Đường dẫn truy cập

Chiến thắng của Trump trong mắt cử tri trẻ gốc Việt


Tổng thống tân cử Donald Trump.
Tổng thống tân cử Donald Trump.

Chiến thắng ngoạn mục đầy kịch tính của ứng viên Cộng hòa Donald Trump đã mở ra những điều chưa từng thấy trước nay, trong đó có làn sóng biểu tình rầm rộ hậu bầu cử, và hứa hẹn sẽ còn nhiều điều ‘đột phá’ khác nữa trong chính sách đối nội-đối ngoại của nước Mỹ trong 4 năm tới, kể cả vấn đề Biển Đông, chính sách xoay trục về châu Á, và mối quan hệ Việt-Mỹ.

Thông điệp của chiến thắng này là gì? Có thể trông đợi điều gì từ chính quyền của tỷ phú Trump? Mời các bạn cùng chia sẻ cảm nghĩ của một số cử tri trẻ gốc Việt tại Nam California, nơi được xem là thủ đô của người Việt hải ngoại. Khách mời chương trình hôm nay gồm Lý Vĩnh Phong, cựu thành viên của Tổng Hội sinh viên Nam California; Trương Ngãi Vinh, Chủ tịch cộng đồng Nam California; Lý Trí Anh, sáng lập viên nhóm Thanh niên Cờ vàng.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

Chiến thắng của Trump trong mắt cử tri trẻ gốc Việt
please wait

No media source currently available

0:00 0:13:59 0:00
Tải xuống

Trí Anh: Mình là đảng viên Cộng hòa nhưng mình không bỏ phiếu cho ông Trump vì ông phát biểu những điều mình cảm thấy không thích hợp, không xứng đáng để trở thành Tổng thống.

Trà Mi: Dù chị thấy ông không xứng đáng, nhưng kết quả đảo ngược kỳ vọng của chị. Cảm nghĩ của chị thế nào?

Trí Anh: Mình cũng buồn một chút vì những cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra. Mình tôn trọng những cuộc biểu tình phản đối vì mình ở xứ dân chủ, nhưng mình không ủng hộ các cuộc biểu tình gây bạo loạn. Từ hồi qua Mỹ tới giờ 20 năm, mình chưa thấy cuộc bầu cử nào mà sau đó lại có biểu tình với số đông như vậy, làm mình cảm thấy lo lắng.

Ngãi Vinh: Ông Trump thắng cử cũng là điều bất ngờ. Tôi muốn ông thắng và đạt được điều đó, tôi cảm thấy vui. Tôi là người thuộc đảng Cộng hòa. Tôi chọn Tổng thống một là có lợi cho đất nước tôi đang sống, Hoa Kỳ, thứ hai có lợi cho đất nước Việt Nam.

Vĩnh Phong: Mình theo đảng Dân chủ và ủng hộ bà Clinton. Tâm trạng mình bây giờ rất buồn lo, không phải vì cá nhân ông Trump, mà vì chính sách của ông cực đoan mà mình nghĩ sẽ không mang lại sự đoàn kết và phồn thịnh cho Mỹ.

Trà Mi: Dù có nhiều lo âu, nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về nhân vật gây ra những lo âu đó, lý do vì sao?

Trí Anh: Đa số vì dân Mỹ sau 8 năm họ ngán, họ cảm thấy mệt mỏi. Họ không thích thú với 8 năm vừa qua của đảng Dân chủ, nên họ muốn thay đổi.

Trà Mi: Chiến thắng của ông Trump, ngoài thông điệp cho thế giới thấy nước Mỹ đang muốn thay đổi, còn mang thông điệp nào khác chăng?

Trí Anh: Nó cho thấy nước Mỹ là nơi tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra vì Mỹ có nền dân chủ rất đặc biệt, rất rõ ràng.

Trà Mi: Người Mỹ chấp nhận rủi ro để thay đổi. Rủi ro đầu tiên hiện giờ là nước Mỹ đang chia rẽ. Ông Trump bây giờ có thể làm gì để hàn gắn những rạn nứt đó?

Ngãi Vinh: Ông có thể mời những người như bà Clinton vào làm việc chung hoặc những người bên đảng Dân chủ vào làm việc chung. Ông phải đóng vai trò hàn gắn tất cả những vết thương do cuộc bầu cử này gây ra. Phải có sự chan hòa giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa ngay trong phòng làm việc của ông ở Tòa Bạch Ốc.

Vĩnh Phong: Cá nhân ông Trump phải là người đứng ra, bằng cách này hay cách khác, đưa ra những chính sách khác hơn những gì ông đã nói, đã làm khi tranh cử vì bây giờ bà Clinton có nói gì đi nữa thì những người biểu tình cũng không ngưng. Tất cả phải từ ông Trump. Một điều gây âu lo nữa là ông Trump vừa bổ nhiệm cố vấn quan trọng vốn thuộc phe phân biệt chủng tộc giữa người da trắng với da màu. Người biểu tình không phải họ tin rằng biểu tình có thể thay đổi kết quả bầu cử, mà họ biểu tình để chính quyền mới thấy là nếu ông Trump theo đuổi những gì đã nói thì sẽ có nhiều người chống đối.

Trà Mi: Các bạn dự kiến sẽ nhìn thấy những gì từ một chính phủ mới dưới tay ông Trump, về đối nội-đối ngoại và hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới?

Trí Anh: Mình không biết ông sẽ giải quyết mọi chuyện thế nào. Ông là một nhà kinh doanh, mọi người cứ nghĩ ông giàu có sẽ làm cho nước Mỹ giàu có lên, nên họ hy vọng. Mình thì nghĩ khác, một nhà kinh doanh khác với một nhà làm chính trị. Chính trị không phải là chuyện mua bán hàng hóa bình thường. Nhiều người Mỹ trắng, cách gì thì cách, họ vẫn còn dòng máu phân biệt chủng tộc dù họ phải làm việc với mình. Cái sắp tới mà mình thấy rõ ràng là nội bộ nước Mỹ không chỉ có chia rẽ bình thường mà còn dấy lên mầm mống kỳ thị chủng tộc, gây ra bạo loạn.

Trà Mi: Ngoài những âu lo, các bạn có dự kiến những điểm sáng nào dưới thời của ông Trump không?

Ngãi Vinh: Tôi chọn ông Trump vì lợi cho nước Mỹ và lợi cho Việt Nam. Ông Trump nói sẽ chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ông nói Trung Cộng đã lợi dụng nước Mỹ rất nhiều trong việc làm kinh tế. Ông nói nếu ông lên, ông sẽ có đường lối làm cho Trung Cộng không còn như trước nữa. Nếu ông làm được thì sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều. Ông nói một điều mà tôi rất thích là cộng sản Việt Nam lợi dụng nước Mỹ về vấn đề Biển Đông rằng khi Trung Quốc hùng hổ thì kêu gọi Mỹ vào giúp, nhưng phía sau lại chơi thân với Trung Cộng, đu dây qua lại kiếm lợi. Ông Trump thấy điều đó, ông sẽ tìm cách cắt bỏ hoàn toàn. Khi người dân Việt Nam thấy rõ nguy cơ mất nước, nguy cơ đồng hóa dân tộc của Tàu Cộng thì họ sẽ tự đứng lên. Lúc đó, Mỹ sẽ tiếp tay cứu Việt Nam, chứ cứ trong tình trạng này thì Trung Cộng sẽ lớn mạnh lên.

Trà Mi: Tiếp nối câu hỏi trông đợi gì ở ông Trump về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt-Mỹ, anh Phong có ý kiến nào khác?

Vĩnh Phong: Về quan hệ Việt-Mỹ, hiện nay nhiều người lo sợ rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi khu vực, không tiếp tục chính sách xoay trục về Á châu của Tổng thống Obama. Ông Trump nhiều lần nói nếu một nước nào đó không trả tiền cho nước Mỹ thì tại sao nước Mỹ phải bảo vệ nước đó. Ông nói như vậy trong mối quan hệ giữa Mỹ với NATO, khối do Mỹ sáng lập và khi Mỹ bị tấn công 11/9 thì các nước trong NATO đã cùng Mỹ tham chiến ở Afghanistan. Nếu theo lý luận đó, có thể hiện nay Trung Cộng đang rất là vui mừng vì ông Trump thắng ông sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách xoay trục châu Á nữa. Nếu Việt Nam tiếp tục bị Trung Cộng lấn chiếm mà Việt Nam không chịu trả tiền cho Mỹ để Mỹ bảo vệ, liệu chính phủ Trump có bảo vệ Việt Nam hay không? Nói về tình hình Việt Nam, dưới chính quyền nào của Mỹ cũng vậy, những người Việt tranh đấu cho dân chủ Việt Nam không thể suy nghĩ rằng nhờ Mỹ đem lại tự do-dân chủ cho Việt Nam và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam. Chúng ta phải dựa vào sức của mình là chính. Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, nếu lên tiếng cho chúng ta thì tốt, nhưng chúng ta không thể đặt kỳ vọng vào trong đó quá nhiều. Chúng ta hy vọng rằng những người cố vấn, những người hiểu rõ tình hình thế giới và tình hình nước Mỹ sẽ giúp cho ông Trump thấy rõ đâu là những lời nói suông và đâu là chính sách phải theo đuổi.

Trà Mi: Các nước châu Á đang trông cậy vào Mỹ rất nhiều trước thế lấn lướt của Trung Quốc. Ông Trump làm đảo chiều tất cả, liệu các nước, kể cả Việt Nam, có hụt hẫng, mất chỗ dựa?

Vĩnh Phong: Hụt hẫng là cái chắc vì trong ba ứng viên Tổng thống gồm Clinton, Sanders, và Trump thì ông Trump là người phản đối TPP mạnh mẽ nhất. Đối với Việt Nam, e rằng Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Cộng nhiều hơn.

Trí Anh: Khi cộng sản Việt Nam dựa dẫm vào Trung Cộng, người bị ảnh hưởng đầu tiên chính là nhân dân Việt Nam. Mình lo lắng rằng khi cộng sản Việt Nam dựa dẫm Trung Quốc nhiều hơn, giới đấu tranh cho biển đảo Việt Nam lâu nay sẽ bị trả thù đầu tiên. Nạn nhân tiếp theo là những nạn nhân thấp cổ bé họng.

Trà Mi: Chính quyền mới của ông Trump sẽ mở ra cơ hội mới cho nước Mỹ, theo kỳ vọng của người Mỹ, nhưng là một thách thức mới với dân Việt Nam. Người Mỹ gốc Việt, cầu nối quan hệ Việt-Mỹ có thể làm gì để cơ hội mới ở đây cũng là một cơ hội mới cho người Việt trong nước?

Ngãi Vinh: Đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam phải quyết định, đi với Trung Cộng hay đi với Mỹ. Nếu họ chọn đi với Trung Cộng thì người dân, ai còn biết thương yêu đất nước và quan tâm đến sự tồn tại của Việt Nam sẽ tự đứng lên. Lúc đó, mọi chuyện sẽ khác. Đã đến giai đoạn người dân hiểu được cộng sản là gì, hiểu được tầm quan trọng của hai từ dân tộc thì tự mình đứng lên. Không một nước nào bên ngoài có thể giúp Việt Nam có dân chủ cả. Người Việt hải ngoại phải giao tiếp nhiều hơn với người dân trong nước, truyền sự thật về dân chủ trên thế giới để dân tộc Việt Nam mạnh dạn đứng lên, nếu cộng sản chọn đi với Trung Cộng.

Vĩnh Phong: Người Việt hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ, việc chúng ta có thể làm chính là vận động chính giới ủng hộ phong trào dân chủ hóa Việt Nam và yểm trợ cho những người đấu tranh trong nước. Chúng ta phải nói cho những người trong chính quyền mới ở Mỹ biết nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông và ở Việt Nam để cân bằng sự bánh trướng của Trung Cộng.

Trà Mi: Chúng ta chờ xem và chúng ta kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến sau cuộc bầu cử này. Rất cảm ơn các bạn đã tham gia chương trình hôm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG