Đường dẫn truy cập

45 năm nhìn lại: Hiệp định Paris có giúp Mỹ ‘rút lui trong danh dự’?


Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, trái, và ông Lê Đức Thọ, phải, Cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu miền Bắc tại Hội nghị Paris, tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris, ngày 23/11/1972, ngay trước các cuộc điều đình bí mật.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, trái, và ông Lê Đức Thọ, phải, Cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu miền Bắc tại Hội nghị Paris, tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris, ngày 23/11/1972, ngay trước các cuộc điều đình bí mật.

Được ký kết ngày 27/1/1973 giữa 4 bên: Hoa Kỳ, hai miền Nam và Bắc Việt Nam, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam, trên thực tế đã ‘không chấm dứt chiến tranh mà cũng chẳng mang lại hòa bình’, theo nhận định của sử gia Larry Berman, tác giả của quyển “No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and the Betrayal in Vietnam” – “Không Hòa bình, Không Danh dự: Nixon, Kissinger và sự Phản bội tại Việt Nam”.

Ngày 30/4/1975, khi máy bay trực thăng Mỹ đưa những binh sĩ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn, câu hỏi được đặt ra là: Chẳng lẽ hàng chục ngàn người Mỹ và hàng triệu người Việt Nam ở cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến, đều chết một cách vô nghĩa?

Giáo sư Larry Berman nói sau khi Sài Gòn sụp đổ, câu trả lời đã rõ. Ông nói ngay cả ông Kissinger cũng biết rằng cái gọi là hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam mà ông ấy đã ký và ca ngợi là mang lại “hòa bình trong danh dự” chỉ mang lại một thứ “hòa bình giả tạo- sham peace” được dựng nên nhằm đánh lạc hướng dư luận Mỹ với những lời hoa mỹ về ‘danh dự của Mỹ’ (trang 261).

Giáo sư Berman đặt tên thỏa thuận lập lại hòa bình ở VN là “Jabberwocky Agreement”, vì tính cách phi lý của nó, vì thỏa thuận này không phải là một thỏa thuận hòa bình, mà chỉ là một cách để Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam mà không phải thừa nhận đã thất bại.

Trung tâm Washington của Đại học California cho rằng trong quyển “No Peace, No Honor”, Giáo sư Larry Berman tiết lộ những sự thật chôn kín trong các tài liệu mật về các cuộc thương thuyết kín dựa trên những tài liệu của Mỹ được giải mật đối chiếu với các tài liệu của miền Bắc, ghi chép đầy đủ các cuộc đàm phán bí mật với ông Kissinger.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, GS Berman nói oái ăm thay, các cuộc đàm phán bí mật đưa đến thỏa thuận phi lý đó đã dẫn tới quyết định của Hội đồng Nobel chọn trao Giải Nobel Hòa Bình cho ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ.

Giáo sư Berman kết luận rằng chỉ có một từ duy nhất để miêu tả những hành động của Tổng Thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger đối với đồng minh Việt Nam Cộng Hoà và hàng chục ngàn binh sĩ đã chiến đấu và nằm xuống trên chiến trường Việt Nam: đó là “phản bội”.

Ông Berman nói hành động phản bội khởi sự ngay từ khi ông Kissinger chỉ điều đình riêng với ông Lê Đức Thọ và hoàn toàn gạt ông Thiệu sang một bên.

Giáo sư Berman nói với VOA:

“Giải pháp ông ta bí mật điều đình mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Nam Việt Nam, về cơ bản, là một ‘thỏa thuận tự sát’ đối với đất nước từng được gọi là Nam Việt Nam.”

Sau cùng, ông Kissinger nhượng bộ hầu hết mọi đòi hỏi của miền Bắc, đơn phương triệt thoái lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng đồng ý để miền Bắc duy trì ước lượng 160 ngàn quân ở miền Nam. Theo Giáo sư Berman, khi phát hiện ra những nhượng bộ của ông Kissinger với miền Bắc, Tổng thống Thiệu đã hết sức giận dữ, ông Nixon rốt cuộc phải viết thư mật, bảo đảm Mỹ sẽ lập tức điều máy bay ném bom B52 ngay khi Hiệp định Paris bị vi phạm.

Ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ, cho VOA biết thêm chi tiết:

“Người Mỹ hứa hẹn với miền Nam Việt Nam sẽ phản ứng một cách hết sức mạnh mẽ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Ba-Lê, đồng thời sẽ giúp Việt Nam chống đỡ trước các cuộc tấn công của miền Bắc, thì Hoa Kỳ đã không giữ và vì vậy cho nên miền Nam mới bị đặt vào trường hợp năm 1975: thiếu súng đạn, thiếu tất cả mọi thứ, trong khi người miền Bắc được tiếp tế bởi Liên Xô và Trung Cộng, thành thử về phương diện quân sự nó rõ ràng bị chênh lệch, thì tình trạng của Hiệp định Paris đưa đến tình trạng năm 1975, thì nó rõ ràng là như vậy.”

Giáo sư Larry Berman nói ông không tin là Tổng Thống Nixon có ý định nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu:

“Không có cách chi Tổng Thống Nixon chấp nhận để cho lịch sử viết rằng miền Nam Việt Nam đã sụp đổ trong khi ông đang nắm quyền ở Washington. Theo tôi, ông Nixon đã thực hiện lời hứa nếu không xảy ra vụ Watergate. Nhưng ông Kissinger thì khác, ông cố vấn ông Nixon rằng người Mỹ đã làm đủ rồi. Như tôi đã viết trong cuốn ‘No Peace, No Honor,’ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà chúng ta để cho một đồng minh rơi vào tình trạng thiếu đạn dược, giữa lúc đồng minh đang chiến đấu để bảo vệ đất nước họ.”

Tiến sĩ Berman nói việc ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ, hai nhà ngoại giao đã ‘đi đêm’ với nhau để đạt thỏa thuận dẫn tới Hiệp định Paris, được trao giải Nobel Hòa Bình là một điều khôi hài.

“Đáng chú ý là Henry Kissinger nhận Giải Nobel Hòa Binh, trong khi đối tác của ông trong các cuộc thương lượng, Lê Đức Thọ, từ chối, không nhận Giải. Bởi vì không có một giây phút hòa bình nào đã đến với Việt Nam.”

Quả vậy, trước khi chữ ký trên văn kiện lịch sử này ráo mực, Hiệp định Paris đã bị vi phạm bởi cả hai bên trong cuộc chiến, với những vụ lấn đất giành dân, và chiến tranh lại tiếp diễn ngày càng dữ dội, để rốt cuộc dẫn tới biến cố 30/4/1975, khi miền Bắc xua quân thôn tính miền Nam trong hành động “vi phạm trắng trợn cuối cùng”, theo sử gia Berman.

VOA Express

XS
SM
MD
LG