Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh: Hà Nội ‘không có quyền’ bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá trên Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói Việt Nam "không có quyền" bình luận về lệnh đánh bắt cá mới được Bắc Kinh ban hành mà Hà Nội gọi là "quyết định đơn phương" trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói Việt Nam "không có quyền" bình luận về lệnh đánh bắt cá mới được Bắc Kinh ban hành mà Hà Nội gọi là "quyết định đơn phương" trên Biển Đông.

Trung Quốc phản pháo lại sự chống đối của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá mà Hà Nội gọi là “đơn phương” mới được Bắc Kinh ban hành cho hơn ba tháng mùa hè.

Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 tuyên bố rằng Việt Nam “không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc.”

Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra 3 ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối “quyết định đơn phương” của Trung Quốc. Bà Hằng hôm 8/5 đề nghị phía Trung Quốc “không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.”

Lệnh cấm của Bắc Kinh có hiệu lực trong vòng 3 tháng rưỡi, từ ngày 1/5 cho đến 16/8, và lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn “mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.”

Lệnh cấm này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế vào đại dịch virus corona để bành trướng trên Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm vừa được ban hành áp dụng cho vùng hải lý phía bắc trên vĩ tuyến 12 của biển Nam Trung Hoa – tức Biển Đông. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cấm.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 8/5 cho rằng ngư dân Việt Nam “hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Tuy nhiên, ông Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 11/5 rằng không thể tranh cãi về việc Tây Sa – mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Người phát ngôn này nhấn mạnh rằng việc tiến hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp lệ của Trung Quốc nhằm thực hiện các quyền hành chính và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp. Theo ông Triệu, biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và sự phát triển bền vững trên Biển Đông.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng Việt Nam “không nên khuyến khích ngư dân của mình vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thuỷ sản” trên Biển Đông.

Theo Tuổi Trẻ, Hội Nghề cá Việt Nam vào tuần trước đã gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ sở khác để “kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG