Nhà lãnh đạo Myanmar, Cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi, đã gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ sáu để thảo luận về tương lai của các quan hệ giữa hai nước.
Ông Tập nói ông hy vọng chuyến đi 5 ngày tới thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi sẽ củng cố mối quan hệ song phương, vốn đã bị tổn hại trong bối cảnh Myanmar đang đẩy mạnh các cải cách dân chủ và làm trì chậm các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Myanmar.
Trong một cuộc họp tại một nhà khách của chính phủ ở phía Tây Bắc Kinh, ông Tập nói: “Trung Quốc đặt nặng tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Myanmar. Chúng ta nên đi theo đúng hướng để thúc đẩy tiến bộ mới trong các quan hệ song phương và mang lại những lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước.”
Theo dự kiến một dự án xây đập có kinh phí lên tới 3,6 tỉ đôla ở miền Bắc Myanmar đã bị người tiền nhiệm của bà Suu Kyi, ông Thein Sein, đình chỉ vào năm 2011, sẽ là đề tài chủ yếu trong cuộc đối thoại giữa hai bên trong chuyến đi thăm của lãnh đạo Myanmar.
Từ khi bà Suu Kyi được bổ nhiệm vào chức vụ hiện tại vào tháng Tư, các giới chức Trung Quốc đã hối thúc bà hãy tái tục việc xây đập, nhưng dự án này vẫn vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe đối lập trong nước.
Bà Aung San Suu Kyi nói rằng “cả hai bên đang đẩy mạnh các quan hệ và đào sâu sự hiểu biết và tình hữu nghị” trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc, nhưng sau đó bà nói với các nhà báo rằng bà không có tin gì mới liên quan tới Đập Myitsone.
Chuyến đi thăm Bắc Kinh lần này là sứ mệnh ngoại giao quan trọng đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà đắc thắng trong một cuộc bầu cử lịch sử hồi năm ngoái. Cuộc bầu cử mà cuối cùng đã chấm dứt chế độ cai trị hà khắc của tập đoàn quân sự Myanmar kéo dài suốt 5 thập niên.
Khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi không được làm tổng thống theo hiến pháp do quân đội soạn thảo, nhưng bà đang nắm nhiều chức vụ quan yếu, kể cả chức Cố vấn Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao.