Trung Quốc đang sử dụng một đội tàu đánh cá để tiến hành tập trận trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Theo Reuters, những ngư dân được đào tạo quân sự đã được triển khai lên các tàu nhỏ từ đảo Hải Nam để thu thập thông tin các tàu lạ đi ngang khu vực Biển Đông.
Bài báo cho biết, các tàu được trang bị thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu - để có thể liên lạc với lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp – trong khi một số tàu mang theo vũ khí nhỏ.
Một cố vấn cho chính phủ Hải Nam nói với hãng Reuters rằng: “Lực lượng dân quân biển được mở rộng do nhu cầu của quốc gia, và bởi vì mong muốn của các ngư dân tham gia phục vụ đất nước, bảo vệ quyền lợi của tổ quốc”.
Người cố vấn giấu tên nói thêm rằng ngư dân được trả tiền để trải qua huấn luyện quân sự cơ bản, trong đó bao gồm các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai trên biển và “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”.
Chính quyền Hải Nam cũng trợ cấp ngư dân để khuyến khích họ sử dụng thuyền chắc chắn hơn với vỏ bằng thép thay vì thuyền gỗ.
Anh Huang Jing, một ngư dân địa phương ở thành phố cảng Baimajing, nơi có nhiều tàu đánh cá được trang bị vỏ thép, cho biết: “Có nhiều rủi ro hơn khi làm điều này với nhiều tàu nước ngoài ở ngoài khơi. Nhưng Trung Quốc bây giờ rất mạnh. Tôi tin chính phủ sẽ bảo vệ chúng tôi”.
Ông Chen Rishen, chủ tịch tập đoàn Jianghai, cho biết công ty tư nhân nhưng được nhà nước hỗ trợ của ông đưa những đội tàu vỏ thép lớn nặng hàng trăm tấn đánh cá gần quần đảo Trường Sa.
Ông Chen Rishen nói trong một cuộc phỏng vấn ở Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam: “Nếu một số tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và cố gắng ngăn cản chúng tôi đánh bắt cá ở đó… thì chúng tôi đóng vai trò bảo vệ chủ quyền”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói Trung Quốc không dùng đội tàu đánh cá để giúp thiết lập các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Bài báo được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên biển giữa một loạt các nước trong khu vực với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh đã xây dựng một số hòn đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa – gia tăng căng thẳng với Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn.
Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông, nơi có khoảng 5 tỉ đôla thương mại qua lại hàng năm, để thách thức yêu cầu chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều mối quan ngại quốc tế rằng sự thù địch đang tiếp diễn giữa Washington và Bắc Kinh trong khu vực có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột hải quân lớn.
Tuần trước, Trung Quốc đã từ chối cho tàu sân bay USS John C Stennis và 4 tàu hộ tống vào cảng Hong Kong với lý do chưa được xác định. Động thái này được đưa ra 2 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter chỉ trích chính sách Biển Đông của Bắc Kinh trong chuyến thăm tàu USS Stennis
Theo IBTimes, Reuters