Đường dẫn truy cập

Học sinh gốc Việt 'bị hành hung' ở Pennsylvania


Học sinh gốc Việt 'bị hành hung' ở Pennsylvania
Học sinh gốc Việt 'bị hành hung' ở Pennsylvania

Tổ chức Boat People SOS (Ủy ban Cứu người vượt biển), cho biết ít nhất 26 học sinh châu Á, trong đó có các em gốc Việt, tại trường trung học Nam Philadelphia ở tiểu bang Pennsylvania đã bị một nhóm bạn cùng học người Mỹ gốc Phi châu hành hung trên đường về nhà hồi đầu tháng 12 vừa qua, khiến một số em bị thương. Tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ này cũng cho hay, tình trạng các học sinh gốc Á bị tấn công từng xảy ra trong quá khứ, nhưng đây là vụ nghiêm trọng nhất trong những năm qua. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi vụ việc với Nguyễn Trung sau đây.

<!-- IMAGE -->

Vụ tấn công của các học sinh Mỹ gốc Phi châu nhắm vào các bạn học gốc Á hôm 3/12 vừa qua không chỉ gây quan ngại trong cộng đồng người gốc Việt ở thành phố Philadelphia, mà còn thu hút sự chú ý của báo giới địa phương.

Tờ Philadelphia Inquirer dẫn lời các nhân chứng cho hay, có bảy em bị thương trong vụ hành hung và phải đưa đi bệnh viện chữa trị.

Em Khanh Trần, học sinh lớp 11, là một trong các nạn nhân bị chặn đường hôm đó. Học sinh gốc Việt 20 tuổi này cho biết em sang Hoa Kỳ học được khoảng ba năm. Em kể lại với VOA Việt Ngữ rằng em và các bạn gốc châu Á ‘đã được cảnh báo trước rằng có thể bị đánh’ vì một hôm trước đó đã xảy ra một vụ tương tự.

Em Khanh nói: 'Hôm sau tụi em nghe tin cũng sợ và tính đi về. Rồi sau đó tụi em gặp mấy học sinh người Mỹ gốc Phi châu đứng đầy ở góc đường. Tụi em không dám về và phải quay lại trường. Rồi khi tan trường, em với mấy đứa khác đang chờ bạn thì bị nhân viên an ninh của trường đuổi về'.

Nam sinh này kể tiếp: 'Sau đó bà hiệu trưởng tới và nói sẽ đi bộ cùng với bọn em về. Tụi em đi ra cổng trường với một nhóm bạn khác nữa, tổng cộng 11 người (tám con gái và ba con trai). Khi tụi em băng qua đường thì không thấy bà hiệu trưởng đâu nữa. Sau khi đi một đoạn thì tụi em thấy các học sinh Mỹ gốc Phi châu đi theo. Rồi một nhóm chạy lên chặn đầu và sau đó cùng với đám sau lưng đánh tụi em. Khoảng 40 đứa'.

Tổ chức Ủy ban Cứu người vượt biển sau đó đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng người gốc Việt trong thành phố đứng lên phản đối vụ hành hung, bảo vệ con em mình. Bà Michelle Nguyễn, chuyên viên truyền thông của tổ chức này, đánh giá rằng sự việc xảy ra ‘có liên quan tới môi trường học tập’.

<!-- IMAGE -->

Bà nhận định: 'Ủy ban Người vượt biển của chúng tôi đã làm việc chung với rất nhiều tổ chức đối tác liên quan tới người châu Á, người Trung Quốc hay Campuchia. Những tổ chức chúng tôi làm việc chung có lịch sử hoạt động ở đây lâu rồi. Họ nhận định và chúng tôi cũng xem xét thấy rằng không phải các em kỳ thị với nhau do không hiểu ngôn ngữ của nhau dẫn tới đánh lộn, xô xát, mà vì nhà trường không tạo ra môi trường để các em hiểu nhau. Môi trường của trường học tạo ra không khí làm cho các em căng thẳng với nhau. Nếu như có chương trình nào để giúp các em hiểu nhau thì có thể căng thẳng đã giảm đi nhiều'.

Sau vụ tấn công, một ủy ban gồm các học sinh châu Á đã gặp các giới chức giáo dục thành phố Philadelphia. Nhưng nhóm này cho rằng vẫn chưa nhận được sự hồi đáp thỏa đáng, và trường học chưa thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh cho các em. Vì thế, hàng chục em đã nghỉ học hơn một tuần để phản đối.

Tin cho hay, các em cũng đã biểu tình, yêu cầu chính quyền can thiệp. Các học sinh xuống đường mang theo các biểu ngữ như: ‘Chấm dứt bạo lực trường học’ hay ‘Không phải vấn đề ai đánh ai, mà là ai để các vụ việc xảy ra’.

Ban Việt Ngữ, Đài VOA, đã liên hệ xin phỏng vấn đại diện của trường trung học Nam Philadelphia, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trao đổi với VOA hôm 23/12, bà Evelyn Sample-Oates, Trưởng bộ phận truyền thông của Cơ quan phụ trách giáo dục của thành phố Philadelphia, cho biết cảm thấy đáng tiếc về sự việc xảy ra đồng thời ngỏ lời xin lỗi tất cả những học sinh đã bị ảnh hưởng.

Bà cho biết cơ quan bà đã cho lắp đặt thêm 64 máy thu hình giám sát, triển khai thêm các nhân viên an ninh, cảnh sát tới trường trung học Nam Philadelphia cũng như tới những nơi như bến tàu và bến xe ‘nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các học sinh’.

Bà Evelyn cho hay: 'Điều quan trọng nhất chúng tôi đã thực hiện là mở các khóa huấn luyện về đa dạng văn hóa để giúp các học sinh nắm rõ hơn về các khác biệt về sắc tộc, giúp chúng hiểu và tôn trọng văn hóa của nhau'.

Tờ Philadelphia Inquirer cũng dẫn lời hàng chục học sinh và giáo viên cho hay rằng các học sinh nhập cư bấy lâu nay đã cảm thấy không an toàn tại tất cả các trường học tại thành phố lớn nhất tiểu bang Pennsylvania.

Cùng ý kiến này, bà Michelle Nguyễn nhận xét rằng vấn đề các học sinh Mỹ gốc Phi châu bắt nạt và hành hung các học sinh gốc châu Á là ‘tình trạng chung của thành phố, không riêng gì trường Nam Philadelphia’.

Bà nói: 'Có nhiều phụ huynh học sinh muốn chuyển trường cho các em qua học những trường khác trong thành phố với hy vọng sẽ an toàn hơn vì thấy có nhiều vụ việc xảy ra tại trường Nam Philadelphia quá, nhưng chúng tôi thấy Philadelphia có lịch sử là không có trường nào an toàn một cách trọn vẹn như các phụ huynh mong muốn. Các em ở các trường khác cũng có nhiều người bị tấn công như vậy, nhưng họ không lên tiếng vì cha mẹ các em là người Á Đông và người Việt Nam vốn có tính chịu đựng. Họ thường nói con cái của mình phải chịu đựng và nhường nhịn đi, và không đi tố cáo ai, nên không có nhiều người biết tới'.

Bà Evelyn cũng thừa nhận rằng tình trạng tấn công các học sinh gốc Á không chỉ xảy ra tại trường trung học Nam Philadelphia mà còn ở nhiều trường khác tại thành phố này.

Bà thừa nhận: 'Đây là một vấn đề trên toàn thành phố. Chúng tôi ghi nhận các vụ tấn công không chỉ nhắm vào các học sinh gốc Á, mà còn cả vào các học sinh gốc Latin, gốc Caucasus và thậm chí là cả các em người Mỹ gốc Phi châu. Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề kém hiểu biết về khác biệt sắc tộc trong các trường học. Chúng tôi đang nỗ lực xử lý vấn đề này'.

Bà Evelyn cũng cho biết là Cơ quan phụ trách giáo dục của Philadelphia không không dung thứ cho các hành động bạo lực mang tính phân biệt chủng tộc, và những học sinh có liên quan tới các vụ tấn công sẽ bị cấm đến trường trong một thời gian, thậm chí có thể bị là đuổi học.

Được biết, 15 học sinh tham gia vào vụ tấn công các học sinh Việt Nam đã bị đuổi học tạm trong một số ngày.

Tờ Philadelphia Inquirer cho hay, khoảng 70% tổng số học sinh trường trung học Nam Philadelphia là người Mỹ gốc Phi châu. Các học sinh gốc Á, trong đó có gốc Việt Nam, chiếm khoảng 18%.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục tiểu bang Pennsylvania, trường trung học Nam Philadelphia đứng hàng thứ hai trong số mười trường hay xảy ra tình trạng hành hung học sinh nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG