Đường dẫn truy cập

Những vụ giết người tàn bạo đặt nghi vấn về truyền thống thế tục của Bangladesh


Người dân mang hình của nhà hoạt động sinh viên Nazimuddin Samad khi tham dự một cuộc biểu tình yêu cầu bắt giữ ba kẻ đi xe máy tấn công và bắn Samad cho đến chết, ở Dhaka, Bangladesh, ngày 08 tháng 4 năm 2016.
Người dân mang hình của nhà hoạt động sinh viên Nazimuddin Samad khi tham dự một cuộc biểu tình yêu cầu bắt giữ ba kẻ đi xe máy tấn công và bắn Samad cho đến chết, ở Dhaka, Bangladesh, ngày 08 tháng 4 năm 2016.

Một loạt những vụ sát hại tàn bạo những người có tư tưởng tự do, nhà học thuật, blogger, người nước ngoài và những nhóm thiểu số tôn giáo ở Bangladesh đã lan truyền nỗi sợ hãi sâu sắc ở nước này và nêu ra những câu hỏi đáng lo ngại về việc liệu những truyền thống thế tục của một nước Hồi giáo ôn hòa có đang bị những nhóm Hồi giáo cực đoan đe dọa hay không.

Tháng 4 là tháng đẫm máu nhất ở đất nước Nam Á này: năm vụ giết người rùng rợn nhắm vào một người đàn ông theo Ấn Độ giáo bị cáo buộc lăng mạ Tiên tri Mohammad, hai nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, một giáo sư đại học và một sinh viên luật chỉ trích chủ nghĩa cực đoan tôn giáo trên trang Facebook của mình. Những vụ sát nhân, thường là do những kẻ tấn công bằng mã tấu, bắt đầu với vụ chém chết một blogger vào năm 2013.

Những kẻ có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida đã nhận trách nhiệm đối với hầu hết những vụ tấn công, nhưng chính phủ cho biết những nhóm này không hiện diện ở Bangladesh và họ nói rằng thủ phạm là những nhóm chủ chiến ở trong nước.

Nhưng với hầu hết những vụ giết người chưa được giải quyết, không có chỉ dấu rõ ràng về những người đứng sau những vụ tấn công ngày càng táo tợn này. Mặc dù một số những tay hoạt vụ cấp thấp của những nhóm hiếu chiến đã bị bắt giữ, cảnh sát chưa đạt được tiến bộ trong việc xác định những người đang hoạch định những vụ tấn công. Gia đình của những nạn nhân phàn nàn về những cuộc điều tra chậm chạm và không hữu hiệu của cảnh sát.

Một sinh viên cầm bức hình chân dung Giáo sư Đại học A.F.M. Rezaul Karim Siddique trong một cuộc biểu tình chống lại việc giết hại ở Dhaka, Bangladesh, ngày 29 tháng 4 năm 2016.
Một sinh viên cầm bức hình chân dung Giáo sư Đại học A.F.M. Rezaul Karim Siddique trong một cuộc biểu tình chống lại việc giết hại ở Dhaka, Bangladesh, ngày 29 tháng 4 năm 2016.

Ông Ataur Rahman, người đứng đầu Hiệp hội Khoa học Chính trị của Bangladesh, cho biết:

"Chúng tôi đang trong tình cảnh bất định và tâm trí của chúng tôi thì rối bời, không biết tin ai. Chính phủ không cung cấp bất kỳ câu trả lời khả tín nào."

Mặc dù hầu hết những nhà phân tích an ninh tỏ ra hoài nghi về việc những nhóm thánh chiến toàn cầu đang thâm nhập quốc gia Hồi giáo 160 triệu dân này, họ cảnh báo rằng Bangladesh đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nhóm Hồi giáo cực đoan sinh sôi trong khi bầu không khí chính trị của nước này trở nên phân cực sâu sắc.

Ông Abdur Rashid, Thiếu tướng lục quân về hưu và là Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Xung đột, Pháp luật và Phát triển ở Dhaka, nói rằng những vụ tấn công của những nhóm chủ chiến địa phương nhắm mục tiêu gây nên hoảng loạn.

Ông Rashid cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy một mưu toan to lớn nhằm tạo ra tình trạng cực đoan hóa ở Bangladesh. Những nhóm Hồi giáo đó tìm cách thuyết phục người dân ở những vùng hẻo lánh nhân danh tôn giáo, và tìm cách khuyến khích họ theo đuổi lối sống đậm tính tôn giáo."

Một số nhà phân tích liên kết một loạt những vụ giết người này với một tòa án xét xử tội ác chiến tranh gây tranh cãi mà trong ba năm qua đã kết tội những nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng đối lập Jamaat-e-Islami về những hành động tàn bạo bị cáo buộc trong cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước vào năm 1971. Bốn chính khách đối lập cao cấp, trong đó có ba người của đảng của Jamaat-e-Islami đã bị hành quyết, gây nên sự phẫn nộ trong hàng ngũ đảng.

Ông Rashid cho biết trong số những nhóm địa phương đang bị điều tra về những vụ giết người có nhóm học sinh của đảng Jammat-e-Islami, gọi là Islami Chhatra Shibir.

Ông Rashid nói: "Sự áp dụng bạo lực này không phải là mới đối với triết lý chính trị của họ. Tôi hoài nghi việc họ có bao nhiêu động lực xuất phát từ tư tưởng."

Ông chỉ ra rằng hầu hết những mục tiêu không phải là những nhân vật được nhiều người biết tới, mà là những người bình thường với ít sự bảo vệ và dễ bị nhắm mục tiêu.

Sinh viên biểu tình yêu cầu bắt giữ 3 kẻ đi xe máy đã tấn công và bắn nhà hoạt động sinh viên Nazimuddin Samad đến chết khi anh này đang đi cùng bạn, ở Dhaka, Bangladesh, ngày 7 tháng 4 năm 2016.
Sinh viên biểu tình yêu cầu bắt giữ 3 kẻ đi xe máy đã tấn công và bắn nhà hoạt động sinh viên Nazimuddin Samad đến chết khi anh này đang đi cùng bạn, ở Dhaka, Bangladesh, ngày 7 tháng 4 năm 2016.

Jamaat-e-Islami không phải là đảng duy nhất bị gạt ra ngoài lề. Đảng đối lập chính của Bangladesh, Đảng Quốc đại Bangladesh, cũng bị cho ra rìa vào năm 2014 khi Thủ tướng Sheikh Hasina vẫn nắm giữ quyền lực sau khi phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử. Nhiều nhà lãnh đạo đối lập sau đó đã bị bắt giữ.

Ông Ataur Rahman hối thúc chính phủ cung cấp không gian chính trị cho phe đối lập. Ông nói:

"Chúng ta giờ thấy những dấu hiệu rất đáng lo ngại là những kẻ chủ chiến này sẽ chiếm không gian đó, lấp đầy khoảng trống. Có sự cai trị độc đoán mạnh tay dưới vỏ bọc dân chủ, và nền chính trị tự do mà Bangladesh có được trong ba thập niên qua, giờ không còn hoạt động nữa."

Ngoài việc đàn áp phe đối lập, những ngưởi chỉ trích cáo buộc chính phủ làm suy yếu văn hóa khoan dung của đất nước bằng việc không lên tiếng bênh vực mạnh mẽ những giá trị tự do và ôn hòa của những người bị những kẻ cực đoan Hồi giáo nhắm mục tiêu. Dù Thủ tướng Sheikh Hasina đã lên án những vụ giết người, bà cũng nói rằng mọi người nên xem chừng những gì họ nói và viết, và họ không có quyền lên tiếng chống lại những tín ngưỡng tôn giáo. Những quan chức khác cho rằng các blogger bị giết hại đã có lỗi vì viết về tôn giáo.

Ông Srinath Raghavan, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, đã viết một cuốn sách về Bangladesh. Ông chỉ ra rằng một lập trường như vậy chắc chắn là không nhất quán với hiến pháp thế tục của đất nước.

Ông Raghavan cho biết: "Tôi thấy nói như vậy là đặc biệt sai lầm trong bối cảnh này vì nó không ít thì nhiều cho phép kiểu hành vi mà chúng ta thấy đang diễn ra vào lúc này. Tất cả việc này với tôi có vẻ như vừa làm cho tình hình phức tạp thêm vừa làm loãng đi những nguyên tắc vốn đang gặp nguy."

Ở một đất nước có truyền thống lành mạnh là dung chấp những nhóm thiểu số tôn giáo và dành chỗ đứng cho những giá trị tự do, một số vụ giết người đã đưa tới những cuộc biểu tình trên đường phố, nhưng bầu không khí sợ hãi đã khiến một số nhà hoạt động xã hội dân sự nói rằng họ sẽ thận trọng trong những ngày tới.

Những nhà phân tích an ninh cho biết có những mối lo ngại đang gia tăng là Bangladesh có thể trở thành một chiến trường mới cho những nhóm Hồi giáo cực đoan quốc tế trong khi chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy ở nước này. Họ chỉ ra rằng Nhà nước Hồi giáo đã viết một bài có tựa đề "Sự hồi sinh của thánh chiến ở Bengal" trong ấn bản trực tuyến của mình vào năm ngoái và vào năm 2014, lãnh đạo al-Qaida Ayman al-Zawahiri đã đưa ra lời kêu gọi đưa Bangladesh vào hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG