Lãnh tụ Liên minh Dân chủ Toàn quốc của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay đã đón tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại tư gia của bà ở Rangoon trong một dịp mà bà gọi là một thời điểm lịch sử cho cả Miến Điện lẫn Hoa Kỳ.
Sau cuộc gặp gỡ tại căn nhà ven hồ, nhà tranh đấu dân chủ kỳ cựu này nói với báo chí rằng bà hy vọng chuyến đi Miến Điện đầu tiên của một vị ngoại trưởng Mỹ trong hơn nửa thế kỷ sẽ nối lại các mối quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.
Bà Suu Kyi nói rằng những hoạt động ngoại giao của Mỹ đang góp phần thúc đẩy cho dân chủ ở Miến Điện:
"Dựa vào sự giao tiếp chủ động mà chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy cho tiến trình dân chủ hóa. Vì sự giao tiếp này, tôi nghĩ rằng con đường trước mặt chúng tôi sẽ được rõ ràng hơn và chúng tôi sẽ có thể tin tưởng là tiến trình dân chủ hóa sẽ tiến tới."
Washington đã giảm cấp quan hệ với Miến Điện từ khi nước này xảy ra cuộc đảo chánh của quân đội năm 1962 và đã áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế để đáp lại những vụ vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu áp dụng một chính sách ngoại giao song hành, theo đó các biện pháp chế tài vẫn tiếp tục được áp dụng trong lúc Washington chủ động giao tiếp với Miến Điện.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng một trong các mục tiêu của chính sách này là chống lại sự quan hệ gần gũi giữa chính phủ Miến Điện với Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Liên minh Dân chủ Toàn quốc nói rằng Miến Điện chẳng những cần tới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ mà còn cần có sự hỗ trợ của các thành viên khác của cộng đồng quốc tế.
Bà Suu Kyi cho biết bà vui mừng khi thấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một thông cáo bày tỏ sự hoan nghênh trước việc Hoa Kỳ và Miến Điện xích lại gần nhau hơn. Bà nói:
"Điều này chứng tỏ là chúng tôi có sự ủng hộ của toàn thể thế giới. Tôi đặc biệt vui mừng vì chúng tôi hy vọng duy trì những mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc, nước láng giềng rất gần gũi của chúng tôi."
Cuộc họp với ngoại trưởng Clinton diễn ra tại ngôi biệt thự cũ kỹ của bà Suu Kyi, nơi bà bị nhà chức trách giam lỏng trong 15 năm.
Bà được thả cách nay một năm, chỉ vài ngày sau khi cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm đưa đảng do quân đội hậu thuẫn lên nắm quyền.
Tuy xuất thân từ quân đội, Tổng thống Thein Sein đã gây ngạc nhiên cho giới chỉ trích qua việc để cho dân chúng được tự do hơn, thảo luận trực tiếp với bà Suu Kyi và trả tự do cho hơn 200 tù nhân chính trị.
Ngoại trưởng Clinton nói rằng sự cởi mở hồi gần đây của giới hữu trách Miến Điện đã tạo cơ sở cho hy vọng và chuyến đi của bà có mục đích tìm kiếm con đường để tiến tới, với dân chủ là mục tiêu.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Hoa Kỳ muốn là một đối tác của Miến Điện. Chúng tôi muốn làm việc chung với quí vị trong lúc các quí vị dân chủ hóa thêm nữa, trong lúc quí vị trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong lúc quí vị bắt đầu tiến trình khó khăn những cần thiết để chấm dứt những vụ xung đột sắc tộc đã diễn ra quá lâu, trong lúc quí vị tổ chức những cuộc bầu cử tự do, công bằng và khả tín."
Bà Suu Kyi cũng nhấn mạnh là cần có thêm nhiều nỗ lực để chấm dứt giao tranh ở các khu vực của người thiểu số và xây dựng thể chế pháp trị.
Bà nói: "Trước tiên, chúng tôi yêu cầu phóng thích tất cả những người còn bị cầm tù và chúng tôi muốn bảo đảm là trong tương lai không ai còn bị bắt bớ chỉ vì niềm tin của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rất nhiều về pháp trị. Và tôi tin rằng Hoa Kỳ và các nước bạn khác sẽ giúp chúng tôi xây dựng thể chế pháp trị ở đất nước này."
Bà Clinton cho biết còn nhiều việc cần phải làm để Miến Điện phát triển và Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp. Bà cũng lên tiếng ca ngợi cá nhân bà Suu Kyi:
"Bà là một niềm hứng khởi cho nhiều người. Nhưng tôi biết rằng bà cảm thấy bà đứng lên tranh đấu cho mọi người của đất nước bà, những người xứng đáng được có các quyền hạn và các quyền tự do như những người ở khắp mọi nơi. Người dân nước này đã can đảm và mạnh mẽ trong lúc đối mặt với những khó khăn vô cùng to lớn trong một thời gian quá lâu. Chúng tôi muốn thấy đất nước này có một chỗ đứng xứng đáng trên thế giới."
Trong chuyến công du hai ngày này bà Clinton cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ Miến Điện, trong đó có Tổng thống Thein Sein, và hối thúc họ thực hiện thêm các biện pháp cải cách.
Bà Suu Kyi: Sự giao tiếp của Mỹ hỗ trợ cho việc dân chủ hóa Miến Ðiện
Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng chính sách chủ động giao tiếp của Hoa Kỳ với Miến Điện đang thúc đẩy cho sự thay đổi dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này. Người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình đã cho biết như thế sau cuộc họp với ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong ngày cuối của chuyến công du lịch sử của bà Clinton tới Miến Điện.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1