Tổng thống Joe Biden đã gửi một thông điệp cho Tập Cận Bình khi chính thức mời đại diện của Đài Loan ở Mỹ đến tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Đây là lần đầu tiên có việc này kể từ năm 1979, khi Mỹ chính thức công nhận chính quyền cộng sản Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã lập tức tán dương hành động ngoại giao đầu tiên của ông Biden. Điều đáng chú ý là Bắc Kinh không biểu lộ một phản ứng nào. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng chỉ ngỏ lời chúc mừng tân tổng thống, ca ngợi chủ trương “đoàn kết” trong bài diễn văn nhậm chức của ông. Năm 2017, Tổng thống Trump đã nhận nghe điện thoại chúc mừng của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau khi ông nhậm chức. Năm đó, Bắc Kinh lập tức phản đối rất mạnh mẽ.
Năm nay, Trung Cộng chỉ bày tỏ thái độ với một phi đoàn 13 chiến đấu cơ bay qua gần lãnh thổ Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ bèn lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngưng “những áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế để chống Đài Loan.” Ngày hôm sau, Trung Cộng tăng cường, cho 15 chiếc máy bay diễn lại trò hôm trước. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Antony Blinken tuyên bố chính quyền Biden muốn thấy Đài Loan đóng một vai trò quốc tế quan trọng hơn, ủng hộ Đài Bắc tham dự vào các tổ chức quốc tế. Hiện nay Đài Loan vẫn không được dự vào các tổ chức của Liên Hiệp Quốc như WHO, tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù nước này được coi là thành công nhất trong việc ngăn chặn bệnh dịch Covid.
Ngoài việc chính thức mời đại diện của Đài Loan dự lễ tuyên thệ, chính quyền Biden vẫn giữ nguyên các chính sách của cựu Tổng thống Trump, như bán vũ khí cho Đài Loan, lên án Trung Cộng đang thi hành chủ trương diệt chủng đối với người Uighurs ở Tân Cương.
Mỹ sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh để lập mặt trận chung, cùng đối phó với Trung Cộng. Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất trong chính sách của chính quyền mới.
Sau khi nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện thoại cho Heiko Maas ngoại trưởng Đức, Dominic Raab, Anh quốc và Jean-Yves Le Drian, ngoại trưởng Pháp, bày tỏ ý muốn lập một chiến lược chung đối với Trung Cộng, đặc biệt về kinh tế.
Tại Á châu, Blinken đã điện đàm với các ngoại trưởng Thái Lan và Australia bàn về các liên minh phòng thủ. Ông cũng gọi cho ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin, nhấn mạnh rằng hiệp ước quân sự giữa hai nước rất cần thiết cho tự do hàng hải trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương; và Mỹ sẽ thi hành nếu Phi Luật Tân bị tấn công trên mặt biển, trên không hay trên các hòn đảo. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố vẫn công nhận chủ quyền của các nước Đông Nam Á trên các hòn đảo của họ, chống lại các áp lực của Trung Cộng.
Thứ Năm tuần trước, Tổng thống Biden đã điện thoại cho Thủ tướng Yoshihide Suga. Hai người bàn về chủ quyền của Nhật Bản trên các hòn đảo Senkaku, mà người Trung Hoa gọi là Điếu Ngư Đài. Bộ Ngoại giao Nhật cho biết ông Biden cam kết sẽ ủng hộ Nhật về quân sự nếu Trung Cộng tấn công các đảo nhỏ bé này; chiếu theo điều 5 trong Hiệp ước An ninh giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói đến việc bảo vệ Senkaku bằng quân sự. Ông Biden đã dùng đến từ ngữ “ngăn ngừa mở rộng” (extended deterrence), thường hiểu là ngụ ý có thể dùng vũ khí nguyên tử để bảo vệ một đồng minh.
Những lời cam kết của chính quyền Biden với Philippines và Nhật Bản cho thấy thái độ của Mỹ cứng rắn hơn hẳn so với các chính phủ tiền nhiệm. Tuần trước, các chiến thuyền do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu lại từ vùng Biển Đông nước ta tiến tới eo biển Đài Loan, một hoạt động “an ninh hàng hải” theo chương trình đã có từ trước.
Trung Cộng đã “đáp ứng” với một cuộc thao diễn quân sự 4 ngày. Chủ Nhật vừa qua, bảy chiến đấu cơ Trung Cộng đã bay tới vùng quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), do quân đội Đài Loan trấn đóng, cùng một lúc với một máy bay thám thính của Mỹ. Đài Loan đã cho hệ thống hỏa tiễn theo dõi và cảnh cáo các máy bay Trung Cộng.
Cho đến nay, Bắc Kinh chưa tỏ thái độ gây hấn hay đe dọa đối với chính quyền mới ở Mỹ. Tập Cận Bình có thể không muốn tạo ra một tình trạng căng thẳng trong khi chờ kết quả của những vận động ngoại giao khắp thế giới. Trong bốn năm qua, trong khi chính phủ Mỹ chủ trương hướng nội, không quan tâm đến thế giới bên ngoài, Trung Cộng đã có cơ hội liên kết với các nước lớn nhỏ khác. Ngoài những hiệp ước kinh tế với các nước Á châu và Âu châu, Bắc Kinh còn nêu ra thành tích chống bệnh dịch Covid để phô trương chế độ độc tài của họ là ưu việt. Trong khi các nước lớn khác đều suy thoái thì kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển, dù bị Mỹ tấn công.
Cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ- Trung Quốc khiến kinh tế của hai nước đều thiệt hại. Nhưng năm ngoái số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với toàn thế giới lại lên tới mức kỷ lục. Khiếm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn tăng 7% trong năm 2020, so với năm trước, lên tới $317 tỷ đô la. Vì bệnh dịch Covid khiến các nước đều mua thêm hàng Trung Quốc, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với các nước khác cũng tăng, lên $535 tỷ. Trong năm ngoái, số đầu tư ngoại quốc vào Mỹ giảm bớt 49% trong lúc cả thế giới giảm trung bình 42%. Nhưng đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc vẫn tăng 4%, lên $163 tỷ.
Kinh tế Trung Quốc phát triển trong một năm cả thế giới lâm bệnh dịch bắt đầu ở Vũ Hán, nhưng không thể kéo dài sau khi Covid bị chặn lại. Trong khung cảnh bình thường, một nền kinh tế dựa trên doanh nghiệp nhà nước không có sức sống mạnh mẽ như các nước kinh tế tự do, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Mặc dù Trung Cộng đã cổ động, tuyên truyền về thành quả kinh tế trong năm qua, nhưng các nước khác đều biết về lâu về dài không ai có thể đi theo con đường độc tài, độc đảng mà phát huy hết khả năng và sáng kiến của các xí nghiệp cũng như nâng cao năng suất lao động.
Chính quyền Biden đã từ chối khi ngoại trưởng Trung Cộng ngỏ ý muốn thương thuyết về cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, lấy lý do cần phải bàn bạc với các nước đồng minh của Mỹ trước khi gặp gỡ. Mỹ cần hồi phục các liên minh lâu đời ở Âu châu và Á châu để ngăn chặn Trung Cộng bành trướng.
Trên mặt quân sự, các nước Á Đông đều thấy mối đe dọa của Bắc Kinh đang lớn dần. Điều nguy hiểm nhất là nếu Trung Cộng tấn công để làm chủ Đài Loan thì Bắc Kinh sẽ làm chủ cả con đường hàng hải có tính huyết mạch trên kinh tế Nhật Bản và Nam Hàn. Đài Loan cũng đang đứng đầu về sản xuất hàng điện tử, cung cấp cho cả thế giới. Không thể để cho các cơ sở quý giá đó lọt vào tay một nước cộng sản độc tài.
Cho nên, Mỹ phải cho thế giới thấy quyết tâm bảo vệ Đài Loan. Trấn an Nhật Bản, Philippines, Thái Lan và Australia ngay trong những ngày đầu là điều chính quyền Biden bắt buộc phải làm. Nếu không, các nước Đông Nam Á sẽ nao núng nếu không còn tin nước Mỹ muốn đóng vai trò lãnh đạo để đối phó với Trung Quốc. Cho nên bà Tiêu Mỹ Cầm trở thành một biểu tượng của chính sách ngoại giao mới của Mỹ.
Bà Tiêu Mỹ Cầm (Bi-khim Hsiao, 蕭美琴) sinh ra ở Kobe, Nhật Bản, lớn lên ở Đài Loan, sang Mỹ thời trung học và vào quốc tịch Mỹ nhưng vẫn về nước sống. Khi làm việc cho Thủ tướng Trần Thủy Biển, bà đã phải từ bỏ quốc tịch Mỹ vì một đạo luật cấm công chức song tịch. Bà là phụ nữ đầu tiên cầm đầu phái bộ Trung Hoa Dân Quốc ở Washington, mới nhậm chức giữa năm 2020, sau khi đã làm đại biểu Quốc hội Đài Loan trong nhiều năm.
Ngay sau khi dự lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, bà Tiêu Mỹ Cầm đã “tuýt” trên mạng hình ảnh bà đứng trước Điện Capitol, với lời bình luận: “Đài Loan và Mỹ luôn luôn cộng tác trong tình thân hữu.” Bà khẳng định, “Dân chủ là tiếng nói chung và Tự Do là mục tiêu chung của hai nước chúng ta.”
Đó cũng là những thông điệp mà chính quyền Mỹ phải chuyển tới mọi quốc gia, nhất là các nước ở Á châu. Người ta sẽ biết phải chọn thế nào giữa hai hệ thống chính trị, Dân chủ tự do hay Cộng sản Độc tài, tiêu biểu là Đài Loan và Trung Cộng.