Đường dẫn truy cập

Nên hay không nên xuất bản sách trong nước?


<!-- IMAGE -->

Từ mấy tháng nay, trên báo chí cũng như trên một số diễn đàn mạng, có một cuộc thảo luận khá sôi nổi về đề tài: giới cầm bút ở hải ngoại nên hay không nên xuất bản sách ở trong nước?

Nhiều người nói: Nên. Nhiều người khác nói: Không.

Quan điểm của tôi: Nên.

Có mấy lý do. Tất cả đều thật đơn giản.

Thứ nhất, ai cũng biết, viết là để cho người khác đọc. Umberto Eco, trong cuốn On Literature (A Harvest Book, Orlando, 2002, tr. 334), nói thẳng thừng: “Người nào nói hắn viết cho chính hắn là đang nói dối, nói dối một cách không cần thiết.” Mà thật, không nhắm đến người khác, không ai viết làm gì. Hay nếu viết, cũng không gửi đăng đâu đó làm gì. Đăng, cho dù đăng trên báo, trên mạng, thậm chí dưới hình thức góp ý (trong các blog) hay tán gẫu, thậm chí, tán nhảm (trong Facebook hay Twitter, v.v…) đều xuất phát từ ý muốn chia sẻ với người đọc.

Thứ hai, đã nhắm đến người đọc thì ai cũng muốn có càng nhiều người đọc chừng nào càng tốt chừng ấy. Ngay những nhà chuyên môn, chỉ viết về chuyên môn và xuất bản trên các tạp chí chuyên môn, cũng mong ước được thật nhiều các nhà chuyên môn khác đọc. Văn chương đặc tuyển cũng nuôi giấc mơ được “đại chúng hoá” trong thế giới đặc tuyển của mình. Nhưng nói đến đám đông là nói đến ưu thế của quốc nội: trên 80 triệu người dân trong nước là một con số áp đảo so với hơn ba triệu người thưa thớt và rải rác ở hải ngoại. Đã đành không phải ai trong số trên 80 triệu người ấy cũng đều đọc sách, nhất là sách văn học, nhưng trừ tới trừ lui gì đi nữa thì nó vẫn nhiều hơn hẳn ở hải ngoại. Đó là một sự thật.

Không những đông, độc giả trong nước còn là những độc giả khá lý tưởng. Lý tưởng ở ít nhất ba điểm chính: một, họ có nhiều thời gian, có lẽ nhiều hơn hẳn phần lớn những người sống ở hải ngoại; hai là họ có động cơ cụ thể (với những người làm các nghề liên quan đến văn học, từ làm báo đến dạy học, hoặc đang ôm ấp những giấc mộng văn chương, từ làm thơ đến viết văn); và cuối cùng, họ thực sự có nhu cầu: được nuôi dưỡng quá lâu trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cằn cỗi, họ cần được cung cấp những món ăn khác, cần được hít thở một thứ không khí khác, cần được nhìn thấy những chân trời khác. Thành thực mà nói, họ cần hơn các độc giả ở hải ngoại nhiều.

Bởi vậy, nếu một người cầm bút nào đó nói là họ mong thấy tác phẩm của mình được xuất bản trong nước thì nên xem đó là chuyện bình thường. Bình thường và chính đáng.

Tuy nhiên, ở đây, có một vấn đề khác: Để đến được với độc giả trong nước, mọi người phải vượt qua một cửa ải: kiểm duyệt. Trong chúng ta hẳn ai cũng biết hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam chặt chẽ và hiệu quả đến chừng nào. Kiểm duyệt ngay từ cơ sở: các toà báo và các nhà xuất bản. Kiểm duyệt qua nhiều cấp, từ địa phương đến trung ương; và nhiều chặng, từ trước khi in đến sau khi phát hành.

Cũng cần lưu ý là ở miền Nam trước đây cũng có kiểm duyệt. Thậm chí, kiểm duyệt một cách thô bạo. Trên các trang sách hay báo ở miền Nam trước đây, người ta thường xuyên bắt gặp những khoảng trắng với hàng chữ “kiểm duyệt đục bỏ” lem luốc. Trông rất phản thẩm mỹ. Và cũng phản tuyên truyền. Nhưng sự thô bạo ấy, dù sao, cũng có chừng mực. Nhân viên kiểm duyệt chỉ cắt bỏ chứ không sửa đổi.

Kiểm duyệt bây giờ thì khác. Nó diễn ra một cách âm thầm nên nó có vẻ rất sạch sẽ. Trên trang sách hay trang báo, người ta không thể tìm ra dấu vết của kiểm duyệt. Nhưng như vậy, tác giả sẽ gánh chịu hết mọi hậu quả. Việc cắt bỏ hay sửa đổi, nếu làm lệch lạc hẳn giọng điệu cũng như tư tưởng của tác giả thì tác giả cũng đành phải chịu. Để chấp nhận cách thức kiểm duyệt âm thầm, ở ngoài tầm mắt của độc giả như thế, giới cầm bút phải chấp nhận một thái độ: thoả hiệp.

Có hai mức thoả hiệp:

Thứ nhất, thoả hiệp với từng sự cắt bỏ hay sửa đổi cụ thể. Ví dụ, trong một tập thơ gồm 30 bài, người ta cắt bỏ mười bài. Đồng ý hay không đồng ý? Trong một bài thơ gồm 30 câu, người ta cắt bỏ năm bảy câu. Đồng ý hay không đồng ý? Trong một cuốn sách gồm 300 trang, người ta cắt bỏ vài chục trang hay ít hơn, vài ba trang. Đồng ý hay không đồng ý?

Không có câu trả lời chung cho mọi câu hỏi vừa nêu. Bởi, trong văn chương, số lượng chữ, câu hay trang không phải là vấn đề. Vấn đề là ở tầm quan trọng của chữ, câu hay trang ấy. Trong nhiều trường hợp, việc cắt bỏ vài đoạn, vài trang, hay, thậm chí, vài chục trang, cũng không làm thay đổi gì nhiều. Nhưng cũng có những trường hợp khác, chỉ cần cắt bỏ hay thay đổi một câu hay thậm chí một vài chữ, tư tưởng của tác giả có thể bị xô lệch, thậm chí, trái ngược hẳn. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi, cùng bị kiểm duyệt cắt bỏ mà người này thì hầm hầm, người kia thì cứ cười hơ hớ.

Thứ hai, thoả hiệp với hệ thống kiểm duyệt nói chung. Một số người hoàn toàn chống lại kiểm duyệt, bất kể việc cắt bỏ hay sửa đổi nhiều hay ít. Một số người khác, đông hơn, chấp nhận thoả hiệp với kiểm duyệt. Có khi thoả hiệp vì bắt buộc: người ta không có chọn lựa nào khác. Đó là trường hợp của hầu như tất cả các cây bút ở trong nước. Người ta phải thoả hiệp vì sự sống còn của mình và gia đình mình, những người phải sống dựa vào nguồn nhuận bút và tác quyền. Nhưng cũng có khi người ta thoả hiệp vì tự nguyện: Đó là trường hợp của các cây bút đang sống ở hải ngoại.

Chính những sự thoả hiệp tự nguyện ấy làm dấy lên câu hỏi về động cơ. Dĩ nhiên không phải là động cơ kinh tế: thị trường sách vở ở Việt Nam quá nhỏ, chắc chắn không nuôi sống được ai cả. Chỉ còn một động cơ khác: danh vọng. Thì cũng là điều bình thường. Thế giới của văn học là thế giới của danh vọng. Ai cũng biết điều đó. Chính quyền lại thừa biết điều đó. Sự say mê danh vọng, do đó, có khi bị biến thành một miếng mồi về chính trị. Trong nhiều trường hợp, những người cầm bút hiếu danh rất dễ bị sử dụng như một công cụ để tuyên truyền.

Tuy nhiên, tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh ấy: Nó đã và đang được thảo luận khá nhiều ở các diễn đàn khác. Tôi chỉ muốn chuyển sang vấn đề: Liệu, để đến với độc giả trong nước, chúng ta - giới cầm bút ở hải ngoại - có cần thiết phải thoả hiệp với bạo quyền và chịu đựng những sự cắt bỏ hay sửa đổi nhiều lúc làm thay đổi hẳn phong cách hay tư tưởng của mình hay không?

Theo tôi, là không.

Vì nhiều lý do. Trước hết, vì sự tự trọng. Sau nữa, vì không cần thiết.

Người ta có thể đến với độc giả trong nước bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải chui qua cái rọ kiểm duyệt. Ở trong nước, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, nhóm Mở Miệng và một số người khác chọn cách tự xuất bản. Họ cũng gây được những tiếng vang rất đáng kể. Với các cây bút ở hải ngoại, nhiều tác phẩm tuy bị cấm nhưng vẫn được lưu hành rộng rãi dưới hình thức photocopy. Trong bài “Nhà văn hải ngoại tại Sài Gòn” đăng trên trang Việt ngữ của đài BBC ngày 7 tháng 10, 2004, đặc phái viên Chính Vĩ viết:

“Rất nhiều tiểu luận, bản dịch xuất hiện trên Thơ, Hợp Lưu, Việt... [đặc biệt bài viết, sách của Nguyễn Hưng Quốc] đã được photocopy nhiều lần, và một ít trong số đó đã trở thành tài liệu giảng dạy trong các trường đại học.”

Người ta càng không cần phải chui vào rọ kiểm duyệt vì đã có internet.

Hiện nay ở Việt Nam có trên 20 triệu người thường xuyên sử dụng internet. Dĩ nhiên không phải ai trong số đó cũng đều thích đọc văn học. Nhưng rõ ràng là nếu có ai muốn đọc văn học thì họ có thể đọc dễ dàng mọi tác phẩm được phổ biến trên internet. Tổng cộng số người đọc văn học trên internet chắc chắn là nhiều hơn hẳn số lượng độc giả đọc sách báo in theo kiểu truyền thống. Nhiều hơn gấp chục, thậm chí, gấp trăm lần.

Theo tôi, trong tình hình hiện nay, internet là con đường giao lưu hữu hiệu nhất giữa trong và ngoài nước. Không những hữu hiệu, với giới cầm bút ngoài nước, trong cuộc giao lưu ấy, internet còn có khía cạnh tích cực khác: ở đó, người ta không cần phải thoả hiệp. Mà, trong lãnh vực sáng tạo, không thoả hiệp, theo tôi, là điều kiện quan trọng nhất để tài năng được phát huy đến tận cùng.

Tuy nhiên, xin lưu ý, chúng ta, ở hải ngoại, đang sống trong những xã hội tự do. Chúng ta được tự do. Và chúng ta cần tôn trọng quyền tự do của người khác.

Kể cả quyền tự do nói dối và nịnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG