Đường dẫn truy cập

Ấn Độ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về đập thủy điện ở Tây Tạng


Đập thủy điện Zangmu tại quận Gyaca ở Lhoka, Tây Tạng (ảnh chụp ngày 23/11/2014).
Đập thủy điện Zangmu tại quận Gyaca ở Lhoka, Tây Tạng (ảnh chụp ngày 23/11/2014).

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 3/1 cho biết New Delhi đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về kế hoạch của Trung Quốc xây dựng đập thủy điện ở Tây Tạng trên sông Yarlung Zangbo chảy vào Ấn Độ.

Các quan chức Trung Quốc cho biết các dự án thủy điện ở Tây Tạng sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc nguồn cung cấp nước hạ lưu nhưng Ấn Độ và Bangladesh vẫn nêu quan ngại về con đập này.

Sông Yarlung Zangbo trở thành sông Brahmaputra khi ra khỏi Tây Tạng chảy về phía nam vào các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ và cuối cùng là vào Bangladesh.

“Phía Trung Quốc đã được thúc giục đảm bảo rằng lợi ích của các bang hạ lưu sông Brahmaputra không bị tổn hại bởi các hoạt động ở các khu vực thượng nguồn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal phát biểu trong cuộc họp báo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình”, ông nói.

Việc xây dựng đập, vốn là con đập lớn nhất thế giới loại này với công suất ước tính là 300 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm, đã được chấp thuận vào tháng trước.

Ông Jaiswal cho biết New Delhi cũng đã “nghiêm túc phản đối” Bắc Kinh về việc thành lập hai quận hạt mới - một trong số đó bao gồm một vùng tranh chấp mà Ấn Độ cũng có tuyên bố chủ quyền - vào tháng trước.

“Việc thành lập các quận hạt mới này sẽ không ảnh hưởng đến lập trường lâu đời và nhất quán của Ấn Độ về chủ quyền của chúng tôi đối với khu vực này cũng như không hợp pháp hóa việc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp và cưỡng bức khu vực này”, ông nói.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, vốn căng thẳng sau cuộc đụng độ quân sự chết người trên biên giới tranh chấp của họ vào năm 2020, đã được cải thiện kể từ khi đôi bên đạt được thỏa thuận vào tháng 10 năm ngoái để rút quân khỏi hai điểm đối đầu cuối cùng ở phía tây dãy Himalaya.

Hai đội quân đã rút lui sau thỏa thuận và các quan chức cấp cao đã tổ chức các cuộc đàm phán chính thức lần đầu tiên sau năm năm vào tháng trước, nơi họ đồng ý thực hiện các bước nhỏ để cải thiện quan hệ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG