Đường dẫn truy cập

Biển Đông phủ bóng lên bầu cử Philippines


Thượng nghị sỹ Grace Poe hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều vào quân đội Philippines.
Thượng nghị sỹ Grace Poe hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều vào quân đội Philippines.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang đặt các ứng viên tổng thống Philippines vào một tình trạng hóc búa, khi họ vật lộn với việc phải cân bằng những lời lẽ cứng rắn về chủ quyền quốc gia với mong muốn cải thiện quan hệ và đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc, nước láng giềng hùng mạnh.

Nữ Thượng nghị sỹ Grace Poe nói với tờ Wall Street Journal sự hung hăng và ưu thế quân sự vượt trội của Trung Quốc “không được phép làm chúng tôi phải đầu hàng”. Bà hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều vào quân đội Philippines.

Các cuộc thăm dò cho thấy bà và 3 đối thủ chính khác đang bám sát nhau trong cuộc đua đến chức tổng thống.

Tất cả các ứng viên đang vận động cho cuộc bầu cử 9/5 đều muốn tăng thương mại với Trung Quốc cũng như muốn nước này giúp cải thiện hạ tầng cơ sở xuống cấp của Philippines. Nhưng họ không muốn tỏ ra yếu ớt về vấn đề Biển Đông.

Song theo chuyên gia an ninh Richard Javad Heydarian tại trường ĐHTH De La Salle ở Manila, “sự tăng vọt cảm xúc chống Trung Quốc” của người Philippines làm cho các ứng viên khó xoay sở.

Quan hệ Phi-Trung đã đi xuống rất thấp trong thời Tổng thống Benigno Aquino đệ tam, người sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 6. Ông Aquino đã phát triển quân đội Philippines, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với Mỹ và các đồng minh khu vực như Việt Nam và Nhật Bản.

Tổng thống Aquino nhiều lần so sánh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với Đức Quốc Xã.
Tổng thống Aquino nhiều lần so sánh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với Đức Quốc Xã.

Ông Aquino cũng đưa khiếu nại của Philippines về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ra tòa trọng tài LHQ ở La Haye năm 2013 và nhiều lần so sánh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với Đức Quốc Xã.

Bắc Kinh trên thực tế đã ngừng đối thoại với ông Aquino vì động thái pháp lý của ông, và họ đẩy mạnh xây dựng một chuỗi các căn cứ trên đảo nhân tạo ở các vùng có tranh chấp với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.

Khi Philippines có tổng thống mới, đó có thể là cơ hội để Manila và Bắc Kinh hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ.

Trong số các ứng viên tổng thống hàng đầu, Phó Tổng thống Jejomar Binay dường như là người mềm dẻo nhất với việc xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc. Năm ngoái ông đã nói về việc khởi động một "liên doanh" mới với Trung Quốc thông qua đối thoại song phương. "Trung Quốc có tiền, và chúng ta cần vốn", ông Binay nói với một đài phát thanh địa phương năm ngoái.

Các ứng cử khác có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte trách Mỹ, một đồng minh lâu đời của Philippines, vì đã để cho Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Philippines. Ông đặt ra câu hỏi: "Tại sao họ không ngăn chặn việc đó?"

Ông Duterte cho rằng có thể đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng trước hết Bắc Kinh phải ngừng quấy rối ngư dân Philippines, và phải chấp nhận rằng lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines "là tài sản của chúng tôi", ông nói. Đồng thời, ông cam kết thành lập một hạm đội mới gồm 40 pháo hạm để tuần tra vùng biển Philippines.

Sinh viên Philippines và Việt Nam cùng biểu tình chống Trung Quốc tại Manila, ngày 25/2/2016.
Sinh viên Philippines và Việt Nam cùng biểu tình chống Trung Quốc tại Manila, ngày 25/2/2016.

Dù vậy, ông Duterte cho hay trọng tâm quân sự của ông chủ yếu sẽ là đối nội. Ông tuyên bố sẽ quét sạch các nhóm cực đoan ở miền Nam Philippines như Abu Sayyaf.

Ông Manuel Roxas, ứng viên được tổng thống Aquino ủng hộ đồng thời là quan chức lâu năm trong chính quyền của ông, cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực của Philippines nhằm giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua các biện pháp pháp lý. Ông Roxas cũng nhấn mạnh rằng chính phủ của ông Aquino đã có một số lần thành công trong việc tương tác với Trung Quốc, cho dù có những căng thẳng gần đây, ông nêu ra ví dụ là quyết định mới đây của Philippines tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á do Bắc Kinh đứng sau.

Ông Roxas nói nếu làm tổng thống, ông sẽ theo đuổi "những cơ hội phát triển và kinh tế" tương tự như thế với Trung Quốc.

Bà Poe cũng lên tiếng ủng hộ các chính sách của chính phủ hiện tại về Trung Quốc. "Với tình hình như vậy, chính quyền của ông Aquino đang làm tốt nhất có thể được", bà Poe nói. Bà nói thêm rằng bà sẽ tìm mọi cách tương tác với Trung Quốc về văn hóa và kinh tế, đồng thời không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền.

Theo Wall Street Journal, Manila Bulletin

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG