Đường dẫn truy cập

Joe Biden sẽ làm gì sau $1,900 tỷ?


Ông Joe Biden không nêu ra một chủ thuyết nào, như ông Reagan. Nhưng chính phủ của ông sẽ lợi dụng cơn gió đổi chiều này để thúc đẩy các chương trình chi tiêu mới.
Ông Joe Biden không nêu ra một chủ thuyết nào, như ông Reagan. Nhưng chính phủ của ông sẽ lợi dụng cơn gió đổi chiều này để thúc đẩy các chương trình chi tiêu mới.

Các trận bệnh dịch lớn, cũng như các cuộc đại chiến, đều thay đổi cả xã hội loài người. Covid-19 đang thay đổi chính trị nước Mỹ.

Khi Đại Chiến Thứ Hai chấm dứt năm 1945, ngân sách nước Mỹ đã chi $4.8 ngàn tỷ đô la chiến phí, tính theo giá trị đồng tiền bây giờ. Trong một năm qua, chính phủ Mỹ đã chi ra $5.5 ngàn tỷ để chống bệnh dịch. Số người chết vì Virus Corona lên tới 550,000 người, Chiến tranh Thứ Hai chỉ mất hơn 405,000.

Một dấu hiệu của nước Mỹ thay đổi là đạo luật $1,900 tỷ đô la Tổng thống Joe Biden mới ký, gọi là để “Cứu Nguy Bệnh Dịch.” Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích rằng số tiền đó lớn quá, không cần thiết đến như vậy, Covid-19 sắp đi rồi. Tại sao cần đến $1.9 ngàn tỷ? Vì, theo nhật báo Wall Street Journal, chính phủ Biden nhân cơ hội Covid, đã kèm vào nhiều chương trình xã hội mà đảng Dân chủ vẫn chủ trương từ lâu mà chưa làm được. Nhưng trong dân chúng Mỹ, đa số ba phần tư ủng hộ đạo luật mới, kể cả 60% những người vẫn bầu cho đảng Cộng Hòa.

Ông Biden biết dư luận thuận lợi nên mượn gió bẻ măng, mở rộng “mạng lưới xã hội” theo chủ trương xưa nay của đảng Dân chủ. Ngày nay, mọi công dân Mỹ đều thấy những chương trình xã hội hầu hết đều được hưởng, như hưu bổng bảo hiểm thất nghiệp, và bảo hiểm y tế lúc về già hoặc khi lợi tức thấp quá. Hai vị tổng thống Dân chủ đã ban hành các đạo luật đó, cách nhau 30 năm.

Thời 1930, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã nhân cuộc khủng hoảng kinh tế đưa ra chương trình "New Deal" (Thỏa Thuận Mới), năm 1935 ban hành đạo luật An Sinh Xã Hội (Social Security), bảo đảm cho người già được lãnh hưu bổng đồng thời được trả lương khi mất việc làm (Unemployment Insurance). Thời 1960, Tổng thống Lyndon Johnson ký đạo luật “Đại Xã Hội” (Great Society), các đạo luật Y tế cho người về hưu (Medicare) và trợ giúp người nghèo (Medicaid, hay Medical), nhờ lúc đó đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện quốc hội. Chương trình Đại Xã Hội không phải chỉ bao gồm các quy luật để chính phủ giúp giảm bớt người nghèo mà còn thêm các biện pháp đối phó với tình trạng bất bình đẳng do màu da, vấn đề di dân và bảo vệ môi trường sống.

Trong đạo luật Cứu Trợ Covid ông Joe Biden cũng tìm cách cho thêm các vấn đề trên vào, dù không hoàn toàn dính đến bệnh dịch. Tất cả các nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện và các dân biểu Hạ viện, trừ một người, đã bỏ phiếu thuận. Chỉ có một nghị sĩ Dân chủ ôn hòa đã ngăn không cho ấn định mức lương tối thiểu $15 đô la một giờ trong đạo luật này; và khi đạt được điều đó thì cũng đồng ý tất cả phần còn lại. Tất cả các đại biểu Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống, cho thấy chủ trương của hai đảng hoàn toàn đối nghịch.

Nhật báo Wall Street Journal, một thành trì của đảng Cộng Hòa trên mặt lý thuyết và chủ trương đã nhân dịp này rút ra hai kết luận. Thứ nhất, Đảng Dân chủ đang nghiêng hẳn về “phía tả.” Thứ hai, ông Biden cũng không “ôn hòa” như nhiều người tưởng. Và tờ báo đã lên tiếng báo động: Đạo luật $1.9 ngàn tỷ chỉ là bước khởi đầu; Đảng Dân chủ sẽ cho cái đầu máy xe lửa cấp tiến của họ đi tới nữa.

Một thí dụ tờ báo trên đưa ra là Hạ viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, tuần qua đã thông qua một dự luật “mạnh” nhất, kể từ năm 1935, thời ông Roosevelt. Nhưng dân chúng Mỹ hầu như không mấy ai để ý đến tính chất quá khích này. Báo Wall Street Journal cho rằng đó là hậu quả của tình trạng nội bộ của đảng Cộng Hòa.

Sau bốn năm đảng Cộng Hòa đã im lặng chấp nhận những chính sách của Tổng thống Donald Trump, và không còn bảo vệ những chủ trương lâu đời của đảng về kinh tế và ngân sách. Tổng thống Trump gây chiến tranh mậu dịch, ngược lại với chủ trương thị trường tự do cố hữu của đảng. Ngân sách Mỹ dưới thời ông Trump khiếm hụt đến mức kỷ lục, trước khi có bệnh dịch. Vì thế, trước đạo luật Covid vừa qua, các đại biểu Cộng Hòa đều chống nhưng trong cuộc tranh luận không ai biện minh bằng những lý luận kinh tế cơ bản. Wall Street Journal kết luận, các đại biểu Cộng Hòa không có một chiến lược, không đưa ra được một thông điệp vững mạnh.

Mặc dù đóng vai thiểu số trong quốc hội nhưng bên trong đảng vẫn còn đầy chia rẽ. Tổng thống Donald Trump chỉ dành thời giờ chống lại kết quả cuộc bầu cử năm ngoái, và tiếp tục công kích các người trong đảng không đồng ý với ông. Nhiều nhà chính trị Cộng Hòa lo chống lẫn nhau hơn là chỉ trích đảng Dân chủ.

Năm ngoái, khi đảng Cộng Hòa còn nắm đa số ở Thượng viện, họ đã ngăn chương trình của đảng Dân chủ muốn trợ cấp $1,800 cho mỗi người Mỹ, chỉ chấp nhận con số $600 thôi. Cuối cùng đảng Dân chủ phải chấp nhận. Nhưng đúng lúc đó Tổng thống Trump lại kêu gọi phải trợ cấp $2000 cho mỗi công dân Mỹ. Bây giờ ông Biden thực hiện điều này. Từ năm 2016 ông Trump đã lôi cuốn những người “bị kinh tế toàn cầu hóa” bỏ rơi, mất việc vì hàng nhập cảng. Những luận điệu này thúc đẩy tình cảm chống đối các công ty lớn đưa việc làm ra nước ngoài, lại phù hợp với đường lối khuynh tả của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, số người lo âu và bất mãn vì không có việc làm với đồng lương xứng đáng đang tăng lên. Xưa nay xã hội Mỹ dựa trên một niềm tin rằng ai cố gắng làm việc hết sức thì sẽ thành công với lợi tức cao hơn. Điều này không còn chắc chắn nữa. Năm 1970, trong số những người ở lớp tuổi 30 có 90% thấy rằng lương bổng của họ cao hơn lợi tức của cha mẹ họ khi cùng ở tuổi đó. Đến năm 2010, chỉ có một nửa nghĩ như vậy.

Những lo âu và bất mãn trên khiến niềm tin rằng thị trường sẽ giải quyết mọi vấn đề đã giảm bớt, Người ta bắt đầu thấy vai trò của chính phủ quan trọng hơn. Trận đại dịch Covid cho mọi người thấy chính phủ cần can thiệp.

Vai trò của chính phủ được công nhận là quan trọng; giúp cải thiện đời sống kinh tế của người dân và giảm bớt tình trạng lợi tức không đồng đều. Ngay cả hai nghị sĩ Cộng Hòa, Tom Cotton và Mitt Romney, cũng chuẩn bị các dự luật nhằm nâng cao lợi tức của giới lao động. Chính ông Romney là người đầu tiên đề nghị giúp các gia đình đông con bằng tiền mặt $3,600 cho mỗi trẻ em dưới 17 tuổi. Điều này được ghi trong đạo luật ông Biden mới ký.

Nước Mỹ đang diễn ra một chuyển biến chính trị lớn, có thể so sánh với “cuộc cách mạng” thời Tổng thống Reagan, năm 1981, khi ông tuyên bố “chính phủ không phải là giải pháp, chính nó mới là vấn đề cần giải quyết.” Bây giờ thì người ta nghĩ ngược lại.

Ông Joe Biden không nêu ra một chủ thuyết nào, như ông Reagan. Nhưng chính phủ của ông sẽ lợi dụng cơn gió đổi chiều này để thúc đẩy các chương trình chi tiêu mới.

Sau mấy tháng dành cho việc quảng cáo những lợi ích của đạo luật cứu trợ $1.9 ngàn tỷ, chính phủ Biden sẽ vận động cho các chương trình mới. Họ sẽ đưa ra các dự án tu chỉnh hạ tầng cơ sở khắp nước Mỹ, cố gắng thỏa hiệp với đảng Cộng Hòa bằng cách cho dân chúng trong các đơn vị với đại biểu Cộng Hòa cũng thấy ích lợi cho họ. Những dự án nhỏ như vậy sẽ đưa tới một dự án xây dựng hạ tầng cơ sở khác, rồi nhân cơ hội sẽ kèm theo các chi tiêu nhằm bảo vệ môi trường cùng những chương trình “ruột” của đảng Dân chủ, như chính sách di dân, điều chỉnh hệ thống bảo hiểm y tế.

Đó chính là mối lo về “chiếc đầu máy xe lửa cấp tiến” sẽ được đảng Dân chủ sử dụng, như nhật báo Wall Street Journal đã nêu lên.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG