Đường dẫn truy cập

Người Hồi giáo ở Ấn Độ biểu tình chống IS


Người Hồi giáo Ấn Độ biểu tình chống Nhà nước Hồi giáo ở Kolkata, ngày 5/12/2015.
Người Hồi giáo Ấn Độ biểu tình chống Nhà nước Hồi giáo ở Kolkata, ngày 5/12/2015.

Những người theo Hồi giáo ở Ấn Độ mới đây đã tổ chức những cuộc biểu tình tại nhiều thành phố để bày tỏ sự chống đối của họ đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Họ nói rằng Nhà nước Hồi giáo là “phi Hồi giáo” và là “kẻ thù của đạo Hồi.” Theo tường thuật của thông tín viên Shaik Aizur Rahman của đài VOA tại Kolkata, những cuộc biểu tình diễn ra sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo đe dọa nới rộng hoạt động sang Ấn Độ.

Theo tường thuật của nhật báo The Indian Express, một tuyên ngôn mới đây của Nhà nước Hồi giáo nói rằng họ “sẽ bắt đầu nới rộng hoạt động ra khỏi Iraq và Syria để tới Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Afghanistan” và nhiều nước khác.

Tuyên ngôn với nhan đề “những lá cờ đen của Nhà nước Hồi giáo” thúc giục những người theo đạo Hồi ở Ấn Độ phát động một cuộc thánh chiến chống lại chính phủ nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Bharatiya Janata, là đảng mà họ cho là của “những người theo Ấn Độ giáo có chủ trương dân tộc cực đoan.”

Thứ trưởng Nội vụ Ấn Độ, ông Haribhai Parthibhai Chaudhary, cho biết chính phủ sẽ ứng phó một cách nghiêm túc với mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo. Tháng trước, Bộ Nội vụ đã ban hành một lệnh cảnh báo cho các tiểu bang về việc có thể xảy ra những vụ tấn công khủng bố do Nhà nước Hồi giáo hỗ trợ tại Ấn Độ.

Tại một cuộc mít tinh ở New Dehli hôm 3/12, những người Hồi giáo đã chấp thuận một nghị quyết để cam kết ủng hộ lập trường cứng rắn của chính phủ chống Nhà nước Hồi giáo. Những người theo đạo Hồi, thuộc cả hai phái Shia và Sunni, đã tham gia cuộc biểu tình cùng với các nhà ngoại giao của Syria, Iran, Iraq, Nga và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo khác ở Ấn Độ.

Ông Bilal Hussain, một người Hồi giáo Shia trong ban tổ chức, phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:

"Chúng tôi, những người Hồi giáo ở Ấn Độ, đã đánh dấu ngày 3 tháng 12 là Ngày Chống khủng bố. Với sự hiện diện của hơn 350.000 người chúng tôi đã chấp thuận nghị quyết này. (Đó là) Chúng tôi, những người Hồi giáo ở Ấn Độ, sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo."

Những cuộc biểu tình bùng ra sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo đe dọa nới rộng hoạt động sang Ấn Độ.
Những cuộc biểu tình bùng ra sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo đe dọa nới rộng hoạt động sang Ấn Độ.

Tại Kolkata hôm 5/12, những tín đồ đạo Hồi đã tổ chức một cuộc biểu tình để lên án Nhà nước Hồi giáo, trong đó họ giương cao những biểu ngữ như “Nhà nước Hồi giáo no say bằng máu của người Hồi giáo” và “Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù của đạo Hồi và của người Hồi giáo.”

Ông Zafarul-Islam Khan, Chủ tịch Liên hội Hồi giáo Toàn quốc, nói với đài VOA rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo không liên hệ gì tới đạo Hồi.

Ông Khan nói: “Chắc chắn là không có sự khoan dung nào đối với những nhóm khủng bố như vậy trong cộng đồng Hồi giáo. Họ tuyên bố là họ hành động nhân danh đạo Hồi. Nhưng đạo Hồi không tán thành chủ nghĩa khủng bố.”

Theo một bản báo cáo của Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong 3 năm qua, sau khi Nhà nước Hồi giáo phát động một chiến dịch mạnh mẽ trên truyền thông xã hội để tranh thủ sự ủng hộ, 23 thanh niên Hồi giáo ở Ấn Độ đã tới Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ của nhóm khủng bố này.

Trong hai năm qua, các giáo sĩ Hồi giáo và các nhà lãnh đạo cộng đồng trên khắp nước đã lên án Nhà nước Hồi giáo và cho rằng đó là một nhóm khủng bố. Tháng 9 vừa qua, các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Ấn Độ đã ban hành hai giáo chỉ để lên án những hành động của Nhà nước Hồi giáo là đi ngược với giáo lý của đạo Hồi.

Trong những tháng gần đây, trong những bài thuyết giảng tại các đền thờ Hồi giáo ở Ấn Độ, các tín đồ được khuyên là phải tránh xa nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông Aziz Mubarki, một người tham gia cuộc biểu tình ở Kolkata, nằm trong số những nhà lãnh đạo Hồi giáo tin rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo không thể thành công trong mưu toan nới rộng mạng lưới sang Ấn Độ.

Ông Mubarki cho biết: “Ấn Độ là một nước lớn và có tới 200 triệu tín đồ Hồi giáo. Chỉ có khoảng 1 phần triệu trong số này gia nhập Nhà nước Hồi giáo, nếu các số liệu của Bộ Nội vụ của nước tôi là thật sự chính xác. Rõ ràng là người Hồi giáo ở Ấn Độ không hề hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm ở Trung Đông này.”

Ông Mubarki, hiện giữ chức Tổng thư ký Hội đồng Giáo sĩ Nam Á, nói rằng đó chính là lý do thủ tướng Narendra Modi và bộ trưởng nội vụ Ấn Độ nói rằng người Hồi giáo ở Ấn Độ không ủng hộ những nhóm như al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo.

Những người theo đạo Hồi, thuộc cả hai phái Shia và Sunni, đánh dấu ngày 3 tháng 12 là Ngày Chống khủng bố tại một cuộc mít-tinh ở New Delhi.
Những người theo đạo Hồi, thuộc cả hai phái Shia và Sunni, đánh dấu ngày 3 tháng 12 là Ngày Chống khủng bố tại một cuộc mít-tinh ở New Delhi.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN năm ngoái, Thủ tướng Modi nói al-Qaida sẽ thất bại nếu họ muốn nới rộng mạng lưới sang Ấn Độ vì họ sẽ không nhận được sự ủng hộ nào từ người Hồi giáo Ấn Độ, những người mà ông nói là “sẵn sàng bỏ mình vì Ấn Độ.” Tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh nói rằng người Hồi giáo Ấn Độ là những người yêu nước và vì thế mà Nhà nước Hồi giáo đã không gây ảnh hưởng tới họ được.

Ông Ajai Sahni, Giám đốc Viện Xử lý Xung đột ở New Dehli, cho biết ông không xem Nhà nước Hồi giáo là một mối đe dọa đối với Ấn Độ trong tình hình hiện nay.

Ông Sahni phát biểu: “Nhà nước Hồi giáo đã đưa ra nhiều thông cáo về Ấn Độ từ tháng 6 năm 2014, kể cả việc bao gồm khu vực Khorasan trong bản đồ về những phần đất trên thế giới mà họ cho là sẽ bị họ chế ngự và việc đề cập tới Ấn Độ trong tuyên ngôn mới đây nhất. Tác động của những việc này có thể nói là zero, giống như tác động của những cử chỉ mời mọc của al-Qaida đối với người Hồi giáo Ấn Độ trong 19 năm nay.”

Mặc dầu vậy, ông Sahni cũng nói rằng cần phải đề cao cảnh giác với mối rủi ro xảy ra những vụ tấn công khủng bố của nhóm này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG