Đường dẫn truy cập

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong​-Lan Thương lần 2 ở Pnom Penh


Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai bên trái), chụp chung với Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa), Thủ Tướng Thái Lan Chan-0-cha (trái), Thủ Tướng Hun Sen (thứ nhì bên phải) và Thủ Tướng Lào Thongloun Sisolith (phải) tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần Hai.
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai bên trái), chụp chung với Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa), Thủ Tướng Thái Lan Chan-0-cha (trái), Thủ Tướng Hun Sen (thứ nhì bên phải) và Thủ Tướng Lào Thongloun Sisolith (phải) tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần Hai.

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần 2 có chủ đề “Dòng sông hòa bình của chúng ta và phát triển bền vững” vừa diễn ra ở thủ đô Pnom Penh của Campuchia.

Chủ trì hội nghị là Thủ Tướng nước chủ nhà Hun Sen và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc, nước sáng lập ra diễn đàn này.

Đến dự hội nghị cấp cao còn có lãnh đạo các nước Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Trung Quốc thành lập diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương vào năm 2015 với mục tiêu được nêu ra là “cổ vũ cho việc phát triển bền vững dòng sông, và cải thiện đời sống của hàng triệu người sinh sống trong tiểu vùng sông Mekong”.

Diễn đàn này được coi như để cạnh tranh với Ủy hội Sông Mekong vốn đã hiện hữu từ hơn 60 năm nay, nhưng không có sự góp mặt của Trung Quốc và Myanmar. Ủy hội Sông Mekong quốc tế gồm 4 nước: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, được thành lập vào ngày 5 tháng 4 năm 1995 với việc ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Theo hãng tin AP, đa số các chuyên gia đều đồng ý rằng kiểm soát được thủy lộ sông Mekong có nghĩa là kiểm soát dược phần lớn nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Chính vì lý do này mà nhiều nhà quan sát nhận định rằng trong tương lai,

Sông Mekong có nguy cơ trở thành điểm nóng giữa ASEAN và Trung Quốc trong tương lai, sau tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Bản đồ Campuchia và Vietnam. Lưu vực sông Mekong nằm ở điểm cực nam của hai nước.
Bản đồ Campuchia và Vietnam. Lưu vực sông Mekong nằm ở điểm cực nam của hai nước.

Trong hai năm từ khi thành lập diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương, Trung Quốc đã chi ra nhiều tỉ đôla để hỗ trợ cho ít nhất 45 dự án, kể cả các trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước, và các dự án hợp tác để nối kết, tăng cường khả năng công nghiệp, nông nghiệp, phát triển thương mại tại vùng biên giới, cũng như các dự án xóa đói.

Tuy nhiên sông Mekong là một nguồn tiềm tàng gây căng thẳng khu vực, và lãnh đạo các nước dọc theo sông Mekong tụ tập tại Pnom Penh lần này trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục hối thúc việc xây thêm nhiều đập thủy điện trên con sông, gây quan ngại rằng những đập này đang thay đổi dòng chảy của con sông dài thứ 12 của thế giới (4350km) và cũng là con sông dài nhất Đông Nam Á, mang theo những tác hại về môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của 60 triệu người sống lệ thuộc vào sông Mekong và các nhánh của sông này.

Được coi là mạch sống của khu vực, đặc biệt của dân sinh sống ở vùng hạ lưu, sông Mekong từng là nguồn tài nguyên kinh tế hầu như vô tận với nguồn cá phong phú, và cung cấp phù sa nuôi dưỡng các khu vực màu mỡ nhất cho nông nghiệp, kể cả đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, vựa lúa xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Được biết ngay sau khi đến phi trường Pnom Penh vào đầu chiều ngày 10/1, Thủ Tướng Việt Nam đã đến Cung Hòa Bình để gặp Thủ Tướng Campuchia Hun Sen.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phúc nêu bật những đóng góp của Việt Nam, nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực thông qua việc phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên.

Về vấn đề hợp tác, Thủ Tướng Việt Nam nêu bật các ưu tiên gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thuỷ văn; hợp tác ứng phó với hạn hán, lũ lụt; hợp tác trong các nghiên cứu khoa học và xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Sông Mekong.

​Đây là Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần 2 sau hội nghị đầu tiên tổ chức ở Hà nội vào tháng 3 năm 2016.

Nguồn: AP, SCMP, TTXVN, VN News

VOA Express

XS
SM
MD
LG