Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama một năm trước đây được chào đón với nhiệt tình hầu như trên toàn thế giới. Châu Âu chờ đợi ông khôi phục lại đối tác xuyên Đại Tây Dương, hoạt động cho hòa bình và làm mũi nhọn trong cuộc chiến chống lại việc tăng nhiệt toàn cầu. Tại Trung Đông, mọi người hy vọng ông sẽ chú tâm vào việc giải quyết các tranh chấp Israel-Palestin. Tuy nhiên theo như tường trình của thông tín viên Sonja Pace từ London, mối nhiệt tâm này đã phai nhạt dần.
Ông bà Obama lôi cuốn được đám đông hoan ngênh mỗi khi họ xuất hiện. Hầu hết Châu Âu đối xử với ông bà như những ngôi sao nhạc rock.
Đối với nhiều người, Tổng thống Obama tượng trưng cho hy vọng.
Nina và Simon là sinh viên của trường Đại học King tại London.
Cô Nina nói: “Tôi nghĩ ông ấy đặt điều đó lên trên cao để mọi người ở khắp mọi nơi có thể thực hiện giấc mơ của mình.”
Còn anh Simon thì phát biểu: “Thái độ của ông ấy hoàn toàn gây ấn tượng. Và điều này thực sự có ảnh hưởng đến bạn.”
Ngay cả những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng muốn thân thiện với ông. Lời hứa mở rộng vòng tay ra thế giới bên ngoài đã có tiếng vang và khiến ông đoạt giải Nobel Hòa Bình không đầy một năm sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên dù rằng người Châu Âu thích sự thay đổi trong giọng điệu của ông nhưng họ muốn có một cái gì rõ ràng. Ông Tomas Valasek, Giám đốc về Chính sách Ngoại giao tại Trung tâm Cải tổ Châu Âu ở London nêu ý kiến.
Ông nói: “Chúng tôi rất quan tâm vào người lãnh đạo nước Mỹ và ông Obama bởi vì ông rất được toàn thế giới ưa thích, bởi vì ông nói ông muốn nỗ lực đưa các đối tác khác như Trung Quốc, Nga vào việc điều hành hệ thống toàn cầu.”
Tuy nhiên sau một năm cầm quyền các vấn đề của thế giới vẫn còn kéo dài. Cuộc chiến tại Iraq lắng dần xuống nhưng bạo động vẫn còn tiếp tục.
Hoa Kỳ đang gởi thêm quân đến Afghanistan và muốn các đối tác thuộc khối NATO cũng làm như vậy.
Iran và Bắc Triều Tiên không có chỉ dấu nào cho thấy các nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tại hội nghị biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạnh, nỗ lực kiến tạo một liên minh rộng rãi chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu lên không thành công.
Ông Tomas Valasek thuộc Trung tâm Cải tổ Châu Âu nêu lên nhận xét về công việc của Tổng Thống Barack Obama.
Ông Tomas nói: “Ông ấy mở ra một số vấn đề lớn, một số những thách đố khó khăn và hình như ông không có khả năng mang bất cứ một vấn đề nào đến kết cục.”
Tại Trung Đông cũng có cùng những cảm giác như vậy.
Bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama đọc tại trường đại học Cairo vào tháng 6 năm ngoái nhằm vươn tới thế giới Hồi giáo được hoan nghênh là làm nẩy sanh nhiều hy vọng về một kỷ nguyên hòa bình mới.
Điểm then chốt của vấn đề luôn luôn là cuộc tranh chấp Israel-Palestin. Nhiều người hy vọng có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề này.
Tuy nhiên hy vọng tàn phai nhanh chóng khi Tổng thống Obama lùi bước sau khi Thủ tướng Israel từ chối không chịu ngưng hoàn toàn việc định cư của người Israel tại vùng Bờ Tây.
Ông Radi và bà Jumana Jarai’i cư ngụ tại thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây cho biết là việc chiếm đóng của người Israel vẫn tiếp tục như trước.
Ông Radi đưa ra nhận xét: “Từ lúc đầu, cách đây một năm, chúng tôi rất hy vọng. Hiện nay tôi cho rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về việc hỗ trợ Israel vô giới hạn, vô điều kiện.”
Bà Jumana nói: “Tôi ngưỡng mộ Tổng thống Obama. Do đó hiện giờ tôi rất thất vọng. Nhưng tôi có thể nói một điều. Đó là chính sách của Hoa Kỳ không bao giờ thay đổi.”
Ông Tomas Valasek cho rằng những kỳ vọng đặt vào Tổng thống Obama quá cao.
Ông nói: “Lẽ dĩ nhiên, về một vài phương diện nào đó, đây là một nhiệm vụ không thể nào thực hiện được. Chúng ta đặt quá nhiều hy vọng vào ông ấy. Ngay cả khi ông có thể đi bộ trên mặt nước, ông cũng không thể nào thực hiện được.”
Việc Tổng thống Obama nhấn mạnh đến ngoại giao vẫn còn được sự ủng hộ mạnh mẽ cũng như có được đánh giá cao, đặc biệt tại Châu Âu. Tuy nhiên mọi con mắt đều hướng về Tổng thống Obama để xem ông có thể thực hiện được những thay đổi ông đã hứa hay không.
<!-- IMAGE -->