Một tàu chụp mực của ngư dân Quảng Nam vừa bị tàu Trung Quốc chặn và cướp đi 2 tấn mực khô ở Biển Đông sau khi đe dọa sẽ “cắt lưới, lấy hết tài sản và lai dắt tàu về Trung Quốc” nếu tái phạm.
Sự việc xảy ra trong thời gian lệnh cấm đánh cá hằng năm của Trung Quốc đang có hiệu lực (1/5-16/8) trong khu vực Biển Đông.
Theo tường thuật của báo Thanh Niên ngày 7/6, tàu chụp mực mang số hiệu Qna 91441 của ngư dân Trần Văn Nhân, 42 tuổi, tỉnh Quảng Nam, vừa bị một tàu nước ngoài “nghi là tàu Trung Quốc” khống chế và cướp đi 2 tấn mực khô trong giờ nghỉ trưa ngày 2/6 khi đang hoạt động ở khu vực thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa.
Theo lời kể của ngư dân này, 6 người trên con tàu “mang số hiệu và treo cờ Trung Quốc”, trong đó có 1 người nói tiếng Việt, đã thả bo bo và tiếp cận tàu của ông, không chế 10 thuyền viên, bắt họ khai tên, tuổi, nơi ở, sau đó ra lệnh cho họ phải mở hết hầm cá và hầm mực ra để kiểm tra. Tuy nhiên, do cá “thúi quá”, theo lời một ngư dân, nên nhóm người này không lấy mà chỉ lấy đi hơn 2 tấn mực đã phơi khô để trong hầm.
Sau khi cướp hải sản, nhóm người trên yêu cầu các ngư dân Việt Nam không được đánh bắt tại vùng biển này nữa, và đe dọa nếu vi phạm lần thứ hai, “thì sẽ cắt hết lưới và lấy hết tài sản và sau đó sẽ lại dắt tàu về Trung Quốc”, ngư dân Nhân nói với báo Thanh Niên.
Tin cho hay trị giá của 2 tấn mực khô vào khoảng 250 triệu đồng, nhưng thiệt hại chung do chuyến đi gặp trở ngại có thể cao hơn gấp đôi.
Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm trên Biển Đông trong suốt 20 năm qua, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 chính thức lên tiếng phản đối và bác bỏ lệnh cấm và nói rằng lệnh cấm này “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
Ngoài ra, các tỉnh có ngư dân đánh cá ở Biển Đông như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… cũng tuyên bố lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc là “không có giá trị” và khuyến khích ngư dân “bám biển”, tiếp tục thực hiện hoạt động đánh bắt như thường lệ tại các ngư trường truyền thống trong khu vực.