Nhà lãnh đạo dân sự mới của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ công du Mỹ vào tuần sau trong lúc Washington cân nhắc dỡ bỏ hoặc giảm nhẹ thêm những biện pháp trừng phạt nhắm vào quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo chuyến thăm này tại Lào ngày thứ Ba. Ông cho biết bà Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel Hòa bình, sẽ có mặt tại Washington vào ngày 14 và 15 tháng 9.
Chuyến đi thăm Washington là nhằm củng cố vị thế của bà trên trường quốc tế là nhà lãnh đạo chính phủ trên thực tế của Myanmar. Dù giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi bị cấm làm tổng thống theo quy định của hiến pháp do chính quyền quân sự cũ soạn thảo. Thay vào đó bà làm bộ trưởng ngoại giao và đã đặt ra một chức vụ mới là cố vấn nhà nước.
Ông Obama dự kiến sẽ quyết định mức độ giảm nhẹ chế tài sau khi tham khảo ý kiến bà Aung San Suu Kyi xem bà muốn Washington nới lỏng bao nhiêu áp lực lên quân đội đầy quyền thế của Myanmar. Bà Suu Kyi, biểu tượng dân chủ của Myanmar, đã giúp thuyết phục Mỹ áp đặt chế tài lên chính quyền do quân đội lãnh đạo trong những năm bà bị giam cầm khi còn là lãnh tụ phong trào đối lập.
Bà đang cố gắng cho đất nước bà thấy được những lợi ích về kinh tế của tiến trình chuyển tiếp dân chủ trong khi duy trì áp lực lên giới lãnh đạo quân sự của nước này để thực hiện thêm cải cách nữa.
Một số tổ chức nhân quyền như Theo dõi Nhân quyền chống đối việc nới lỏng chế tài đối với Myanmar cho đến khi có bằng chứng cho thấy tiến trình chuyển tiếp dân chủ không thể đảo ngược được.
Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Myanmar để giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á. Washington cũng muốn giúp những doanh nghiệp của Mỹ thâm nhập một trong những "thị trường biên cương" cuối cùng của thế giới. Đó là những nền kinh tế đang lớn mạnh nhanh chóng nhưng vẫn còn kém phát triển.