Đường dẫn truy cập

Bloomberg: Israel Aerospace tính lập liên doanh, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam


Hệ thống tên lửa phòng không S-125-2TM tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 ở Hà Nội, 19/12/2024 (Photo: Giang HUY / AFP).
Hệ thống tên lửa phòng không S-125-2TM tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 ở Hà Nội, 19/12/2024 (Photo: Giang HUY / AFP).

Hãng Israel Aerospace Industries Ltd. (IAI) đang nhắm đến việc thành lập liên doanh với một công ty Việt Nam vào năm 2025 và hoạt động của họ sẽ bao gồm cả chuyển giao công nghệ để phát triển thiết bị quân sự, hãng tin kinh tế, tài chính Bloomberg cho biết hôm 20/12.

Ông Maxim Zemer, phó chủ tịch cấp cao của IAI chuyên trách tiếp thị khu vực châu Á và châu Phi, nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề một cuộc triển lãm quốc phòng ở Hà Nội hôm 19/12 rằng hãng của ông có thể thành lập thêm các liên doanh tại quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 5 năm tới, theo bản tin của Bloomberg. IAI là nhà phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow với cùng với hãng Boeing của Mỹ.

Việc thành lập các liên doanh sẽ phù hợp với nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng trong nước. Phát biểu tại triển lãm quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy "hợp tác và phát triển" trong quan hệ đối ngoại và quốc phòng, Bloomberg tường thuật.

Như VOA đã đưa tin, Việt Nam tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế kéo dài từ ngày 19-22/12 tại sân bay Gia Lâm ở Hà Nội, quy tụ hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, bao gồm cả những nước đang là các đối thủ địa chính trị của nhau như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ukraine, Israel và Iran.

Ông Amir Eshel, phó chủ tịch IAI phụ trách tiếp thị khu vực Đông Á, nói trong cùng một cuộc phỏng vấn được Bloomberg trích dẫn rằng IAI đang đàm phán với 5 công ty Việt Nam và đặt mục tiêu thành lập một liên doanh tại quốc gia này vào năm tới. Ông nói thêm rằng hãng có "sự hợp tác rất chặt chẽ" với lực lượng không quân và hải quân Việt Nam, nhưng không đi vào chi tiết.

Bloomberg dẫn lại lời ông Eshel nói rằng "Việt Nam sẽ trở thành thị trường quan trọng của IAI trong tương lai".

Năm ngoái, Việt Nam và Israel đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do xóa bỏ thuế đối với ít nhất 86% sản phẩm của Việt Nam.

Trong tuần này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói bên lề cuộc triển lãm quốc phòng rằng các công ty quốc phòng Mỹ có khả năng sản xuất chung và chuyển giao công nghệ với Việt Nam.

"Chúng tôi muốn các công ty quốc phòng lớn của mình hoạt động ở đây, hợp tác với Việt Nam, với các đối tác Việt Nam về những lĩnh vực có tiềm năng, chẳng hạn như sản xuất chung và chuyển giao công nghệ”, ông Knapper nói, theo các bản tin của Reuters, Bloomberg…

Mỹ mang đến cuộc triển lãm 1 máy bay vận tải quân sự C-130 của hãng Lockheed Martin. Ngoài ra, còn có các nhà sản xuất lớn khác là Boeing và Textron Aviation Defense trong số 14 doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc trưng bày các vũ khí, khí tài quốc tế ở Hà Nội.

Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều vũ khí, đặc biệt là từ Nga, đồng thời cũng đã đầu tư trong nhiều năm vào năng lực quốc phòng tại một khu vực bất ổn, nơi Việt Nam có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về nhiều vùng trên Biển Đông.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được nêu trong một bản tin của AFP, Nga chiếm hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2023. Tuy nhiên, lượng vũ khí nhập từ Nga đã giảm trong những năm gần đây trong bối cảnh Nga phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì đã xâm lược Ukraine.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu khi phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí của Nga”, AFP dẫn lời nhận định của ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore.

“Việc đa dạng hóa không chỉ là một nhu cầu thiết yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cấp lên các hệ thống tiên tiến hơn trong khi giảm lệ thuộc vào riêng một đối tác”, ông Giang nói thêm.

Nhà nghiên cứu này cho rằng cuộc triển lãm chính là cách Việt Nam báo hiệu rằng họ “sẵn sàng cho những hợp tác mới”.

Israel Aerospace tính lập liên doanh, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:34 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG