Đường dẫn truy cập

Bộ ngoại giao Mỹ: Việt Nam vẫn tiếp tục xâm hại, sách nhiễu tự do tôn giáo


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6/2024 công bố báo cáo tự do tôn giáo năm 2023.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6/2024 công bố báo cáo tự do tôn giáo năm 2023.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước.

Các quan chức chính quyền ở các vùng khác nhau của đất nước bị xem là vẫn tiếp tục theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ, đe dọa và phân biệt đối xử tùy tiện đối với các cá nhân, một phần là do các các hoạt động của họ có liên quan đến đức tin hoặc tôn giáo của mình, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Các nguồn tin cho biết các nhân viên an ninh tỉnh Đắk Lắk xâm phạm thân thể hai người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành trong khi chính quyền thẩm vấn về tôn giáo của họ và mối liên hệ của họ với các tổ chức phi chính phủ mà chính quyền cho là có liên quan đến các vụ tấn công ở tỉnh này”, bản báo cáo tóm tắt viết.

Ở Tây Bắc và Tây Nguyên, những vị lãnh đạo đại diện cho cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký lẫn chưa đăng ký cho hay chính quyền thường xuyên sử dụng các phương pháp phi bạo lực hoặc ít hung hãn hơn trong cách đối xử với các nhóm tôn giáo so với những năm trước, chẳng hạn như triệu tập đại diện họp định kỳ, hoặc đe dọa hoặc xử phạt hành chính để gây áp lực buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của chính quyền, bao gồm cả việc đăng ký và chấm dứt các cuộc tụ tập bị coi là bất hợp pháp, vẫn theo báo cáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký nói rằng chính quyền đã gây áp lực cho các nhóm tôn giáo được công nhận để nhóm này can thiệp vào công việc nội bộ của các nhóm chưa đăng ký”.

“Các nhà bảo vệ nhân quyền nói rằng chính quyền địa phương ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên tiếp tục cưỡng ép các tín đồ Dương Văn Mình từ bỏ đức tin bằng cách đe dọa và hành hung họ”, vẫn theo báo cáo.

Trong khi đó, chính quyền địa phương ở một số vùng ở Tây Nguyên bị cho là “đã hăm dọa và đe dọa dùng bạo lực” đối với các thành viên của một số nhóm Tin Lành chưa đăng ký, những nhóm đã trình báo các vi phạm nhân quyền cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, hoặc vào dịp kỷ niệm các ngày quốc tế liên quan đến tự do tôn giáo, báo cáo cho biết thêm.

Vào tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk bắt giữ ông Y Krec Bya, một thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ chưa đăng ký và buộc tội ông “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Bộ luật Hình sự. Chính quyền địa phương cáo buộc ông thu thập và phổ biến thông tin “xuyên tạc”, “gây chia rẽ” giữa người dân với chính quyền và giữa các nhóm tôn giáo, báo cáo nêu ra một trong số các trường hợp bị trấn áp.

Ngày 18/5, chính quyền Phú Yên bắt giữ ông Nay Y Blang, cũng là thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ, và buộc tội ông “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Bộ luật Hình sự. Cơ quan công an địa phương cáo buộc ông truyền đạo và tiến hành các hoạt động tôn giáo “bất hợp pháp”, cùng nhiều cáo buộc khác.

Vào cuối tháng 7, chính quyền tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã bắt giữ ba người ủng hộ Phật giáo Khmer Krom với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, bao gồm Tô Hoàng Chương, Thạch Cương và Danh Minh Quang. “Ba người này đã lên tiếng báo động với cộng đồng quốc tế về việc chính quyền xâm hại quyền của họ và việc họ phổ biến các tài liệu quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số và tự do tôn giáo cho các thành viên cộng đồng”, báo cáo nhắc lại.

Phía Mỹ nhận định rằng chính quyền Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do đi lại hoặc quyền xuất cảnh của nhiều người ủng hộ tự do tôn giáo và đại diện của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký thông qua lệnh cấm xuất cảnh hoặc thu hồi hộ chiếu. Báo cáo dẫn trường hợp chính quyền Việt Nam vào hồi tháng 9 đã cấm xuất cảnh Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai, thuộc một nhóm Cao Đài độc lập và chưa đăng ký. Bà bị cấm đi ra nước ngoài để tham dự một cuộc hành hương tôn giáo.

“Các tín đồ [độc lập] bị vấn nạn là không thực hiện được quyền tôn giáo của mình tại Việt Nam. Mỗi lần đi thực hành tôn giáo thì nhà nước nói rằng nhóm nào không được công nhận thì không được thực thi sinh hoạt tôn giáo của mình”, bà Mai nêu ý kiến với VOA.

Vào tháng 12/2023, chính quyền An Giang kết án tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập Nguyễn Hoàng Nam 8 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”, cho rằng ông đăng tải các tài liệu “phá hoại chính sách tôn giáo hoặc đoàn kết dân tộc”.

Vào ngày 29/12/2023, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 đã được sửa đổi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, báo cáo nhắc lại.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn khẳng định rằng “mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Hôm 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận việc chính quyền Việt Nam phóng thích nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển hồi tháng 9/2023 nhờ “sự vận động không ngừng nghỉ” của bộ này.

“Ông Nguyễn Bắc Truyển được tự do và đoàn tụ với vợ ông. Ông là người đã đấu tranh không mệt mỏi trước việc bị giam giữ bất công ở Việt Nam”, Đại sứ Lưu động về tự do Tôn giáo Hoa Kỳ Rashad Hussain nói trong bài phát biểu ngày 26/6 khi công bố báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2023 sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Hà Nội phóng thích ông Truyển ngay khi lãnh đạo Việt Nam đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Truyển bị bắt hồi năm 2017 với tội danh “lật đổ chính quyền” và bị tuyên phạt 11 năm tù. Ông và vợ hiện đang tị nạn tại Đức.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG