Bầu cử Tổng thống Mỹ đã trở thành tin hàng đầu trên các trang báo điện tử chính thống của Việt Nam hôm 8/11, ngày cử tri trên khắp nước Mỹ đi đầu phiếu.
Được đánh giá là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu trong năm 2016, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang thu hút rất nhiều chú ý của truyền thông thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ này, giữa lúc mối quan hệ với Mỹ đang phát triển và trở nên nồng ấm hơn.
Điểm qua các trang báo chính thống của Việt Nam có thể thấy những bài viết trên trang chủ là những diễn biến ngày bầu cử tại Hoa Kỳ. Tin hàng đầu trên VietNamNet, VNExpress, Tuổi Trẻ, Lao Động, Dân Trí, Thanh Niên đều là những hình ảnh về các cử tri đi bỏ phiếu với các tiêu đề như “Các bang đồng loạt mở cửa điểm bỏ phiếu, thế giới hồi hộp dõi theo” (dantri.com.vn) hay như “Điểm bỏ phiếu mở cửa, Mỹ bước vào thời khắc lịch sử” (vnexpress.com). Trong khi đó các tin chính của VietNamNet, Tuổi Trẻ, Lao Động và Hà Nội Mới đều đưa thông tin về kết quả ở các điểm bỏ phiếu đầu tiên được công bố.
Nói về tầm quan trọng của việc đưa tin về bầu cử Mỹ của truyền thông Việt Nam, một nhà báo cộng tác với một trong những tờ báo lớn (không muốn được nêu tên) nhận xét với VOA Việt Ngữ:
"Quan hệ Việt-Mỹ gần đây cũng khá nồng ấm, chẳng hạn như chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước – gần đây nhất là trong tháng 5 năm nay có ông Obama đến thăm. Như thường lệ thì các cuộc bầu cử người dân đều quan tâm nhưng yếu tố Mỹ luôn là yếu tố hấp dẫn và thu hút không chỉ ở các nước khác mà cả ở Việt Nam nữa. Theo tôi đó là những cái soft power (quyền lực mềm) đối với những người trẻ với lại người trẻ họ cũng thích những giá trị Mỹ khác như các bộ phim Hollywood và giáo dục Mỹ."
Đây là một trong những phóng viên được cử đi từ Việt Nam sang Mỹ để viết về diễn biến trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ. Nhà báo này cho biết anh tập trung tường trình về cộng đồng người Việt ở California trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Anh nói: "Chẳng hạn như cử tri Việt ở đây đi bầu cử như thế nào. Có những câu chuyện không nhiều người biết mà nếu có biết thì cũng biết khá mơ hồ. Chẳng hạn như là cái bầu cử tổng thống này người cử tri gốc Việt họ nhìn nhận như thế nào. Họ chỉ xem đây là một cái gì đó mang tính giải trí và cuộc bầu cử tổng thống này không ảnh hưởng đến họ và tất cả mọi thứ đều từ sức lao động ra cả."
Trong bối cảnh Mỹ là nơi tập trung cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất, người Việt cùng với những người Mỹ gốc Á khác, được các ứng cử viên tổng thống Mỹ coi đây là một nhóm cử tri quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử kéo dài hơn 1 năm qua. Theo Trung tâm Nghiên Cứu Pew có trụ sở ở Washington, người Mỹ gốc Á là nhóm dân thiểu số có thu nhập và có học thức cao nhất so với các sắc tộc khác ở Mỹ.
Cũng theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Pew, người Mỹ gốc Á là nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ với số lượng tăng từ 19% đến 36% trong 1 thập kỷ, vượt qua cả nhóm người Mỹ gốc Latinh, từng là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Mỹ. Trong tổng số hơn 18 triệu người Mỹ gốc Á, người gốc Việt chiếm hơn 1.7 triệu.
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, truyền thông Việt Nam đã tăng thời lượng đưa tin về bầu cử Mỹ trên cả truyền hình, báo điện tử và báo giấy và có những góc nhìn đa chiều về cả 2 ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân Chủ và Donald Trump của đảng Cộng Hòa.
Giáo sư Jonathan London của đại học Leiden, Hà Lan, đã được báo Lao Động đặt viết bài bình luận sau các buổi tranh luận giữa 2 ứng cử viên tổng thống – Hillary Clinton và Donald Trump. Ông London nói hai bài viết của ông với tựa đề “Trump-Clinton: Cuộc chạy marathon của huênh hoang và giận dữ” và “Tôi ủng hộ ứng viên mà tôi thấy có lợi hơn cho Mỹ và toàn thế giới” được báo Lao Động đăng tải mà không bị một sự kiểm duyệt nào như những bài viết về nhân quyền. Theo lời tòa soạn, báo Lao Động muốn cung cấp “thêm những góc nhìn về vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.”
Giáo sư London cho biết: "Tôi thấy là nói chung đối với những vấn đề quốc tế thì những tờ báo của Việt Nam đến nay cũng được thư giãn hơn rất nhiều so với những vấn đề trong nước. Vấn đề trong nước thì ai cũng đều sợ không dám viết những bài đề cập đến vấn đề chẳng hạn như là mỉa mai. Hiện nay là một giai đoạn mà ở Việt Nam họ đang cố gắng để kiểm soát những gì được viết, được in, được đăng v.v. Có vẻ là đối với những vấn đề quốc tế, có lẽ là trừ Trung Quốc, thì họ tương đối là thoáng."
Giáo sư London nhận xét về các tờ báo Việt Nam do bộ Thông Tin và Truyền Thông của nhà nước quản lý trong tương quan với cách đưa tin của truyền thông Trung Quốc:
"Chuyện có một kẻ mị dân như Trump mà lên thì nó là một cơ hội cho những tờ báo của Trung Quốc viết bài rất là xấu về dân chủ của Mỹ. Rõ ràng có một người như Trump lên thì thế nào chắc chắn nền dân chủ của Mỹ có rất nhiều vấn đề nhưng dù có vậy các tờ báo ở Việt Nam không biết vì sao họ không viết bài để nói xấu nhưng tôi nghĩ chưa chắc là nó phản ánh chính xác một quyết định của ngành tuyên giáo của Việt Nam. Nói chung Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm rất muốn để tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt hơn với Mỹ."
Còn theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói với Reuters, chính phủ Việt Nam không tỏ rõ quan điểm về bất cứ ứng cử viên nào nhưng người dân Việt Nam thì bộc lộ rõ quan điểm muốn bà Hillary Clinton chiến thắng.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn phê chuẩn hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP – khi cuộc họp quốc hội diễn ra trong tháng 10-11 – vì muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Cả 2 ứng cửa viên đều phản đối TPP nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu bà Clinton trở thành Tổng thống, thì Việt Nam có thể hy vọng bà có quan điểm thuận lợi hơn đối với Hiệp định TPP.