mắt đã được hơn 4 năm rồi, do bị con ong va đập vào mắt trên đường đi làm về. Tôi có đến bệnh viện khám thì lần đầu tiên bác sĩ chẩn đoán là tôi bị viêm thị thần kinh hậu cầu. Lần thứ hai tôi đi khám ở một bệnh viện khác thì bác sĩ chẩn đoán là tôi bị thiếu máu mắt và teo dây thần kinh thị giác. Tôi muốn hỏi bác sĩ là bệnh thiếu máu mắt và bệnh viêm thị thần kinh hậu cầu có giống nhau không? Và liệu mắt tôi có thể chữa khỏi được không?
Chúng tôi đã chuyển thư cho bác sĩ Hồ văn Hiền và sau đây là phần giải thích của bác sĩ:
Những giải thích sau đây chỉ có tính cách thông tin. Chúng ta cần giải thích một số căn bản về giải phẩu (cơ thể học). Mỗi con mắt chúng ta là một cái phòng tối, như cái phòng tối của máy chụp hình. Ánh sáng từ thế giới bên ngoài vào, đi xuyên qua giác mạc (cornea) và thủy tinh thể (lens), rồi chiếu hình đảo ngược lên trên một cái màng hình, gọi là võng mạc (retina), vai trò giống như phim chụp ảnh trong máy chụp hình. Trong võng mạc có những tế bào đặc biệt biến tín hiệu ánh sáng thành những tín hiệu thần kinh, các tín hiệu này được dẫn truyền qua một dây thần kinh gọi là dây thần kinh thị giác (thị thần kinh, optic nerve, gồm chừng 1,2 triệu sợi thần kinh) đi đến phía sau của bộ óc (visual cortex), là nơi tiếp nhận các tín hiệu này và tạo nên cảm giác "thấy" của chúng ta. Trong trường hợp “viêm thị thần kinh hậu cầu”, thần kinh thị giác bị viêm, và cái phần bị hư hại nằm phía sau nhãn cầu, chứ không phải là phần sát với nhãn cầu. Lần đầu tiên đi khám sau khi bị mờ mắt, có thể bác sĩ mắt ghi nhận việc ông mất thị giác bên mắt đó nhưng lúc khám phía trong nhãn cầu, có lẽ do không thấy gì bất bình thường trong đáy mắt và đầu thần kinh thị giác (no abnormalities in the fundus and optic disc), bác sĩ mắt kết luận là thương tích không nằm phiá trước mà nằm sau nhãn cầu, ở đoạn sau của sợi thần kinh thị giác (retrobulbar optic neuritis, nay được gọi là posterior optic neuritis). Lần thứ nhì ông đi khám thì bác sĩ khác thấy ông teo dây thần kinh thị giác (optic nerve atrophy), vì thường thì chừng 6-8 tuần sau khi tai biến xảy ra, các dấu hiệu hư hại của dây thần kinh mới xuất hiện trên đáy mắt lúc bác sĩ mắt thứ hai nhìn vào.
Tuy cùng một căn bịnh hai bs nhìn vào mắt ông ở giai đoạn khác nhau, và diễn biến có thể dựng lại như sau:
(1) Do một cơ chế không rõ, mạch máu nuôi phần sau của dây thần kinh mắt của ông bị tắt nghẽn.
Chứng này có thể xảy ra:
1. Sau một vụ giải phẩu kéo dài, cọng thêm bịnh nhân thiếu máu (anemia) đáng kể, bịnh nhân khá lớn tuổi (60-70)
2. Bịnh nhân bị viêm động mạch tế bào không lồ [giant cell arteritis] (GCA) làm mạch máu tắt nghẽn
3. Không thuộc hai thành phần trên, lý do khác
(2) Lúc mới bịnh, khám đáy mắt bình thường, vì dây thần kinh hư hại ở đoạn phía sau nhãn cầu.
(3) 6-8 tuần sau, do không đủ máu nuôi dưỡng (ischemia), các tế bào chết, thần kinh thị giác teo lại (atrophy), và bác sĩ thấy đầu thần kinh thị giác (optic disk) bị nhạt màu (disc pallor), định bịnh teo do thiếu máu (ischemic optic nerve atrophy).
Tóm lại, theo mô tả của ông, có thể bịnh của ông là “Posterior Ischemic Optic Neuropathy”, viết tắc là PION. (Re: Eye (2004) 18, 1188–1206. doi:10.1038/sj.eye.6701562. Posterior ischaemic optic neuropathy: clinical features, pathogenesis, and management.S S Hayreh, Department of Ophthalmology and Visual Sciences, College of Medicine, University of Iowa, Iowa City, IA, USA)
Đề nghị với ông đến bs gia đình khám tổng quát, để xem ông/bà có bịnh gì khác hay không nhất là loại bỏ trường hợp bịnh giant cell arteritis (GCA) (bịnh này có thể gây những triệu chứng như mệt mõi, sụt cân đau đầu, đau cỗ, động mạch thái dương sờ đau, thử máu thấy sedimentation rate tăng cao). Mục đích là cần chữa những bịnh liên hệ (tiểu đường, cai hút thuốc lá) nếu có, nhất là bịnh GCA có thể làm hư đến mắt bên kia, cần phải chữa gấp bằng corticoid.
Ngoài ra, cần được bs mắt theo dõi định kỳ, và cần khám bs chuyên khoa mắt chữa trị gấp nếu triệu chứng mờ mắt, chớp sang đột ngột xảy ra trên con mắt còn lại. Trong một số trường hợp, bs có thể cho uống corticoid trường kỳ (vài tháng, hoặc cả năm) để cứu vản khả năng thấy của con mắt còn lại.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.