Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày ở Ấn Độ, nơi ông ký một số các thỏa thuận trong những lãnh vực quan trọng. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha gởi về bài tường thuật.
Vào ngày 12/12, Ấn Độ và Nhật Bản đã nêu bật các mối quan hệ nồng ấm với một thỏa thuận cho phép Tokyo xây tuyến xe lửa cao tốc đầu tiên của Ấn Độ, ký những hiệp ước quốc phòng mở đường cho Nhật Bản bán vũ khí cho Ấn Độ, và những tiến bộ về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân dụng.
Những thỏa thuận này được loan báo tiếp sau một cuộc họp giữa ông Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ một mối quan hệ thân thiết, và những sự hợp tác về kinh tế và chính trị giữa hai quốc gia đã được tăng tiến mạnh mẽ kể từ khi ông Modi lên cầm quyền vào năm ngoái.
Ông Abe mô tả những thỏa thuận là sự báo trước của một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước.
Ông Abe nói: “Một nước Ấn Độ hùng mạnh có lợi cho Nhật Bản và một nước Nhật hùng mạnh có lợi cho Ấn Độ, đây là niềm tin căn bản của tôi.”
Nhật Bản sẽ cấp 12 tỉ đô la để xây tuyến xe lửa cao tốc nối liền thành phố Mumbai và Ahmedabad ở miền tây Ấn Độ. Ông Modi trông cậy vào Tokyo để bơm tiền vào hạ tầng cơ sở của Ấn Độ.
Ông Modi cho biết: “Việc này sẽ khởi động cuộc cách mạng hoả xa tại Ấn Độ và tăng tiến cuộc hành trình vào tương lai của Ấn Độ.”
Theo hai thỏa thuận quốc phòng được ký kết, hai bên sẽ chia sẻ công nghệ, trang bị và tin tức quân sự. Hai hiệp ước này sẽ giúp Nhật Bản bán cho Ấn Độ thủy phi cơ US-2, một thỏa thuận mà hai bên đã thương thuyết trong 2 năm. Nếu việc này được thực hiện, đây có thể là vụ bán vũ khí đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi ông Abe thu hồi lệnh cấm xuất khẩu trang bị quốc phòng vào năm 2014.
Ông Modi nói hai thỏa thuận này sẽ làm cho những mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước sâu rộng thêm.
Bản ghi nhớ về năng lượng hạt nhân dân sự vừa được ký kết cũng được xem như là Tokyo đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với New Delhi, nhưng các giới chức nói thỏa thuận chung cuộc chỉ sẽ được ký sau khi những chi tiết kỹ thuật được hoàn tất. Nhật Bản rõ ràng hiện đang tìm sự bảo đảm không phổ biến vũ khí hạt nhân trước khi xuất khẩu những lò phản ứng hạt nhân cho New Delhi. Ấn Độ là nước không ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Ấn Độ nói: “Tôi biết tầm quan trọng của quyết định này đối với Nhật Bản và đảm bảo với Ngài rằng Ấn Độ tôn trọng quyết định này và sẽ tôn trọng những cam kết chúng ta cùng chia sẻ.”
Các nhà phân tích xem mối quan hệ ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Nhật Bản nằm trong khuôn khổ của nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc mà cả hai nước đều có tranh chấp lãnh thổ.
Khi đến Ấn Độ ngày 11/12 vừa qua, Thủ tướng Abe nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những mối quan hệ an ninh ngày càng tăng giữa hai nước khi ông viết một bài xã luận trên báo Times of India nói rằng “để giữ được một vùng biển rộng mở, tự do và hòa bình, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, là một việc rất quan trọng.”
Năm nay, Ấn Độ đã mời Nhật Bản tham dự cùng với Hoa Kỳ trong những cuộc tập trận trên Ấn Độ Dương, bất chấp những phản đối của Bắc Kinh.
Khi được hỏi tại sao Ấn Độ đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, ông Modi nói: “Không có nước bạn nào quan tâm nhiều đến những ước mơ kinh tế của Ấn Độ hơn là Nhật Bản và tôi không thể nghĩ đến một đối tác chiến lược có thể thực hiện những ảnh hưởng sâu rộng hơn trong việc hình thành tương lai châu Á và những mối quan hệ về những vùng biển hơn là giữa chúng ta.”