Đường dẫn truy cập

‘Bắc Triều Tiên dùng tôi như con bài mặc cả chính trị’


Ông Kenneth Bae (giữa), người đã bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên từ năm 2012, đến khu căn cứ liên hợp Lewis-McChord ngày 8 tháng 11 năm 2014 sau khi được trả tự do trong một nhiệm vụ tối mật.
Ông Kenneth Bae (giữa), người đã bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên từ năm 2012, đến khu căn cứ liên hợp Lewis-McChord ngày 8 tháng 11 năm 2014 sau khi được trả tự do trong một nhiệm vụ tối mật.

Kenneth Bae, nhà truyền giáo người Mỹ bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên suốt hơn hai năm, cho biết Bình Nhưỡng đã tìm cách sử dụng ông như một con bài mặc cả chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Ban Tiếng Hàn Quốc của VOA vào thứ Sáu tuần trước, ông Bae mô tả chi tiết nỗi gian truân đã khiến ông trở thành người Mỹ bị Bắc Triều Tiên giam giữ lâu nhất kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Cựu tù nhân này sẽ phát hành một cuốn hồi ký có tựa đề "Not Forgotten: The True Story of My Imprisonment in North Korea" (Không bị quên lãng: Câu chuyện thật về việc tôi bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên) trong tuần này.

Ông Bae, 47 tuổi, một người sinh ra ở Hàn Quốc và nhập quốc tịch Mỹ, bị bắt ở Rason, một thành phố ở đông bắc Bắc Triều Tiên vào tháng 11 năm 2012 vì mang theo một ổ cứng máy tính có chứa những tài liệu truyền giáo của ông và một video ký sự về đất nước này. Ông Bae nói khi đó ông không biết mình đang mang những thứ này. Nhưng vài tháng sau đó Bắc Triền Tiên kết án ông 15 năm lao động khổ sai vì bị cáo buộc tìm cách lật đổ nhà nước.

Bản án khắc nghiệt

Ông Bae kể: "Ngay cả trước phiên tòa, họ nói với tôi bản án chẳng quan trọng gì mấy. Thay vào đó, họ nói cách chính phủ Mỹ hành xử sau phiên tòa là quan trọng nhất."

Việc tuyên án ông Bae diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng.

Nhà truyền giáo này kể: "Tôi có cảm giác căng thẳng đang gia tăng. Người Bắc Triều Tiên nói với tôi chiến tranh với Mỹ sắp xảy ra."

Ông Bae cho biết Bình Nhưỡng đã tìm kiếm một chuyến thăm của một nhân vật được nhiều người biết tiếng như một cựu tổng thống Mỹ hoặc một quan chức cấp bộ trưởng.

Ông Bae nói: "Họ không nêu tên một cá nhân cụ thể, nhưng nhiều lần nhắc tới việc phóng thích hai nữ ký giả hồi năm 2009 là một ví dụ."

Ông Kenneth Bae trao đổi với các phóng viên tại khu căn cứ liên hợp Lewis-McChord, Washington, ngày 8 tháng 11 năm 2014.
Ông Kenneth Bae trao đổi với các phóng viên tại khu căn cứ liên hợp Lewis-McChord, Washington, ngày 8 tháng 11 năm 2014.

Năm 2009 Bình Nhưỡng thả hai nhà báo người Mỹ bị giam giữ, Laura Ling và Euna Lee, sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton tới Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Il, lãnh tụ của Bắc Triều Tiên vào thời điểm đó.

Tìm kiếm chuyến thăm cao cấp

Ông Bae cho biết Bắc Triều Tiên đã buộc ông phải hối thúc chính phủ Mỹ để gửi đặc phái viên cao cấp bằng cách dàn dựng những cuộc phỏng vấn truyền thông hoặc những phiên chuẩn bị.

"Mỗi lá thư mà tôi gửi về cho gia đình đều bị kiểm duyệt trước. Tôi phải viết đi viết lại cho đến khi được chấp thuận," ông nói.

Bắc Triều Tiên nhiều lần tuyên bố họ sẽ không sử dụng ông Bae như một con bài mặc cả chính trị khi ông đang bị giam giữ.

Vào tháng 11 năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama phái James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia, là quan chức tình báo cấp cao nhất của Mỹ, tới Bình Nhưỡng. Sự kiện này dẫn đến việc ông Bae và một tù nhân người Mỹ Matthew Todd Miller được trả tự do.

Song đặc phái viên của Mỹ dường như không mang tới thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn.

Ông Bae kể lại: "Khi tôi gặp họ [phái đoàn Mỹ] lần đầu tiên, họ có vẻ không vui, và tôi cảm thấy biết ơn và hối tiếc vì những phiền toái mà hành động của tôi đã gây ra."

Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper làm chứng ở điện Capitol, Washington, ngày 09 tháng 2 năm 2016.
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper làm chứng ở điện Capitol, Washington, ngày 09 tháng 2 năm 2016.

Những nỗ lực trả tự do

Sau chuyến đi, ông Clapper nói rằng ông không biết liệu sứ mệnh của mình có thành công hay không.

Vị giám đốc tình báo nói: "Tôi hơi lo sợ, vì chúng tôi không chắc chuyện này sẽ diễn tiến như thế nào."

Ông Clapper nói về Bắc Triều Tiên: "Thật tình tôi nghĩ rằng họ thất vọng là tôi không mang tới sự đột phá."

Ông Bae cho biết ông đã phải lao động khắc nghiệt như bê đá hoặc xúc than và bị hăm dọa bằng lời nói dù ông không bị đánh đập hay tra tấn về thể chất trong khi bị giam cầm. Trong khi lao động khổ sai, sức khỏe của ông xấu đi. Ông bị đau lưng, tiểu đường và sỏi mật. Vào tháng 8 năm 2013, ông được đưa vào bệnh viện để dưỡng bệnh. Một tháng sau đó, Washington bí mật phái một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và một bác sĩ đến Bình Nhưỡng để kiểm tra tình hình sức khỏe của ông Bae và thương lượng trả tự do, theo lời ông Bae.

Ông Bae sinh ra tại Seoul và đến Mỹ cùng với gia đình vào năm 1985. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oregon và một chủng viện ở thành phố St. Louis, ông chuyển đến sống ở Trung Quốc để làm công tác truyền giáo. Năm 2010, ông thành lập một công ty nhỏ ở thành phố Đan Đông nằm ở biên giới Trung Quốc, chuyên phụ trách những tour du lịch Bắc Triều Tiên. Ông đã đến Bắc Triều Tiên 17 lần trước khi bị bắt giam.

Hiện tại Bắc Triều Tiên đang câu lưu hai công dân Mỹ về cáo buộc có những "hành động thù địch" chống nhà nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG