Đường dẫn truy cập

Báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo lưu ý về nạn bạo lực nhằm vào người thiểu số Ấn Độ


Cảnh tàn phá ở Kashmir, Ấn Độ, là hậu quả của bạo lực liên quan đến xung đột tôn giáo, 17/11/2023 (AP Photo/Dar Yasin).
Cảnh tàn phá ở Kashmir, Ấn Độ, là hậu quả của bạo lực liên quan đến xung đột tôn giáo, 17/11/2023 (AP Photo/Dar Yasin).

Phần nói về Ấn Độ trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo năm 2023 lưu ý rằng đã có các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhóm thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo và Cơ đốc giáo, bao gồm các vụ giết người, hành hung và phá hoại các nơi thờ tự.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế công bố hôm thứ Tư 26/6 viết rằng trong năm qua, các quan chức cấp cao của Mỹ tiếp tục “nêu lên những quan ngại về các vấn đề tự do tôn giáo” với những người đồng cấp Ấn Độ.

Các chuyên gia nhân quyền nói rằng ở Ấn Độ đã có sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào người thiểu số dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, người vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, và đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc vào đạo Hindu của ông. Các nhà phân tích chính trị nói rằng Mỹ thường không lớn tiếng chỉ trích Ấn Độ do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và tầm quan trọng của New Delhi đối với Washington trong việc đối trọng lại Trung Quốc.

Báo cáo của Mỹ liệt kê hàng chục vụ việc. Trong số đó có vụ 1 quan chức an ninh và 3 người Hồi giáo bị bắn chết trên một chuyến tàu gần Mumbai, nghi phạm là một quan chức an ninh đường sắt. Theo tờ Indian Express, cuộc điều tra của chính quyền Ấn Độ về vụ án đó hiện đang diễn ra và nghi phạm đang bị giam giữ.

Báo cáo của Mỹ cũng nêu ra các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo dựa trên cáo buộc cho rằng nhiều người đàn ông Hồi giáo đã tham gia giết mổ bò hoặc buôn bán thịt bò.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington chưa đưa ra bình luận ngay về bản báo cáo. Chính phủ Ấn Độ phủ nhận chuyện phân biệt đối xử với người thiểu số và nói rằng các chính sách phúc lợi của họ - như chương trình trợ cấp lương thực và chương trình điện khí hóa - nhằm mục đích mang lại lợi ích cho mọi người dân Ấn Độ.

Các nhà vận động cho nhân quyền phản bác lại, họ nêu ra thực trạng có những lời lẽ căm ghét chống Hồi giáo, hay việc thu hồi quy chế đặc biệt của Kashmir nơi có đa số dân là người Hồi giáo, một luật công dân bị Liên Hợp Quốc đánh giá rằng "về cơ bản là sự phân biệt đối xử" và những vụ phá hủy tài sản của người Hồi giáo dưới danh nghĩa dỡ bỏ công trình xây dựng bất hợp pháp.

Báo cáo của Mỹ Bộ Ngoại giao cũng dẫn ra tình trạng bạo lực ở bang Manipur ở miền đông bắc bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái giữa một bên là các nhóm thiểu số, chủ yếu là Cơ đốc giáo, Kuki; và một bên là các nhóm đa số, chủ yếu là người theo đạo Hindu, Meitei.

Các nơi thờ tự theo đạo Hindu và đạo Cơ đốc đã bị phá hủy ở Manipur. Dẫn lại một diễn đàn của các thủ lĩnh bộ lạc địa phương, báo cáo cho biết hơn 250 nhà thờ bị đốt cháy, hơn 200 người thiệt mạng và hơn 60.000 người mất nhà cửa.

Người theo đạo Hindu chiếm khoảng 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân Ấn Độ trong khi người Hồi giáo chiếm 14% và người theo đạo Cơ đốc trên 2%.

Báo cáo cũng chỉ ra luật chống cải đạo ở một số bang của Ấn Độ bị những người ủng hộ nhân quyền cho rằng gây khó khăn cho quyền tự do tín ngưỡng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG