Đường dẫn truy cập

Bệnh nhân Covid thoát chết: ‘Đau khủng khiếp, sức khỏe yếu nhiều’ 


Các bác sỹ ở Bệnh viện Providence Mission ở Mission Viejo, bang California đang đặt ống thở cho bệnh nhân Covid
Các bác sỹ ở Bệnh viện Providence Mission ở Mission Viejo, bang California đang đặt ống thở cho bệnh nhân Covid

Một bệnh nhân gốc Việt bị Covid-19 ở Seattle tỉnh dậy sau bốn tuần mê man trong phòng hồi sức kể với VOA về ‘cơn đau khủng khiếp’, nỗi vất vả khi tập đi đứng trở lại và những hậu quả lâu dài của bệnh như mất trí nhớ và sức khoẻ yếu đi nhiều.

Cô Lương Thị Phương Mai (Maika Luong) nhập viện vì Covid từ cuối tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng 1 năm nay. Hiện nay cô đã về nhà tĩnh dưỡng được 2 tuần. Cả gia đình 5 người của cô, gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ, đều bị Covid nhưng chỉ mình cô bị nặng phải lên máy thở.

‘Cảm giác tuyệt vọng’

Trao đổi với VOA từ nhà nơi đang tĩnh dưỡng, cô Mai nói: “Tôi không hề biết mình đã ngủ lâu như vậy (suốt 4 tuần).”

Cô cho biết lúc vừa tỉnh dậy trong phòng hồi sức, cô vẫn ‘còn đau dữ lắm’, ‘không nói được’ và ‘bị mất trí nhớ nên không nhận ra chồng con’.

“Chỉ biết khi tỉnh dậy là người mình rất là yếu. Đắp mền cũng không nhấc lên nổi. Tay chân không còn cử động, không còn sức nữa,” cô Mai, vốn từng làm nail nhưng đã nghỉ cách để ở nhà giữ ba con, nói.

“Lúc đó tôi không còn nhớ gì hết, không biết mình ở đâu, tại sao ở trong chỗ này,” cô nói thêm. “Cảm giác buồn và tủi thân gì đâu, mà gọi là tuyệt vọng cũng đúng.”

Cô cho biết lúc đó cô ra dấu với y tá cho ‘mượn cái tay để mình nắm, mình ôm lấy mình khóc’. “Các y tá rất tốt, họ hiểu tâm lý mình, họ an ủi, mát xa cho mình thư giãn để mình đi ngủ,” cô kể.

Khi được y tá gọi về nhà để nói chuyện với chồng con, cô Mai nói: “Tôi nhìn ảnh qua màn hình tự nhiên tôi khóc nhưng không nhớ đó là ông xã của mình. Con bé lớn nó thấy mẹ không nhận ra nó nên nó khóc quá trời.”

“Nó động viên tôi nhiều lắm. Nó nói mẹ phải cố lên, phải chiến đấu vì con, vì ba và vì mấy em.”

Cô Mai kể chuyện với VOA với trí nhớ còn lõm bõm vì ‘trí nhớ đã suy giảm nhiều sau khi bị bệnh’. Cô cho biết ngay cả ‘mật khẩu điện thoại tôi cũng quên, dùng facebook như thế nào tôi cũng không biết phải nhờ y tá chỉ’ và nhiều chuyện cô phải nhờ chồng kể lại cô mới nhớ.

‘Chỉ mong về nhà’

Sau khi tỉnh lại một thời gian thì cô Mai được đưa đến phòng vật lý trị liệu để tập ngồi dậy, đi đứng trở lại và tự đi vệ sinh trở lại.

Theo lời cô thì sau năm tuần được điều trị thì ‘cô bị giảm 11 kg, các cơ teo hết chỉ nên cử động lại rất đau’.

“Lúc đầu tôi đau khủng khiếp. Tôi dùng loại thuốc giảm đau mạnh nhất vốn chỉ dùng cho người bị đụng xe, uống một lần cả hai viên mà cũng không có tác dụng,” cô cho biết.

Theo lời cô lúc đó cô ‘cảm thấy không còn một chút sức lực, tay cầm chiếc điện thoại mà còn rớt lên rớt xuống và mỗi bước đi đều đau đớn vô cùng’.

Cô nói niềm mong mỏi được về nhà sum họp với chồng con là động lực để cô chịu đau mà tập luyện để về nhà.

“Tôi ráng tập để đi lại, vì tôi còn trẻ không muốn nằm liệt giường. Ba của tôi bị tai biến mạch máu não đã 16 năm nay rồi, vì vậy tôi rất sợ mình phải nằm một chỗ,” cô nói và cho biết cô có động lực rất mạnh là ‘phải khỏe lại để lo cho mấy đứa con’.

Phổi của cô đến giờ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. “Lúc nào tôi cũng kè kè máy oxygen bên người, đi lại một chút là không thở được và vẫn chưa có cảm giác muốn ăn uống,” cô Mai nói và cho biết so với trước khi bị Covid, sức khỏe cô bây giờ ‘suy giảm 50%’.

‘Lạnh từ trong xương’

Theo lời cô thì ngay từ đầu cô không biết mình bị Covid mà chỉ nghĩ là ‘cảm cúm thông thường’ vì ‘năm nào tôi cũng bị cúm rất nặng’. Cô nằm nhà một tuần mới nhập viện.

“Tôi đi bác sỹ gia đình thì bác sỹ nói triệu chứng là của Covid. Họ làm xét nghiệm nhưng phải mấy ngày sau mới có kết quả. Khi chưa có kết quả là tôi đã nhập viện rồi,” cô nói.

Đêm mà cô trở nặng, cô gọi vào nhà thương nhưng ‘họ không còn xe cứu thương và nói mình tự đi vô’. “Sáng hôm sau tôi nói với chồng là tôi không thở được nữa, anh chở em đi bệnh viện liền đi,” cô kể.

Khi vô tới nhà thương thì ‘mức oxygen đã rớt rất nhiều’. Khi được chụp phổi thì phổi của cô ‘đã trắng gần hết’, cũng theo lời của người mẹ ba con này.

“Lúc đó tôi phải nằm úp bụng xuống thì oxygen mới lên được. Mà nằm hoài thì nó đau cái cổ. Tôi không biết làm sao mà nó đau dữ dội như vậy,” cô nói và cho biết cô đã xin bác sỹ chích morphine giảm đau và ‘chích đến nỗi huyết áp giảm xuống không chích được nữa mà vẫn còn đau’.

Cô cũng mô tả cảm giác ‘lạnh từ trong xương ra’ mà cô ôm túi nóng và bật máy sưởi đến 80 độ F mà cũng không ăn thua.

Trước khi được đặt máy thở, cô nói cô dặn dò chồng con đều đi thử Covid vì cô ‘chắc rằng chồng con đều bị lây’. “Lúc tôi dưỡng bệnh ở nhà dù cách ly nhưng chồng phải lo ăn uống, chăm sóc nên ra vô này nọ, còn thằng nhỏ nó cứ theo mẹ,” cô giải thích.

Khi vào phòng hồi sức, cô Mai nói cô ‘chỉ biết cầu nguyện Phật Trời cho mình và gia đình qua khỏi’. Chừng đến khi tỉnh dậy, cô mới biết cả chồng và ba đứa con cô đều bị nhiễm nhưng đã bình phục.

‘Muốn buông xuôi’

Anh Đinh Phúc, chồng cô Mai, kể với VOA rằng trong một tháng hôn mê, có 4 lần vợ anh tưởng chừng như ‘bước qua cửa tử’ mà lần nặng nhất là lần cuối cùng vào cuối tháng 12 trước khi cô tỉnh lại.

“Lúc đó tôi gọi điện thoại cho ba mẹ nói là tôi nghĩ Maika (tên thân mật của cô Mai) sẽ không qua khỏi. Tôi cũng gọi điện cho nhà quàn để chuẩn bị,” anh Phúc nói. Tuy nhiên, anh giấu các con và ‘tụi nó còn quá nhỏ’.

Cảm giác của anh lúc đó là ‘rất căng thẳng, rối bời’, anh cho biết. “Nghĩ đến hoàn cảnh mình sẽ làm cha đơn thân với ba đứa con mình nghĩ mình sẽ không thể vượt qua,” anh giãi bày.

Anh‘đã tuyệt vọng’ đến mức ‘mất hết kiểm soát và muốn buông xuôi’, cũng theo lời anh, nhưng khi ‘nghĩ đến mấy đứa con, mình ra đi thì không ai nuôi con cả’ nên anh lấy lại nghị lực.

Trong hai tháng khi vợ nằm viện, một mình anh vừa bị cách ly vừa phải chăm sóc cho ba con nhỏ, anh Phúc nói ‘hết sức vất vả’. “Mười mấy ngày đầu tôi không ngủ được nhiều, phải lo cho tụi nhỏ ăn uống, đo nhiệt độ…,” anh nói.

“Hồi xưa tôi thấy cuộc sống an bình lắm. Nhưng sau những gì xảy ra, con người tôi thay đổi 180 độ. Tôi không sống vì mình nữa,” anh nói.

Giờ đây anh ‘khuyên anh em, bạn bè biết quý trọng gia đình và những người xung quanh’. Ngoài ra, anh cũng tích cực giúp đỡ những người Covid như một cách tri ân ‘những người đã giúp đem những món quà cho con mình khi mình bị cách ly, những người bạn đem cho mình đồ ăn thức uống’.

‘Chắc chắn là do đi chợ’

Khi được hỏi là bị lây bệnh từ đâu, cô Mai trả lời dứt khoát là ‘do đi chợ’. Cô cho biết cô ‘tin vào Covid’ và ngay từ đầu đã rất cẩn thận, tránh đám đông, không tiếp xúc hay tiệc tùng với bạn, chỉ ở nhà lo cho con và đi đâu cũng đeo khẩu trang và rửa tay đầy đủ.

“Tôi chợ 2-3 lần một tuần để mua đồ ăn, đi cả chợ Việt Nam và chợ Mỹ,” cô nói. “Chợ nào cũng đông hết.”

Theo lời cô thì những người cô gặp sau cùng trước khi cô phát bệnh đều đã đi xét nghiệm thì ‘không có ai nhiễm hết’. Cho nên cho cho rằng có thể là virus đâu đó đã ‘dây vào quần áo tôi khi tôi đi chợ’.

Khi chồng cô đưa câu chuyện gia đình cô lên mạng xã hội, cô đã nhận được rất nhiều lời quan tâm và cầu nguyện của người Việt khắp nơi trên thế giới.

“Có nhiều người không quen biết ở Việt Nam họ đọc báo biết bệnh tình của tôi, họ cầu nguyện và khi biết tôi hết bệnh, họ vui lắm,” cô nói. “Có bạn bè của tôi còn mua đồ đến tặng cho các y tá.”

“Gia đình tôi rất cảm ơn mọi người,” cô nói và khuyên mọi người nên tin vào Covid.

Theo lời cô thì hiện tại một người bạn thân của chồng cô vốn không tin vào Covid ‘cả nhà đều đã mắc’. “Bạn bè tôi nhiều người đã bị Covid rồi. Có người đến cắt cỏ nhà tôi mới nghe anh ấy đã chết vì Covid,” cô nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG