Đường dẫn truy cập

Đảng Donald Trump


Cựu TT Trump nói chuyện tại hội nghị CPAC tại Orlando, Florida, 28 tháng Hai.
Cựu TT Trump nói chuyện tại hội nghị CPAC tại Orlando, Florida, 28 tháng Hai.

Ngày Chủ Nhật trước, Tổng thống Donald Trump trở lại dưới ánh đèn sân khấu chính trị Mỹ, ông tuyên bố không có ý định lập một đảng chính trị thứ ba. Ông không cần. Bởi vì ông đã có đảng Cộng Hòa.

Ông Trump có đảng Cộng Hòa, vì ông chiếm được lòng trung thành của những cử tri “nền tảng” vẫn bỏ phiếu cho đảng. Họ sẽ chỉ bầu những ứng cử viên nào được ông ủng hộ. Với nền tảng kiên cố đó, ông Trump có thể đưa cả đảng theo chiều hướng ông muốn. Các nhà chính trị trong đảng không thể bỏ qua vai trò của ông. Rất khó ra mặt chống lại ông.

Năm tới, ai trong đảng Cộng Hòa muốn ra ứng cử sẽ phải nói rõ họ theo hay chống ông Trump. Một cuộc nghiên cứu vào cuối tháng Hai của tuần báo The Economist cho thấy trong số các cử tri với xu hướng Cộng Hòa, 30 phần trăm nói “chắc chắn” sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên theo ông Trump, và 29% nói sẽ không chọn ứng viên nào không được ông ủng hộ. Hai phần ba nói họ sẽ không bỏ phiếu cho người nào chống ông Trump. Chỉ có 5% nói sẽ chống một ứng cử viên của ông Trump. Tóm lại, ông Trump có thể quyết định ai sẽ ra ứng cử dưới bảng hiệu Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2022.

Sau cuộc bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội ngày 6 tháng Giêng 2021, mười dân biểu Cộng Hòa ở Hạ viện đã bỏ phiếu đàn hạch ông và họ sẽ bị ông Trump xóa sổ trong vòng sơ bộ năm tới. Bà Liz Cheney đã bị chi bộ Cộng Hòa ở tiểu bang Wyoming khiển trách, và năm tới sẽ phải đối đầu với Anthony Bouchard, một ứng cử viên nhiệt liệt theo Trump, xem ai được ra tranh cử dưới bảng hiệu Cộng Hòa.

Ở Thượng viện, bảy nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu kết tội ông trong vụ này; nhưng chỉ có một người sẽ ra tranh cử năm tới, là bà Lisa Murkowski, ở Alaska. Bà có vẻ vững chắc, không cần ai hỗ trợ. Nghị sĩ Mitch McConnell, đã từng tố cáo ông Trump gây ra cuộc bạo loạn 6 tháng Giêng mới nói rằng ông sẽ ủng hộ nếu ông Trump ra tranh cử tổng thống năm 2024. Brian Kemp, thống đốc tiểu bang Georgia đã từng bị ông Trump yêu cầu từ chức vì năm ngoái không thay đổi kết quả bầu cử cho ông thắng, cũng nói giống ông McConnell.

Nếu Tổng thống Donald Trump muốn tranh cử tổng thống năm 2024, sẽ không có người nào trong đảng Cộng Hòa có thể giành với ông. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đảng Cộng Hòa sẽ thay đổi. Nhiều người lãnh đạo trong đảng không muốn phải thay đổi theo ông, vì có những khác biệt cơ bản.

Đảng Cộng Hòa đề cao kinh tế tự do, coi đó là động lực giúp nước Mỹ phồn thịnh. Kinh tế tự do cũng giúp nước Mỹ bành trướng ảnh hưởng khắp thế giới. Cùng với yêu cầu mở cửa các thị trường tự do, các vị tổng thống Cộng Hòa đời trước xây dựng những liên minh quân sự giữa Mỹ với các nước dân chủ khác. Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump “Nước Mỹ Trên Hết” khi đem thi hành đã đưa tới những chính sách trái ngược. Ông Trump chủ trương bảo hộ thương mại bằng hàng rào quan thuế; giống với chính sách của đảng Dân chủ hơn. Ông gây “chiến tranh quan thuế” với các các nước đồng minh ở Âu châu và Á Đông.

Tuần trước, nhật báo Wall Street Journal đăng một bài về “Bảo hộ Thương mại của Trump Thất bại” (Trump Protectionist Failure), của Phil Gramm và Pat Toomey. Hai nghị sĩ Cộng Hòa, ông Gramm đã về hưu, viết rằng chính sách Bảo hộ, Protectionist, của ông Trump sai lầm về kinh tế và tai hại về chính trị; khiến Đảng Cộng Hòa thất bại năm 2020 ở các tiểu bang Michigan, Pennsylvania hoặc Wisconsin.

Khi ông Trump đánh thuế nhập cảng trên thép và nhôm, ông nêu lý do muốn bảo vệ việc làm cho công nhân. Nhưng các công nhân trong các nhà máy chế tạo các kim khí này mất việc không phải vì bị thép và nhôm nhập cảng cạnh tranh, mà vì các nhà máy phải dùng máy tự động thay cho sức người. Năm 1980, sản xuất một tấn thép cần hơn 10 giờ lao động. Năm 2017 chỉ cần 1 giờ rưỡi, có nhà máy tối tân chỉ cần nửa giờ lao động.

Kết quả là chính sách Bảo hộ khiến giá thép tăng lên, giúp các công ty chủ nhân được lời hơn, họ có thể mua máy móc tối tân hơn để cải thiện năng suất. Họ cũng tuyển thêm công nhân, nhưng chỉ tăng thêm một số nhỏ. Ngược lại, giá tăng lên vì thuế nhập cảng khiến nhiều công nghiệp sử dụng thép và nhôm phải giảm bớt hoạt động, số công nhân mất việc cao hơn nhiều. Đó là chưa kể những người mất việc trong các ngành bị nước khác đánh thuế trả đũa.

Chính sách của đánh thuế thép và nhôm không giúp mà còn gây thiệt hại cho các công nghiệp chế tạo ở ba tiểu bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Cơ quan Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics) cho biết số công nhân làm việc trong các ngành đó bắt đầu giảm bớt từ năm 2019, khi cuộc chiến tranh thuế quan lên cao.

Hai nghị sĩ Phil Gramm và Pat Toomey cho biết, năm 2016, có tới 72% dân Mỹ tin rằng thương mại quốc tế là cơ hội tốt cho nước Mỹ, chứ không phải là một mối đe dọa. Năm 2020, tỷ số đó lên 79%. Năm 2016 Tổng thống Trump tranh cử đã đề cao mục tiêu giảm bớt khiếm hụt mậu dịch, bằng cách đánh thuế hàng nhập cảng. Nhưng sau bốn năm, số khiếm hụt không giảm mà vẫn tăng lên.

Phil Gramm và Pat Toomey nhắc nhở ý kiến của các nhà kinh tế rằng trong thế giới ngày nay khiếm hụt mậu dịch không phải là điều đáng quan tâm. Trong các món hàng nước Mỹ nhập cảng, từ Mexico, Canada và ngay cả từ Trung Quốc, có chứa đựng các thành phần do chính nước Mỹ sản xuất bán cho họ, hoặc do các công ty Mỹ ở các nước đó chế tạo ra. Các quỹ hưu bổng Mỹ, của giới lao động Mỹ, làm chủ nhiều cổ phần của các công ty này.

Ý kiến của hai ông nghị sĩ tiêu biểu cho lập trường cố hữu của đảng Cộng Hòa. Nhưng chắc không được những người ủng hộ Tổng thống Trump chu ý; mặc dầu Wall Street Journal là nhiều độc giả hạng nhất ở Mỹ, hàng trăm năm qua vẫn ủng hộ Cộng Hòa. Sau khi tờ báo đăng bài trên, ông Trump đã phản công, tố cáo Wall Street Journal chỉ cố bám lấy chủ trương toàn cầu hóa, phản bội giới lao động và bênh vực những người Cộng Hòa Giả Hiệu (RINO) làm hại cho đảng. Đa số thành phần cử tri cơ bản của đảng Cộng Hòa nghe ông Trump thấy dễ hiểu hơn là các phân tích và thống kê kinh tế của hai ông nghị sĩ!

Dưới áp lực của Tổng thống Trump, các ứng cử viên của ông sang năm sẽ phải chứng tỏ họ “cực đoan” hơn chủ trương bình thường của đảng Cộng Hòa. Vì các cử tri cơ bản thích thái độ “xung kích” cùng những khẩu hiệu nẩy lửa nhưng rất dễ hiểu của ông cựu tổng thống.

“Đây là một cuộc chiến thật sự trong mấy năm tới để xem ai nắm vững linh hồn của đảng Cộng Hòa,” đó là lời ông Larry Hogan, người thuộc đảng Cộng Hòa đã đắc cử thống đốc hai lần ở tiểu bang Maryland, nơi đa số dân theo đảng Dân chủ.
Trong năm tới, người ta có thể biết kết quả, với cuộc bầu cử Hạ viện và một phần ba Thượng viện. Nếu Tổng thống Trump có thể vận động cho đảng Cộng Hòa chiếm lại quyền kiểm soát một hay cả hai viện quốc hội, ông sẽ là người nắm linh hồn của đảng.

Ông Trump có một lợi thế. Thông thường, trong các cuộc bầu cử “giữa nhiệm kỳ,” đảng của vị tổng thống đương nhiệm sẽ thua. Nghĩa là theo kinh nghiệm, đảng Cộng Hòa có nhiều hy vọng thắng.

Tuy nhiên, nhiều người trong đảng Cộng Hòa lo hiện tượng này sẽ không xảy ra trong năm 2022. Lý do, vì tất cả còn tùy thuộc ý kiến của đa số dân Mỹ đối với cá nhân ông Trump, kể cả các cử tri vẫn bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa.

Trong bốn năm làm tổng thống, chưa bao giờ ông Trump được trên 50% dân chúng ủng hộ, chỉ vì nhiều người không thích cá tính của ông, kể cả nhiều người vẫn bầu cho đảng Cộng Hòa. Chính vì vậy nên năm 2018 Cộng Hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện. Trong số những người không thích cá tính của ông, 90% đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Như nhật báo Wall Street Journal đặt câu hỏi, sau bốn năm ông Trump đã làm cho Cộng Hòa mất cả Tòa Bạch Ốc lẫn hai viện quốc hội, riêng năm ngoái, ông Trump đã mất năm tiểu bang mà ông đã thắng năm 2016, làm sao có thể tin rằng ông sẽ thành công trong mấy năm tới?

Nhưng một câu hỏi khác tờ báo trên không đặt ra, và chưa ai trả lời được, là “Nếu tách ông Trump ra, thì đảng Cộng Hòa sẽ được những gì và mất những gì? Cho đến khi nào các ông Mitch McConnell, Mitt Romney, Phil Gramm và Pat Toomey, vân vân, trả lời được câu hỏi đó, Đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục là Đảng của Donald Trump.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG