Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng những cử tri trẻ tuổi dự định tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây sẽ tăng cao so với trước đây khi những vấn đề chính trị và xã hội, từ kỳ thị sắc tộc cho tới môi trường, đang ngày càng khiến họ quan tâm hơn tới tương lai của đất nước và muốn có tiếng nói của mình qua lá phiếu
Hoa Kỳ là một trong những nước có số lượng người trẻ tham gia bỏ phiếu thấp nhất thế giới, đặc biệt so với các nền dân chủ lớn khác như Canada và Đức. Nhưng điều này dường như đang thay đổi.
E. Ethelbert Miller, người dẫn chương trình radio buổi sáng On the Margin và nhà hoạt động văn học, cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết về những người trẻ ở Mỹ sẽ tham gia bầu cử tổng thống.
Lý do cho sự lạc quan của ông Miller, từng là chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Nghiên cứu Chính sách ở Washington DC, là từ những gì ông thấy trong mùa hè vừa qua khi những người trẻ tuổi xuống đường trên khắp đất nước tham gia biểu tình đòi công lý và bình đẳng sắc tộc sau cái chết của Goerge Floyd, một người đàn ông da màu tử vong dưới tay một cảnh sát da trắng.
“Mùa hè vừa qua, tôi nghĩ, sẽ được coi là lịch sử,” ông Miller, sinh ra ở thành phố New York và hiện đang sống ở Washington DC, nói với VOA. “Trong mọi thứ, từ dịch bệnh đến phong trào Black Lives Matter trên cả nước, chúng ta thấy một lượng lớn người trẻ xuống đường. Và tôi nghĩ rằng đó điều có thể sẽ tiếp tục như một hoạt động chính trị trong tháng 11 này (dịp bầu cử tổng thống Mỹ).”
Trong hầu hết các cuộc bầu cử quốc gia ở Mỹ, những người trẻ ít có mặt tại các phòng phiếu kể từ khi những công dân 18 tuổi được trao quyền đi bầu vào năm 1972, theo Shanto Iyengar và Simon Jackman của Đại học Stanford trong bài viết học thuật “Technology and Politics: Incentives for Youth Participation” (Công nghệ và chính trị: Khuyến khích thanh niên tham gia).
Trong mọi thứ, từ dịch bệnh đến phong trào Black Lives Matter trên cả nước, chúng ta thấy một lượng lớn người trẻ xuống đường. Và tôi nghĩ rằng đó điều có thể sẽ tiếp tục như một hoạt động chính trị trong tháng 11 này (dịp bầu cử tổng thống Mỹ).Ethelbert Miller, nhà hoạt động và cựu chủ tịch Viện Chính sách Hoà bình
Vào năm 1976, một trong những cuộc bầu cử đầu tiên trong đó công dân 18 tuổi có thể đi bầu, những người từ 18-24 tuổi chiếm 18% trong số những người được quyền bầu cử ở Mỹ, nhưng chỉ có 13% trong số họ thực sự bỏ phiếu – một tỷ lệ được coi là thấp, theo thống kê của Iyengar và Jackman. Trong cuộc bầu cử tiếp theo đó vào năm 1978, những lá phiếu “trẻ” thiếu hụt tới 50%. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, số lượng cử tri trẻ tuổi là 20% và vào năm 1998, trong số 13% người trẻ đủ tư cách bầu cử ở Mỹ, chỉ có 5% tham gia bỏ phiếu.
Việc những người trẻ tuổi ít tham gia bầu cử cũng là một xu hướng khá phổ biến trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Mỹ. Thống kê của UNDP cho thấy dù những người trẻ – độ tuổi từ 15-25 chiếm 1/5 dân số thế giới, thường tham gia vào các hoạt động không chính thức và có liên quan đến chính trị, như hoạt động xã hội hoặc dân sự, nhưng họ không được đại diện chính thức trong các thể chế chính trị quốc gia như quốc hội, và nhiều người trong số họ không tham gia bầu cử. Theo UNDP, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng quản trị dân chủ.
Thế hệ trẻ và bầu cử
Cuộc bầu cử 2004 ở Mỹ được coi là một “năm bản lề trong lịch sử bầu cử của giới trẻ” khi có đến 47% thanh niên Mỹ tham gia bỏ phiếu, theo Tobi Walker của tạp chí National Civic Review. Bốn năm sau đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008, số lượng cử tri trẻ tuổi tăng gấp 3 lần và thậm chí 4 lần ở một số tiểu bang. Với những lá phiếu “trẻ” đó, ông Barack Obama đã trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên trong các cuộc bầu cử vào năm 2016, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, chỉ có gần 36% người từ 18 đến 29 tuổi được ghi nhận đã bỏ phiếu, một mức giảm 16% so với số lượng của nhóm người trẻ này tham gia đầu phiếu trong các cuộc bầu cử giữa năm của hai năm trước đó.
Nhưng các khảo sát gần đây cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ chứng kiến một số lượng lớn người trẻ tuổi tham gia bỏ phiếu.
Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến chính trị ở Mỹ, đặc biệt trong hai thập niên qua.
Số lượng người trẻ ở các bang được gọi là “chiến trường”, nơi các ứng viên tổng thống tranh cử không có ưu thế rõ ràng, nói họ sẽ “chắc chắn” đi bầu vào tháng 11 này, theo một cuộc thăm dò mới đây của tổ chức hành động chính trị cấp tiến NextGen America. Khảo sát tiến hành vào tháng 8 được The Hill công bố đầu tháng này cho thấy 77% những cử tri tuổi từ 18 đến 35 đã đăng ký trên tất cả 13 bang “chiến trường” nói họ “chắc chắc sẽ bỏ phiếu” trong cuộc bầu cử sắp tới, cao hơn 7% so với con số trong cuộc khảo sát tháng 7.
“Những người trẻ tuổi hăng hái đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay hơn 4 năm trước, hoặc thậm chí 8 năm trước, nhưng chúng ta đang đạt tới những đỉnh cao chưa từng thấy về động lực khiến những người trẻ này muốn tham gia bỏ phiếu vào tháng 11 này,” theo Giám đốc điều hành của NextGen America, Ben Wessel.
Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến chính trị ở Mỹ, đặc biệt trong hai thập niên qua. Kể từ năm 2000, 76% người trẻ nói họ quan tâm đến chính trị và 74% nói họ quan tâm đến những ai được bầu.
“Có thể thấy rằng nhiều người trẻ đang bị cuốn vào các hoạt động chính trị,” theo ông Miller, người thường xuyên tiếp xúc với giới trẻ qua các chương trình radio mà ông dẫn trên đài WPFW. “Trong thiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders, nhiều người trẻ đã thực sự tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị bởi vì các vấn đề về môi trường. Tôi nghĩ các vụ cháy rừng ở California hiện nay chắc chắc sẽ làm thay đổi quan điểm ở những người trẻ tuổi tại các bang như Washington, Portland và California.”
Có những bằng chứng khoa học mạnh mẽ cho thấy rằng nếu những người trẻ tham gia bỏ phiếu nhiều như những nhóm công dân nhiều tuổi hơn họ thì nền dân chủ Mỹ có thể sẽ được biến đổi.
Ông Sanders, ứng cử viên tranh đề cử của Đảng Dân Chủ để tranh chức tổng thống Mỹ vào năm 2016 và năm nay, đều nhận được sự ủng hộ lớn của giới trẻ qua các đề xuất về thay đổi trong chính sách giáo dục và y tế của ông.
Theo ông Miller, có rất nhiều những vấn đề mà giới trẻ hiện nay đang quan tâm tới, từ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tới luật pháp.
“Có nhiều người trẻ là những người theo đạo Tin lành và họ sẽ thực sự quan tâm đến việc ai sẽ vào Toà án Tối cao – liệu ai đó được chọn sẽ là người lật ngược án lệ Roe và Wade (về quyền phá thai của phụ nữ) hoặc tệ hơn?,” ông Miller nói.
Tổng thống Trump của Đảng Cộng hoà hiện đang gấp rút bổ nhiệm một thẩm phán Toà án Tối cao thay thế bà Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời chỉ hơn một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.
“Tôi nghĩ đây là cuộc bầu cử mà mọi người nhận ra rằng nó sẽ là một sự kiện lịch sử quan trọng cho đất nước của chúng ta,” ông Miller nói. “Và nhiều người trẻ đang thấy những điều mà họ chưa bao giờ nghĩ họ sẽ thấy cho nên họ sẽ tham gia bỏ phiếu để nói tiếng nói của mình.”
Theo cuộc khảo sát gần đây của CIRCLE, sự tham gia của giới trẻ vào quy trình bầu cử năm nay cao hơn năm 2016 và 2018, và phần lớn trong số họ, 83%, tin rằng những người trẻ có quyền lực để thay đổi đất nước.
Có những bằng chứng khoa học mạnh mẽ cho thấy rằng nếu những người trẻ tham gia bỏ phiếu nhiều như những nhóm công dân nhiều tuổi hơn họ thì nền dân chủ Mỹ có thể sẽ được biến đổi, theo The Conversation. Các quan chức được bầu sẽ quan tâm nhiều hơn tới những mảng chính sách mà người trẻ quan tâm tới, như biến đổi khí hậu hay giáo dục công; những người được bầu vào các cơ quan nhà nước sẽ tương đồng với những người mà họ đại diện hơn; và những chính sách công được thực hiện sẽ thay đổi cơ bản.