Đường dẫn truy cập

Bạo động chết người tại trung tâm tạm giữ người tị nạn ở Papua New Guinea


Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ phản đối đảng Lao động Úc trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Syney.
Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ phản đối đảng Lao động Úc trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Syney.
Các giới chức Australia cho biết một người xin tị nạn thiệt mạng và ít nhất 77 người khác bị thương trong một vụ bạo động lần thứ nhì trong tuần lễ này tại một trung tâm giam giữ ở Papua New Guinea.

Vụ này nêu lên điều một số nhà hoạt động nói là những điều kiện không an toàn tại một trại hẻo lánh ở đảo Manus, nơi những người tầm trú tìm cách đến Australia bị gởi đến đây để thanh lọc.

Bộ trưởng Di trú Australia Scott Morrison nói xáo trộn bắt đầu sau khi những người xin tị nạn được cho biết là họ có thể phải tái định cư tại quốc gia Papua New Guinea nghèo khổ.

Ông Morrison gọi vụ này là một “thảm họa lớn” nhưng đổ lỗi cho những người xin tị nạn tìm cách bỏ trốn khỏi trại.

Ông Morrisson nói: "Nếu mọi người chọn cách trốn khỏi trung tâm này thì họ tự đặt mình vào một tình trạng gặp nhiều nguy cơ, và trong một khung cảnh như thế này nơi những hành vi bạo động của những người tìm cách vượt hàng rào bao quanh và ra khỏi trung tâm gây ra tình trạng mất trật tự thì luôn luôn gặp nhiều nguy hiểm."

Một số tổ chức nhân quyền không đồng ý với luận điểm này. Ủy ban Hành động Người tị nạn nói dân làng địa phương vũ trang bằng mã tấu, ống thép, gậy, đá, đã xông vào trung tâm và tấn công những người xin tị nạn.

Nhà thầu an ninh Anh G4S, bảo vệ trung tâm, phủ nhận những cáo buộc đó, nói rằng những người xin tị nạn không rời khỏi trung tâm vì bị dân địa phương tấn công.

35 người xin tị nạn đã trốn khỏi trung tâm hồi tuần trước. Nhiều người trong số đó đã bị bắt lại.

Theo một chính sách nhằm ngăn chặn làn sóng những người tầm trú, chính phủ bảo thủ của Australia đã gởi những người tìm cách đến nước này bằng thuyền đến những trại hẻo lánh, hoặc trên đảo Manus hoặc trên đảo quốc nhỏ bé Nauru nằm trên Thái Bình Dương.

Liên hiệp quốc và những tổ chức nhân quyền gọi những trại này là khắc nghiệt và giam giữ dài hạn tại những trại như thế là vô nhân đạo.

Australia nói chính sách này cần thiết để chặn đứng tình trạng nhiều người trả tiền cho những tay đưa lậu người để vượt biển một cách không an toàn, hường là trên những chiếc thuyền mong manh dễ bị chìm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG