Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã họp với các nhà lãnh đạo của hơn 50 nước Phi châu để thảo luận về những cách thức nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng y tế của châu lục này. Theo tường thuật của thông tín viên Jessica Berman của đài VOA, hội nghị này cũng bàn tới việc Ấn Độ tăng cường hoạt động xuất khẩu thuốc gốc sang Phi châu, là nơi rất cần những loại dược phẩm giá rẻ.
Các nước đang phát triển ở Phi châu đang ra sức để chiến đấu chống lại nhiều chứng bệnh truyền nhiễm khác nhau, từ tiêu chảy, sốt rét cho tới HIV.
Hầu hết những loại thuốc gốc, giá rẻ, dùng để kháng vi rút mà những người nhiễm HIV ở Phi châu sử dụng là thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ.
Công nghiệp dược phẩm Ấn Độ, vốn đứng đầu thế giới trong việc sản xuất và xuất khẩu các loại thuốc đã hết hạn bảo vệ quyền sở hữu trí thức, cũng có thể thỏa mãn nhu cầu thuốc men cho các loại bệnh tật khác.
Giá thành của các loại thuốc gốc thấp hơn rất nhiều so với thuốc hiệu. Theo ước tính của một số chuyên gia, xuất khẩu thuốc gốc mang lại 15 tỉ đô la cho kinh tế Ấn Độ mỗi năm.
Nhưng các nhà điều tra đã phát giác những công xưởng sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn. Đây là những loại thuốc nguy hiểm vì có chứa các chất độc hại hoặc nguy hiểm chỉ vì không có tác dụng chữa trị.
Ông Roger Bate, một nhà kinh tế học y tế của Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết những loại thuốc sốt rét giả đã tràn vào Phi châu và ông e rằng sẽ có thêm những loại thuốc giả khác xuất hiện ở Phi châu.
Ông Bate nói: "Dường như Ấn Độ chia thị trường của họ ra nhiều phần khác nhau. Thường thì họ bán những dược phẩm có phẩm chất tốt hơn sang các nước như Hoa Kỳ và những loại thuốc bị loại bởi hệ thống kiểm soát chất lượng thì họ bán sang các nước nghèo hơn, nhất là những nước ở Phi châu".
Bà Gaurvika Nayyar, một nhà tư vấn về y tế toàn cầu, xác nhận là những loại thuốc nhái hoặc thuốc thiếu chất lượng đang được xuất khẩu sang các nước nghèo.
Bà cho biết bà đã đến thăm một số công xưởng sản xuất những loại thuốc này, nhưng bà nói rằng biết được sự tồn tại của vấn đề và giải quyết vấn đề là hai việc khác nhau.
//Nayyar//
Bà Nayyar cho biết: "Quí vị có thể thấy là có những em bé mua thuốc nhái ở chợ về dùng rồi chết, và đó chính là điều thúc đẩy tôi làm việc về vấn đề này. Nhưng làm thế nào để chúng ta chuyển điều đó thành chính sách và hành động để chúng ta có thể thật sự giải quyết vấn đề? Đó chính là nơi mà tôi nghĩ rằng nghĩ rằng toàn bộ cỗ máy bị mắc kẹt".
Bà Nayyar nói rằng những mẫu thuốc lấy từ thị trường đã được xét nghiệm để xác định sự thuần khiết và tác dụng. Nhưng bà cho biết rất khó để truy tìm nguồn gốc của những loại thuốc giả, thuốc nhái.
Hầu hết các nhà sản xuất thuốc gốc là những người làm ăn lương thiện và những nước nhập khẩu thuốc gốc không muốn làm cho ai bị tổn hại.
Nhưng bà Bate nói rằng các giới chức y tế ở những nước nghèo phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Bà Bate cho biết: "Như quí vị biết, phản ứng tức thời khi có người bị nguy hiểm sau khi dùng thuốc là chúng ta phải tẩy chay sản phẩm đó. Nhưng thực tế là điều đó rất khó thực hiện vì nếu làm như vậy thì tình trạng khan hiếm trầm trọng sẽ xảy ra".
Các chuyên gia cho biết những nước ở Phi châu cũng muốn tự sản xuất các loại thuốc gốc – vừa để phát triển kinh tế, vừa để có được những loại thuốc cần thiết để cứu mạng cho người dân của họ.