<!-- IMAGE -->
Mặc dầu kinh tế Hoa Kỳ có những dấu hiệu đang hồi phục, một số lãnh vực vẫn còn trong cơn suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10, và các nhà kinh tế tiên liệu rằng trong năm nay, con số những người Mỹ bị mất nhà vì không đủ khả năng trả nợ nhà sẽ tiếp tục gia tăng, khiến có người trở thành vô gia cư. Mời quý vị theo dõi thêm về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Mike Osborrne.
Bà Tammy Renault chưa bao giờ nghĩ rằng gia đình bà sẽ ở lâu trong khu cắm trại Timberline, thuộc thành phố Lebanon, tiểu bang Tennessee. Timberline là nơi mà người ta có thể dựng một lều vải ở tạm một hoặc hai ngày là nhiều nhất. Gia đình bà Renault đã ở đó từ tháng Tám năm ngoái tới nay. Gia đình bà là một trong hơn 20 gia đình vô gia cư sống ở đây.
Thật là một bước sa sút lớn từ một ngôi nhà 3 phòng ngủ mà họ đã mất. Gia đình bà đã lâm vào cảnh vô gia cư từ gần 2 năm trước, khi chồng bà mất việc làm trong ngành xây cất.
Bà cho biết, trong khoảng gần một năm bà vẫn nghĩ rằng, tằn tiện một chút thì gia đình vẫn có thể duy trì chi phí sinh hoạt. Nhưng đến lúc nền kinh tế thay đổi thì không còn ai cần tới kỹ năng xây cất của chồng bà nữa.
Chồng bà, ông Troy Renault, nói rằng khi tiền bạc cạn dần thì gia đình phải quyết định những chọn lựa khó khăn.
Ông nói: “Tôi đã tự hỏi có nên tiếp tục trả tiền nợ để giữ căn nhà nhưng không có điện và nước, hay nên giữ những tiện nghi này mà chịu mất ngôi nhà. Và cứ thế, mỗi ngày một khó khăn hơn cho đến lúc bị mất nhà.”
Gia đình Renault và 4 trong 5 người con trai của họ giờ đây sống trong một một nhà lưu động nhỏ hẹp được người ta cho không. Nhưng ngoài cảnh cơ cực về vật chất gia đình này còn bị sa sút nặng về phương diện xã hội khi bị gọi là dân vô gia cư.
<!-- IMAGE -->
Cộng đồng địa phương cũng gặp những bài học về tình trạng vô gia cư. Bà Liz Reese mới mở nhà tạm trú đầu tiên cho người vô gia cư. Bà cho biết, lãnh đạo thành phố lúc đầu hỏi bà mở một cơ sở như vậy để làm gì, nhưng trong sáu tháng qua cơ sở này đêm nào cũng đầy người. Bà Reese phải gửi tạm những người đến trễ vào các khách sạn bình dân gần đó hay những khu lều trại như Timberline.
Bà Reese nói rằng mỗi ngày thường có từ 7 tới 14 người gọi điện thoại tìm nơi tạm trú. Với tình hình kinh tế hiện nay thì số người xin tạm trú ngày càng gia tăng.
Hầu hết dân Hoa Kỳ nghỉ rằng, người vô gia cư là thành phần nghèo nhất trong xã hội, những người không thích hợp với xã hội, những người nghiện rượu hay ma túy; nhưng hiện nay thì tình hình có khác. Trong công việc của bà hiện nay bà Reese đã gặp những người có bằng thạc sĩ hoặc trình độ đại học chứ không phải là những người bỏ học ở cấp trung học. Và cũng có những người trước đây đã từng sống trong những căn nhà trị giá ba, hoặc bốn trăm ngàn đô la.
Ông James Wrights, Giáo sư Xã hội học của Đại Học Florida, trước đây đã nghiên cứu về đề tài vô gia cư ở Hoa Kỳ. Ông không ngạc nhiên trước hiện tượng vừa kể. Ông đã phá tan một quan niệm sai lầm về người vô gia cư cho rằng, tất cả bọn họ là những người ăn xin, lười biếng. Ông nói rằng hầu hết những người vô gia cư hiện nay đang làm việc hoặc ít nhất cũng đang tìm việc.
Ông Renault là một thí dụ hoàn hảo. Ông đôi khi có kiếm được việc làm nhưng thường không đủ để có được ngôi nhà mới. Ông dành hầu hết ngày giờ để sửa chữa không lấy công cho những người láng giềng trong khu tạm trú. Tay nghề mà ông học được trước đây cũng có ích phần nào.
Ông nói rằng, nhờ bận rộn, ông cảm thấy qua ngày thoải mái hơn vì không rảnh để nghĩ tới hoàn cảnh bi đát của mình.
Là một người có niềm tin tôn giáo, bà Renault, nói rằng, bà cũng tìm thấy đôi điều tích cực về hoàn cảnh nghèo khó của mình. Bà nói, bất kể ở đâu và bất cứ trường hợp nào nếu bà chọn niềm tin nơi Thượng Đế thì Ngài sẽ chăm sóc cho bà.
Gia đình Renault nghĩ rằng phải một thời gian nữa thì họ mới có thể ra khỏi khu nhà tạm này. Nhưng họ không thấy phải bận tâm nhiều về chuyện này. Ông Renault nhận xét rằng người Mỹ có vẻ như lúc nào cũng làm hết sức mình khi bị rơi vào những cảnh ngộ khó khăn nhất.